Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 09:22 am
Cập nhật : 21/11/2019 , 16:11(GMT +7)
Ứng dụng phương pháp lắp ghép lego trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ
Chân dung thân thiện Nhà sáng chế Nguyễn Kim Quyền tại Vietnam Summit in Japan 2019
Phương pháp này được Diễn giả Nguyễn Kim Quyền chia sẻ tại Diễn đàn Trí thức người Việt tại Nhật Bản 2019 được tổ chức mới đây tại Tokyo.

Ngoài xuất phát điểm là một tri thức trẻ có 15 năm kinh nghiệm làm kỹ sư thiết kế xe hơi, máy ủi, máy xúc, máy cày chạy điện thân thiện với môi trường cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản như Nissan, Hitachi và sau này tại Viện Nghiên cứu máy nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, anh Nguyễn Kim Quyền còn được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài biết đến là một doanh nhân người Việt thành công sau khi nghỉ việc tại các tập đoàn công nghệ, viện nghiên cứu lớn để lập doanh nghiệp riêng ở Nhật Bản. Ngoài vai trò là một doanh nhân, anh Quyền vẫn giữ niềm đam mê của mình là nghiên cứu viên, kỹ sư trưởng chế tạo ra các sản phẩm công nghệ mới trong lĩnh vực y tế, thực phẩm.

Sau 15 năm gắn bó với công việc làm thuê cho các tập đoàn công nghệ, bắt đầu từ năm 2017, anh đã thử sức tiếp cận với hướng nghiên cứu mới gắn với ngành nghiên cứu thiết kế máy y khoa. Hiện tại, ở vai trò là CEO VietnamFood, Project Manager tại Magos@Metran Group, anh Quyền đã đưa những ý tưởng táo bạo, những nguyên lý mới theo phương pháp lắp ghép lego để áp dụng cho thiết kế và chế tạo máy hô hấp nhân tạo, đã được đưa vào sử dụng tại nhiều bệnh viện ở cả Việt Nam và Nhật Bản. “Toàn bộ các sản phẩm được đưa vào lắp ghép chúng tôi đều trao đổi về bản quyền sở hữu trí tuệ với các bên liên quan, các hãng công nghệ liên kết với chúng tôi thậm chí còn chấp thuận sửa chữa sản phẩm gốc của họ để đạt được các tiêu chuẩn trong ngành y tế”, “Là một người thích sự đổi mới sáng tạo, nhưng tôi thấy rằng nhứng phát minh, sáng kiến ở quanh chúng ta hiện nay đã rất tuyệt vời, cần tạo ra những phát minh mới, nhưng cũng đừng quên tận dụng triệt để các sáng kiến cũ và để các công nghệ đó giao thoa với nhau, tạo ra các sản phẩm hữu ích, tiết kiệm mà hiệu quả không đổi”, anh Quyền chia sẻ.

Để đạt được những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy, anh luôn tâm niệm triết lý đổi mới sáng tạo là: “Chiến thắng chính bản thân bằng cách vượt lên miệng giếng thoát khỏi vùng an toàn”. “Trải qua nhiều năm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, anh luôn cố gắng tích lũy kinh nghiệm, áp dụng những công nghệ tiên tiến sẵn có của các ngành nghề khác nhau, cải biến một cách thông minh vào ngành nghề của mình để tạo ra được cỗ máy tinh hoa nhất. Những gì chưa có thì tiếp tục nghiên cứu và phát triển cái mới. Làm như vậy sẽ giúp chúng ta thừa hưởng được kỹ thuật ổn định của nghành khác, dẫn đến tạo ra được cỗ máy an toàn không để lại di chứng trong điều trị của bệnh nhân, làm cho chất lượng cuộc sống thực sự được cải thiện” anh Quyền chia sẻ với các khán giả của Vietnam Summit in Japan 2019.

Anh chia sẻ về quan niệm về việc ứng dụng phương pháp Lego trong nghiên cứu phát triển sản phẩm: “Chơi Lego rất dễ nhưng cần phải có cái đầu tổng hợp tốt, phải tìm được kỹ sư hệ thống tốt thì mới thành công. Cái khó là biến cái của người ta hợp với cái của mình, để đạt được tính năng và yêu cầu máy của mình là rất khó. Cần phải có cách nhìn thấu đáo, xử lý vấn đề linh hoạt trong mọi tình huống. Chơi được Lego trong nghiên cứu phát triển sản phẩm thì sẽ thu được nhiều lợi thế: Chất lượng sản phẩm đã ổn định, thừa hưởng được nhiều tính năng tốt của nghành nghề khác; Không cần mất quá nhiều thời gian và tiền bạc vào nghiên cứu cơ bản; Giá thành rẻ hơn ta tự nghiên cứu rất nhiều”.

Khi đã có những kinh nghiệm và thành công nhất định, anh Quyền luôn theo đuổi phương châm cởi mở, doanh nghiệp sẵn sàng tiếp thu, ghi nhận những công nghệ mới, những phản hồi từ khách hàng và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng giúp cho xã hội được tốt hơn. 

Nói về những thuận lợi và khó khăn khi khởi nghiệp và công tác tại Nhật Bản, anh cho biết: “Việc đặt trụ sở doanh nghiệp tại Nhật Bản giúp công ty có được khá nhiều lợi thế, có cơ hội tiếp cận được nguồn kỹ thuật tiên tiến, có cơ hội tuyển dụng và học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ chuyên gia cao cấp; mua bán được hầu hết các công nghệ, vật liệu mới nhất giúp cho quá trình nghiên cứu phát triển sản phẩm. Nhật Bản là nơi chúng ta có thể học hỏi được văn hóa, phong cách làm việc. Họ luôn coi trọng khách hàng là hàng đầu, sau đó mới nghĩ đến lợi nhuận công ty. Các sản phẩm khi đạt tiêu chuẩn Nhật Bản sẽ thuận lợi cho xuất khẩu toàn cầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tại Nhật Bản có thể gặp phải những khó khăn như chi phí thuê mướn nhà xưởng, nhân công rất đắt đỏ so với Việt Nam”.

Diễn giả Nguyễn Kim Quyền chụp ảnh kỷ niệm tại Diễn đàn Vietnam Summit in Japan 2019

Bên cạnh những lợi thế so sánh đáng kể như vậy khi phát triển doanh nghiệp tại Nhật Bản, anh chia sẻ thêm: “Đối với nghành nghề cung cấp thiết bị y tế của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động ở Nhật Bản sẽ có cơ hội phát triển tốt khi liên doanh, liên kết với Việt Nam. Như vậy, mới đưa ra được sản phẩm với giá cạnh tranh vì chi phí khi sản xuất sẽ rẻ hơn ở Nhật Bản. Nhân cơ hội đó, phía Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kỹ thuật đổi mới sáng tạo từ Nhật Bản”.

Dựa trên những kinh nghiệm tích lũy được, anh cũng sẵn sang chia sẻ các bí quyết thành công nhanh chóng cho các doanh nghiệp Việt Nam: “Hiện nay, gần 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản không có người kế nghiệp. Vì vậy, muốn doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh nên đầu tư sang mua lại các công ty này thì Việt Nam sẽ học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật, thị trường mà các công ty Nhật Bản hiện đang có”.

Chia sẻ thêm về kế hoạch thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tại Nhật Bản do một nhóm các nhà khoa học có tên tuổi tại đây, anh Quyền bày tỏ niềm vui nếu kế hoạch đó được thực hiện. “NIC của người Việt tại Nhật là niềm mơ ước và sẽ là niềm tự hào của chúng tôi. Tuy nhiên, nó chỉ đi đến thành công khi có nhà khoa học và nhà sản xuất đi kèm với nhau. Các tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam nên coi đây là một cơ hội đầu tư và có tầm nhìn chiến lược, vì các nhà khoa học Việt Nam ở Nhật còn có cả networking mạnh của họ nữa. Và để NIC trở thành một ê kíp tạo ra các sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng, cần có những nhà sản xuất biết lôi các sản phẩm nghiên cứu từ cloud xuống như chúng tôi để sản xuất và thương mại hóa bước đầu với quy mô vừa và nhỏ”.

Diễn đàn Vietnam Summit in Japan 2019 đã khép lại những mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác, phát triển với nhiều bài học được chia sẻ từ các nhà tri thức giầu kinh nghiệm, hướng tới sự phát triển của quê hương.

Bài, ảnh: PV

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner