Ưu tiên xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ
Cần có lộ trình phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong việc xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia.
Từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, thế giới bắt đầu làm quen với khái niệm "lộ trình công nghệ", "bản đồ công nghệ". Việt Nam, tuy mới tiếp cận vấn đề này trong thời gian gần đây nhưng đã nhận thức rõ rằng, đó là những công cụ hữu hiệu để hỗ trợ quá trình quản lý công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ưu điểm đã được kiểm chứng
Trong những năm qua, hàng nghìn lộ trình công nghệ đã được xây dựng ở các quốc gia trên thế giới với nhiều cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với tính đặc thù của từng lĩnh vực, từng quốc gia.
Ở Thái Lan, nhờ xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp ô tô gắn kết với nội dung xây dựng lộ trình công nghệ mà trong giai đoạn 2007 - 2012, số lượng xe do nước này sản xuất đã tăng gần gấp 2 lần, tỷ lệ nội địa hóa từ 50 nâng lên 80% (đối với xe con) và 90% (đối với xe tải và bán tải). Với Nhật Bản, bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ nằm trong chiến lược quốc gia nhằm xác định các công nghệ mới nổi, có tiềm năng phát triển. Bản đồ và lộ trình công nghệ của Nhật Bản được xây dựng cho 31 lĩnh vực chính, trong đó, ngành năng lượng có 37 lộ trình cho từng lĩnh vực cụ thể như nhiệt điện, pin nhiên liệu, bơm nhiệt, truyền tải, lưu trữ năng lượng...
Chính phủ Nhật Bản đã sử dụng lộ trình công nghệ để quản lý các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) và phân bổ tài chính cho các dự án R&D. Sau khi áp dụng lộ trình vào việc quản lý các dự án R&D, đặc biệt là với kế hoạch ngân sách và đánh giá hiệu quả các dự án R&D, số lượng các dự án phải dừng hoặc phải điều chỉnh đã giảm hẳn.
Mới đây, tại hội thảo "Vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ ở Việt Nam" do Văn phòng Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia tổ chức, nhiều đại biểu khẳng định rằng, nếu xây dựng và thực hiện thành công bản đồ công nghệ và lộ trình công nghệ, Việt Nam sẽ hạn chế được tình trạng đầu tư lãng phí và trùng lặp trong các hoạt động R&D. Hiện tại, nhiệm vụ này là một trong 18 nhóm nhiệm vụ của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
Ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn lực để thực hiện
Cũng tại diễn đàn nói trên, nhiều chuyên gia đánh giá: Đối với việc xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ, đổi mới công nghệ, Việt Nam hiện đang thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia gồm thông tin về hiện trạng, khoảng cách công nghệ, năng lực R&D trong nước. Vì vậy, việc cần làm trước hết là khảo sát, tập hợp dữ liệu, hiện trạng KH&CN Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, sản xuất; đồng thời đưa ra dự báo về khả năng tăng trưởng, tiềm năng phát triển trong ít nhất 15 năm tới. Những phần việc nói trên tạo cơ sở cho việc so sánh trình độ KH&CN của Việt Nam với các quốc gia khác, xem xét khoảng cách về trình độ của các bên, phương án liên kết. Bản đồ công nghệ nên được xây dựng theo nhiều cấp độ, từ cấp quốc gia đến bộ, ngành, phân ngành và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN - Bộ Công thương Nguyễn Huy Hoàn, việc xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển cũng gặp một số khó khăn. Đó là chưa làm rõ được vai trò của công nghệ; việc đánh giá thực trạng, năng lực công nghệ chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến lộ trình phát triển công nghệ, giải pháp khoa học còn chung chung. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công thương đã tổ chức đánh giá, thẩm định công nghệ trong 12 ngành, giao cho 2 viện thực hiện nhiệm vụ này theo hướng dẫn của Bộ KH&CN; đồng thời xây dựng bản đồ công nghệ cho ngành công nghiệp.
Theo ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN, kinh nghiệm của các nước cho thấy, về nhân lực cần có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý của Chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường ĐH. Tại Nhật Bản, trong lĩnh vực xây dựng lộ trình công nghệ, chỉ trong năm 2009 đã có hơn 870 chuyên gia tham gia; Mỹ có 72 chuyên gia từ 45 tổ chức tham gia xây dựng lộ trình công nghệ cho ngành công nghiệp sản xuất kính; Australia có 220 chuyên gia thuộc 160 tổ chức tham gia xây dựng lộ trình công nghệ cho riêng ngành ô tô. Ngoài ra, ở những nước này, vấn đề ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn lực luôn được coi trọng một cách đặc biệt.
Về xây dựng bản đồ công nghệ, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể xây dựng hồ sơ cho mỗi công nghệ đã được chuẩn hóa, bao gồm thông tin về năng lực công nghệ, khả năng ứng dụng, khoảng cách công nghệ, mức độ sẵn sàng... Hiện nay, Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia đang nghiên cứu, làm rõ phương pháp luận cũng như các điều kiện đặc thù để báo cáo Chính phủ về cơ chế cần có để hỗ trợ quá trình xây dựng bản đồ công nghệ quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai hoạt động điều tra, đánh giá hiện trạng công nghệ, xây dựng bản đồ và lộ trình công nghệ cho các ngành, lĩnh vực cũng như hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng lộ trình công nghệ cho các doanh nghiệp…
Về cơ bản, những động thái gần đây cho thấy Việt Nam ngày càng coi trọng vấn đề lộ trình công nghệ, bản đồ công nghệ. Sự thay đổi về nhận thức là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra đối với những phần việc liên quan.
TS Đỗ Hữu Hào, Ủy viên Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia:
Bản đồ công nghệ là bộ tài liệu mô tả, phân tích hiện trạng, khả năng sử dụng công nghệ tại một thời điểm xác định; tương quan giữa các loại công nghệ với yêu cầu phát triển công nghệ phù hợp với mục đích sử dụng; xác định các xu hướng phát triển công nghệ, những công nghệ ưu tiên, dự báo nhu cầu công nghệ.
Lộ trình công nghệ là bản kế hoạch thể hiện diễn biến thay đổi và định hướng phát triển trong tương lai của đối tượng công nghệ đang xem xét để đạt các mục tiêu được xác định trong trung và dài hạn.