Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hiện hành – đạo luật cơ bản về lĩnh vực KH&CN có nhiều quy định chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Bộ KH&CN – cơ quan chủ trì Dự án Luật KH&CN (sửa đổi) đang tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN phục vụ mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế.
Phóng viên có cuộc trò chuyện với TS. Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ KH&CN (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XII) về vấn đề này.
Ngành KH&CN của đất nước đã thay đổi như thế nào sau khi Luật Khoa học và Công nghệ ra đời, thưa ông?
- Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Luật KH&CN lần đầu tiên được ban hành năm 2000 sau khi có Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII (năm 1996) về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đã thể chế hóa quan điểm, chính sách phát triển KH&CN thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Trong đó quy định rất rõ quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước; quy định cơ chế chính sách đầu tư, phát triển tiềm lực KH&CN (gồm hạ tầng KH&CN, đội ngũ cán bộ KH&CN); quy định quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN; các biện pháp bảo đảm phát triển KH&CN theo đúng yêu cầu CNH, HĐH.
Một nội dung mang tính đột phá là sau khi Luật KH&CN ban hành Quốc hội quyết định phân bổ 2% tổng chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) hàng năm cho phát triển KH&CN. Điều này được các nhà khoa học đón chào rất hồ hởi, thực sự đã tạo nên tiền đề quan trọng, tạo nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ như xây dựng hệ thống các tổ chức KH&CN, các phòng thí nghiệm trong đó có phòng thí nghiệm trọng điểm; có thêm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN quy mô quốc gia.
Có thể khẳng định, KH&CN đã đánh dấu bước đột phá về mặt chính sách, tạo điều kiện cần thiết để phát triển, nâng cao năng lực nền KH&CN nước nhà.
Thứ trưởng vừa nói đến những đóng góp to lớn của KH&CN, xin ông cho biết rõ hơn về điều này?
- Kết quả hoạt động KH&CN thời gian qua đã được Đại hội toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Quản lý KH&CN có đổi mới, thực hiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN. Thị trường KH&CN bước đầu hình thành. Đầu tư cho KH&CN được nâng lên”.
Năng lực KH&CN của Trung ương, các ngành, địa phương đã được nâng lên một cách đáng kể so với trước đây. Trong các lĩnh vực KH&CN đóng góp rõ nét nhất phải kể đến nông nghiệp. Hiện Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu các sản phẩm như lúa, thủy sản, cà phê, cao su, tiêu, điều, củ mỳ,… đạt trên dưới 1 tỷ USD mỗi loại. Năm 2012, xuất khẩu nông sản đạt 26,5 tỷ USD; cá xuất khẩu lớn, 6,5 tỷ USD. Sản lượng lúa đạt 43 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm trước, xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn. Các lĩnh vực công nghệ thông tin, y dược, nghiên cứu cơ bản, công nghệ dự báo thời tiết và thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu… cũng có nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, nhìn chung KH&CN chưa đáp ứng được nhu cầu; tiềm lực còn thấp, chưa trở thành động lực then chốt để phát triển kinh tế xã hội; đầu tư còn hạn hẹp, chưa đáp ứng quá trình CNH, HĐH; cơ chế tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cơ chế tài chính, ứng dụng KH&CN còn nhiều tồn tại.
Được biết, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ, Quốc hội Dự thảo Luật KH&CN sửa đổi. Lý do nào khiến chúng ta phải cấp thiết sửa đổi Luật KH&CN, thưa ông?
- Luật KH&CN được ban hành đến nay đã 12 năm. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Hiện đã có 7 đạo luật chuyên ngành về các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, đo lường, công nghệ cao, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, trong một số luật về đầu tư, thuế… cũng có nhiều điều, khoản liên quan đến hoạt động KH&CN đã được sửa đổi, bổ sung.
Trong quá trình hoạt động, Luật KH&CN hiện hành đã bộc lộ một số bất cập về nội dung cũng như hình thức văn bản. Có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành; nhiều điều, khoản quy định còn chung chung, hiệu lực thi hành pháp luật thấp. Vì thế, Luật KH&CN cần được sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về KH&CN; đảm bảo phù hợp với những đổi mới trong chính sách phát triển KH&CN; khắc phục được những tồn tại trong tổ chức, cơ chế hoạt động KH&CN.
Hơn nữa, khi Luật KH&CN được ban hành, Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO, chưa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, chưa vượt qua ngưỡng của một nước kém phát triển và chưa có hệ thống luật pháp đầy đủ về KH&CN. Điều kiện của thế giới và khu vực đã thay đổi rất nhiều nên chính sách về KH&CN cũng cần được điều chỉnh để đảm bảo sự phù hợp và tương thích với các điều ước quốc tế Việt Nam cam kết hoặc tham gia, khai thác có hiệu quả những cơ hội để tăng nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng và nhân lực KH&CN; nâng cao vị thế quốc tế về KH&CN của Việt Nam, thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới.
Vì vậy, cần sửa đổi Luật để tạo cơ sở pháp lý nhằm triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá trong hoạt động KH&CN: tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KH&CN; tăng cường năng lực KH&CN, trước hết là hạ tầng và nhân lực KH&CN; đẩy mạnh ứng dụng KH&CN để giải quyết những vấn đề cốt yếu của đất nước. Bảo đảm để KH&CN thực sự đóng vai trò là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững; đáp ứng mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Luật KH&CN sửa đổi sẽ có những nội dung đổi mới chủ yếu nào, thưa ông?
- Trước tiên phải nói đến đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính. Cụ thể, về chính sách đầu tư cho KH&CN, phải tăng cường đầu tư từ NSNN, bảo đảm tối thiểu duy trì 2% tổng chi NSNN, sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư cho KH&CN. Huy động xã hội hóa đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là của doanh nghiệp. Để làm được điều đó, cần có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho KH&CN.
Cơ chế tài chính sẽ đổi mới để bảo đảm bố trí, sử dụng nguồn lực một cách chủ động, linh hoạt, có hiệu quả; phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN là một loại hình lao động mang tính sáng tạo rất cao. Một mặt phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, nhưng cần nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN các cấp.
Cơ chế xác định nhiệm vụ KH&CN được đổi mới theo xu thế gắn chặt với nhu cầu và nhiệm vụ của phát triển kinh tế xã hội, tăng cường tính ứng dụng. Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực đầu tư những nhiệm vụ KH&CN trọng điểm trong những lĩnh lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước. Việc xác định đúng và thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ như vậy sẽ phát huy được tiềm lực, dẫn dắt nền KH&CN quốc gia hướng tới tầm cao
Đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN; khuyến khích, hỗ trợ liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp để xác định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN nhằm thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp.
Luật KH&CN sửa đổi cũng sẽ làm rõ thêm quyền sở hữu, đại diện quyền sở hữu nhà nước, thẩm quyền quyết định giao quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với kết quả nhiệm vụ KH&CN được tạo ra bằng NSNN cho tổ chức có đủ điều kiện thực hiện việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu đó, ưu tiên tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN nhằm thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao, góp vốn bằng tài sản trí tuệ vào sản xuất kinh doanh; quyền tác giả đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận khi chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu được tạo ra từ NSNN.
Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, sử dụng và đãi ngộ cán bộ KH&CN. Có chế độ đặc biệt với nhà khoa học được giao nhiệm vụ KH&CN quan trọng của quốc gia, nhà khoa học đầu ngành và nhà khoa học có cống hiến đặc biệt xuất sắc. Tăng cường điều kiện tiếp cận KH&CN, tăng cường hoạt động cung - cầu công nghệ thông qua việc phát triển thị trường và dịch vụ KH&CN.
Một điểm mới nữa là việc quy định cơ chế phối hợp, liên kết giữa tổ chức KH&CN Việt Nam và nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thông qua sử dụng vốn ODA, thành lập các đơn vị, cơ sở nghiên cứu nước ngoài tại Việt Nam, cơ sở liên doanh, liên kết. Dự thảo Luật KH&CN sửa đổi đã được bổ sung một mục quy định về tổ chức KH&CN có vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Có thể nói, KH&CN đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc. Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, KH&CN tiếp tục được khẳng định là quốc sách hàng đầu. Bộ KH&CN có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết như thế nào, thưa ông?
- Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt nhiều đề án, chương trình quan trọng, trong đó có Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 (đã được phê duyệt 4.2012); dự thảo Nghị quyết “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” vừa được thông qua tại Hội nghị TW6 (10.2012); dự án Luật KH&CN sửa đổi để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Năm 2012 là một cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật về phát triển KH&CN của Việt Nam. Hiện Bộ KH&CN đang tiếp tục rà soát, hệ thống lại tất cả những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các văn bản, văn kiện lớn nêu trên; xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tất cả các nhiệm vụ, trách nhiệm đều phải có địa chỉ cụ thể để tổ chức thực hiện, phối hợp, kiểm tra, giám sát, đánh giá; bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Có rất nhiều công việc to lớn phải làm, nhưng chúng ta đã có được thuận lợi cơ bản nhất là chủ trương đã rõ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã được khẳng định. Là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ về quản lý nhà nước về KH&CN, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN.
Vâng, xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyễn Hạnh thực hiện
(*) Phát biểu kết luận Hội nghị TW6 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (báo Nhân Dân ngày 16.10.2012).