Trong 5 năm trở lại đây, một số bệnh viện (BV) lớn trong cả nước bước đầu đưa vào ứng dụng kỹ thuật y khoa hạt nhân nhằm phát hiện và điều trị sớm cho bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, việc thiếu nhân lực trong lĩnh vực này khiến công tác điều trị chưa hiệu quả. Đây là trăn trở của đại diện các BV tại TPHCM trong buổi làm việc với Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH-CN) cuối tuần qua.
Ứng dụng vào y tế
Từ năm 2009, BV Chợ Rẫy TPHCM đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đơn vị PET-CT và Cyclotron, là hợp thành từ 3 bộ phận chính, gồm 1 đơn vị y khoa chẩn đoán, 1 đơn vị Cyclotron sản xuất đồng vị phóng xạ và 1 đơn vị tổng hợp, kiểm tra và phân phối thuốc phóng xạ dùng cho máy PET-CT. Đây cũng là nơi duy nhất tại TPHCM tạo ra phản ứng hạt nhân tạo các đồng vị phóng xạ như F-18, N-13, C-11.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng đơn vị PET-CT và Cyclotron, BV Chợ Rẫy, cho biết hiện nay nguồn phóng xạ được sử dụng trong y học của Việt Nam chủ yếu được nhập từ nước ngoài với giá thành khá cao. Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt là đơn vị đầu tiên và đến nay vẫn là duy nhất thực hiện nghiên cứu và điều chế các chất phóng xạ. Tuy nhiên, một số đồng vị phóng xạ có thời gian bán rã ngắn (trong vài phút), nên chỉ có thể sử dụng được từ nguồn sản xuất tại chỗ. Với việc điều chế được thuốc phóng xạ tại đơn vị PET-CT và Cyclotron, BV đã có thể ứng dụng để phát hiện ung thư giai đoạn sớm, khi mới có sự thay đổi bệnh lý về chuyển hóa, nhưng chưa hình thành thương tổn về mặt cấu trúc. Từ đó giúp người bệnh tránh những điều trị không cần thiết, bớt những tác dụng phụ và chi phí vô ích hoặc cần phải gia tăng mức độ điều trị hiệu quả hơn. Ngoài ra, thuốc phóng xạ còn được “chia sẻ” cho BV Nhân dân 115 và BV 175.
Trong khi đó, tại BV Ung bướu TPHCM, hơn 60% các ca bệnh ung thư được phát hiện và điều trị bằng các kỹ thuật y học hạt nhân. Đến nay, BV đã đầu tư các máy xạ trị gia tốc nhiều mức năng lượng và máy xạ trị liều cao. Đặc biệt, các hệ thống máy Spect, sử dụng nguồn đồng vị Tc-99m và I-131 phục vụ chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ung thư tuyến giáp đạt hiệu quả cao.
Tiếp tục đầu tư
Theo BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh vốn đang sử dụng như chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI), siêu âm... chỉ phát hiện và đánh giá được các tổn thương khi đã có những thay đổi về cấu trúc giải phẫu ở mức độ đủ lớn và “bỏ qua” các tổn thương có đường kính dưới 1cm. Bởi thế, phần lớn các ca bệnh khi phát hiện thì bệnh đã nặng. Trước đây, muốn tầm soát ung thư phải ra nước ngoài chụp với chi phí đắt đỏ (khoảng 2.500 USD), chưa kể chi phí vé máy bay, đi lại và ăn ở. Nhờ đầu tư các kỹ thuật y khoa hạt nhân ngay trong nước, số bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị tăng cao rõ rệt. Năm 2013, đã có hơn 11.000 bệnh nhân được xạ trị bằng máy Spect, hơn 900 bệnh nhân xuất viện sau khi được điều trị bằng đồng vị phóng xạ I-131.
Theo kế hoạch ứng dụng năng lượng hạt nhân trong khám chữa bệnh, vào tháng 10 tới đây, BV Ung bướu sẽ đầu tư xây dựng khu tầm soát ung thư kỹ thuật cao cùng các trang thiết bị lên đến 600 tỷ đồng. Ngoài ra, trong năm 2015, một cơ sở điều trị ung thư mới của BV cũng được xây dựng tại quận 9. “Với mức đầu tư trang thiết bị như vậy, nỗi lo thiếu nguồn nhân lực tiếp tục lớn. Đến nay BV vẫn phải tuyển bác sĩ y khoa và kỹ sư vật lý hạt nhân. Sau đó, vừa làm vừa đào tạo chuyên môn tại chỗ để phục vụ khám chữa bệnh”, BS Thịnh trăn trở.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam, thừa nhận, dù năng lượng nguyên tử được ứng dụng trong y học tại Việt Nam nhiều năm qua, nhưng đến nay, vẫn chưa có trường nào đào tạo các kỹ sư vật lý y khoa. Đây là một hạn chế lớn. Sau khi tiến hành khảo sát nhu cầu của các đơn vị ứng dụng, cục sẽ có đề xuất với Bộ KH-CN và Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia để tìm cách khắc phục.