Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 07:37 am
Cập nhật : 19/10/2011 , 09:10(GMT +7)
Ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng: Sáu ưu tiên cho phát triển rừng ngập mặn Việt Nam
TS. Lê Xuân Tuấn là nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực rừng ngập mặn (RNM) Việt Nam. PV đã trao đổi với TS Tuấn về vai trò RNM với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như những giải pháp chính nhằm phục hồi, bảo vệ và phát triển hợp lý RNM tại Việt Nam.

Thưa TS, giới nghiên cứu đánh giá thế nào về sự đe dọa của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên thế giới?

TS Lê Xuân Tuấn: Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (International Panel on Climate Change – IPCC), đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ bề mặt trái đất sẽ tăng thêm từ 1,4 đến 4oC, mực nước biển sẽ dâng thêm từ 28-43cm. Mực nước biển dâng có thể nhanh và cao hơn nhiều, nhất là khi “thảm họa tan băng” đang xảy ra với tốc độ đáng kinh ngạc thời gian gần đây.

Bà Susmita Dagupta, chuyên gia kinh tế, đồng tác giả báo cáo “Ảnh hưởng khi mực nước biển tăng lên ở các nước phát triển, phân tích so sánh” do Ngân hàng thế giới công bố đầu năm nay cho biết: Mực nước biển chỉ cần dâng thêm 1m sẽ gây hiểm họa lớn với các nước có vùng dân cư và đời sống kinh tế tập trung ở các vùng đồng bằng thấp, dọc ven biển.

Nhà địa lý học Richard Alley ở Đại học Pensylvania, Hoa Kỳ nói: Chỉ cần 15% lớp băng ở Greenland bị tan ra cũng tạo ra một khối nước mới trong các đại dương đủ để làm ngập tiểu bang Florida của Hoa Kỳ và nhiều vùng duyên hải khác trên thế giới.

Mới đây, ông Mark Lowcok, Bộ Phát triển quốc tế Anh đã đến thăm Việt Nam và có buổi thuyết trình về “Báo cáo Stern” do các nhà khoa học Anh xây dựng, được Chính phủ Anh công bố về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo cáo cho rằng nếu không thực hiện được chương trình hành động giảm khí thải nhà kính theo Nghị định thư Kyoto, đến năm 2035 nhiệt độ bề mặt địa cầu sẽ tăng thêm 2oC. Về dài hạn, có hơn 50% khả năng nhiệt độ sẽ tăng thêm 5oC.

Còn một kịch bản xấu với Việt Nam khi nước biển dâng sẽ là gì?

TS Lê Xuân Tuấn: Sẽ có đến 10,8% dân số Việt Nam bị tác động nặng nề do có hai đồng bằng thấp chủ yếu là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng.

Việt Nam, một nước đang phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, nằm trong nhóm nước dễ bị tổn thương bởi các vấn đề môi trường do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt, hạn hán, bão….Bên cạnh đó, với bờ biển dài, mực nước biển dâng cao có thể làm mất 12,2% diện tích đất của Việt Nam và đe dọa sinh sống của khoảng 17 triệu người.

Hiện tượng ngập úng vùng đồng bằng châu thổ mở rộng vào mùa mưa lũ, các dòng sông tăng cường xâm thực ngang gây sạt lở lớn các vùng dân cư tập trung ở 2 bờ trên nhiều khu vực từ Bắc chí Nam. Hiện tượng này cũng đồng thời tạo cồn, bãi bồi lấp dòng chảy các sông, nhánh sông ở vùng hạ du; ở những sông đã xây dựng hệ thống đê kiên cố thì có hiện tượng bồi lấp ngay chính dòng sông cũng như tuyến khống chế giữa hai bờ đê, tạo nên thế địa hình ngược (những dòng sông nổi cao hơn cả đồng bằng hai bên sông). Vào mùa khô, hiện tượng phổ biến là nước triều tác động ngày càng sâu về phía trung du, hiện tượng nhiễm mặn ngày càng tiến sâu vào lục địa.

Ở vùng ven biển đã thấy rõ hiện tượng vùng ngập triều cửa sông mở rộng hình phễu (hiện tượng Estuary) trên những diện rộng nhất là ở hạ du các hệ thống sông nghèo phù sa. Rõ nhất là ở vùng hạ du hệ thống sông Thái Bình - Bạch Đằng, ở vùng ven biển Hải Phòng, Quảng Ninh và hệ thống sông Đồng Nai ở vùng ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, tại sao phải coi trọng rừng ngập mặn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thưa TS?

TS Lê Xuân Tuấn: RNM là một hệ sinh thái hết sức quan trọng, vừa cung cấp các nhu cầu cho cuộc sống của cộng đồng dân nghèo ven biển vừa là bức tường xanh vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm, tích luỹ cacbon, giảm khí CO2, duy trì đa dạng sinh học khi có thiên tai. Tuy nhiên, còn rất nhiều người chưa hiểu hết giá trị to lớn, nhiều mặt của RNM.

Tác dụng làm chậm dòng chảy và phát tán rộng nước triều: Nhờ có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất như hệ rễ chống của các loài đước, rễ hình đầu gối của các loài vẹt, rễ thở hình chông của các loài mắm và bần cản sóng và tích lũy phù sa cùng mùn bã thực vật tại chỗ nên chúng có tác dụng làm chậm dòng chảy và thích nghi với mực nước biển dâng. Nhờ các trụ mầm (cây con) và quả, hạt có khả năng sống dài ngày trong nước nên cây ngập mặn có thể phát tán rộng vào đất liền khi nước biển dâng làm ngập các vùng đất đó.

Tác dụng làm giảm mạnh độ cao của sóng khi triều cường:

Một số nghiên cứu trong những năm gần đây về tác dụng chắn sóng của các loại RNM ở Hải Phòng vào thời kỳ có triều cường cũng cho thấy rõ tác dụng to lớn của RNM. trong việc làm giảm sóng. Rừng bần chua trồng ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, rừng trang có trồng xen ít bần chua tại xã Bằng La - Đồ Sơn có tác dụng làm giảm mạnh độ cao của sóng.

Khi RNM tự nhiên được bảo vệ hoặc các rừng trồng đủ rộng sẽ tạo thành những “bức tường xanh” vững chắc. Những loài cây ngập mặn với tầng tán dày có tác dụng to lớn trong việc làm giảm mạnh cường độ của sóng. Hệ thống rễ chằng chịt trên mặt đất có khả năng làm giảm tác hại của sóng lừng, nhờ đó bảo vệ bờ biển và chân đê khỏi bị xói lở do triều cường và nước biển dâng.

Kết quả khảo sát của nhiều chuyên gia, nhiều tổ chức quốc tế sau đợt sóng thần khủng khiếp ngày 26/12/2004 cho thấy: nơi nào có các vành đai RNM tốt thì thiệt hại rất ít vì RNM có thể làm giảm 50-75% chiều cao của sóng và giảm 90% năng lượng của sóng lớn.

RNM bảo vệ đê biển: như trường hợp huyện Thái Thụy, Thái Bình chẳng hạn, có 2 tuyến đê số 7 dài 45,1km, đê số 8 dài 41,5km bao quanh huyện và hầu hết các tuyến đê đều được xây dựng từ lâu đời, việc đắp đê chủ yếu là lao động thủ công. Do chịu ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện tự nhiên: gió, mưa, bão…, mà kích thước mặt đê bị thu nhỏ lại. Trong dự án PAM 5325 đã nâng cấp được 11,6km tuyến số 7 và 11,4km tuyến số 8, vẫn nền đất chỉ có đá lát ở chân đê nhưng cũng chỉ chống chịu được các cơn bão với sức gió cấp 8, 9 khi gặp triều cao hoặc gió cấp 10, 11 gặp triều bình thường nếu không có rừng chắn sóng. Các cơn bão số 2 và số 7 năm 2005 đúng vào lúc triều cường, sóng lớn nhưng các tuyến đê ở Thái Thụy không bị xói lở, đó là nhờ các dải RNM trồng từ sau khi đê Xuân Hải bị vỡ.

RNM hạn chế xâm nhập mặn: Nhờ có nhiều kêch rạch cùng với hệ rễ cây chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng nên hạn chế dòng chảy vào nội địa khi triều cường. Ở thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây triều cường đã gây ngập nhiều khu dân cư trong đó có một nguyên nhân là hầu hết các kênh rạch có những dải cây dừa nước và nhiều loài cây ngập mặn khác như bần, mắm, su, trang…, ở các quận Nhà Bè (nhiều nhất là ở Phú Xuân), quận Bình Chánh đã bị chặt phá và lấp đất để xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư nên không có chỗ cho nước thoát. Ngược lại, ở các rừng phòng hộ như ở Thạnh Phú, Bến Tre và một số nơi khác, nhờ có rừng rậm, khi triều lên, sóng yếu, tiêu nước tốt nên nước mặn không vào sâu.

RNM và đa dạng sinh học: RNM còn là nơi bảo vệ các động vật khi nước triều dâng và sóng lớn. Nhiều loài động vật đáy sống trong hang hoặc trên mặt bùn, khi thời tiết bất lợi, nước triều cao, sóng lớn đã trèo lên cây để tránh sóng như cá lác, các loài còng, cáy, ốc. Khi lặng gió và triều xuống thấp chúng trở lại nơi sống cũ. Do đó mà tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái RNM tương đối ổn định. Nhờ các mùn bã được phân huỷ tại chỗ và các chất thải do sông mang đến được phân giải nhanh tạo ra nguồn thức ăn phong phú, thuận lợi cho sự hồi phục và phát triển của động vật sau các thiên tai.

Từ thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm thế giới, TS có khuyến nghị gì để tăng cường khả năng ứng phó của rừng ngập mặn trước biến đổi khí hậu?

TS Lê Xuân Tuấn: Nguyên nhân của biến đổi khí hậu rất phức tạp và đa dạng bao gồm nguyên nhân tự nhiên, nhưng nguyên nhân do con người là hết sức trầm trọng (do các hoạt động phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, giao thông, chặt phá rừng bừa bãi ở đầu nguồn…), phá RNM phòng hộ suốt dải ven biển để làm đầm tôm, các hoạt động vì lợi ích trước mắt hiện đã tạo điều kiện cho thiên tai tàn phá, gây ra những tổn thất to lớn cho cộng đồng.

Thực tế cho thấy, gặp những cơn bão lớn như bão năm 2005, nơi có đê quốc gia bằng bê tông vững chắc, thí dụ như Cát Hải, Hải Phòng vẫn bị bão phá vỡ; song tại những nơi đê chỉ có nền đất, nhưng nhờ trồng và bảo vệ tốt RNM trong các dự án của NGO ở 8 tỉnh phía Bắc, đê vẫn an toàn. Do đó, cần phải có kế hoạch phục hồi, bảo vệ và phát triển hợp lý RNM.

Theo chúng tôi, các giải pháp chính nên là:

Trước hết, xác định và bảo vệ những khu vực RNM quan trọng, chiếm vị trí chiến lược trong đối phó với biến đổi khí hậu. Những khu RNM có xu hướng tiến về phía bờ cần được đặc biệt chú ý bảo vệ do chúng rất dễ chịu tác động của con người. Kiểm soát những tác động của con người đối với RNM.

Hai là, bảo vệ và nhân giống những loài hoặc hệ sinh thái RNM tiêu biểu để dự phòng mỗi khi có thảm họa thiên nhiên xảy ra. Những mẫu tốt nhất cần được giữ trong hệ thống khu bảo tồn.

Ba là, phục hồi những khu vực có RNM đã và đang bị suy thoái, tạo ra nguồn sinh kế ổn định cho cộng đồng địa phương, giảm áp lực lên các khu RNM lân cận.

Bốn là, thiết lập những vành đai xanh và vùng đệm cho phép RNM có thể dịch chuyển đến khi nước biển dâng, giảm nhẹ tác động do các hoạt động sử dụng đất liền kề gây ra.

Năm là, nghiên cứu cấu trúc thảm thực vật, mật độ, mức độ phong phú và đa dạng của các loài thực vật và thân mềm vùng RNM, năng suất sơ cấp, cơ chếthủy văn, tốc độ quá trình trầm tích và mực nước biển dâng.

Sáu là, xây dựng quan hệ đối tác với các bên tham gia để tạo một nguồn tài chính hỗ trợ cho việc đối phó với biến đổi khí hậu.

Xin cảm ơn TS

TS Tuấn cùng với các nhà khoa học và cộng sự tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng rừng ngập mặn, tuyên truyền về lợi ích to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn với môi trường và cộng đồng. Ông đã cùng các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn tham gia và hướng dẫn trực tiếp trồng rừng ngập mặn ở 8 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. TS Lê Xuân Tuấn cũng có trên 45 công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành, hội thảo quốc gia, quốc tế liên quan đến môi trường và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hiện TS Lê Xuân Tuấn làm việc tại Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Từ năm 1994, với sự giúp đỡ của GS.TSKH, NGND Phan Nguyên Hồng, chuyên gia đầu ngành về hệ sinh thái rừng ngập mặn, (Giải thưởng Quốc tế COSMOS 2008), TS Lê Xuân Tuấn và các cộng sự đã thử nghiệm ươm trồng một số loài cây ngập mặn tại thủ đô Hà Nội (Số 91 Nguyễn Khuyến), nhằm tìm ra phương pháp bảo quản và phương pháp trồng cây hiệu quả nhất áp dụng cho các tỉnh ven biển phía Bắc Việt Nam.


Nguồn tin: Nhân Dân điện tử

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner