Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Ứng dụng bức xạ trong y tế tăng nhanh trên cả 3 lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân, xạ trị; nhiều kỹ thuật hiện đại đã được thực hiện thành công ở Việt Nam, góp phần hiệu quả trong cuộc chiến chống ung thư và các bệnh hiểm nghèo như thần kinh, tim mạch, tiêu hóa.
Ngày 15/7/2022, tại Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Cục Năng lượng nguyên tử đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ IV về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử Trần Bích Ngọc, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành; các thành viên Hội đồng phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia; đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ KH&CN và các bộ ngành, các Sở KH&CN; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện cơ chế chính sách, hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời, các đại biểu tham dự Hội thảo cùng trao đổi, thảo luận về triển vọng, định hướng và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn tới phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, trong những năm qua, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Ứng dụng bức xạ trong y tế tăng nhanh trên cả 3 lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân, xạ trị; nhiều kỹ thuật hiện đại đã được thực hiện thành công ở Việt Nam, góp phần hiệu quả trong cuộc chiến chống ung thư và các bệnh hiểm nghèo như thần kinh, tim mạch, tiêu hóa.
Đến năm 2021, trên cả nước đã có 42 cơ sở y học hạt nhân phát triển đến tuyến tỉnh, 61 thiết bị xạ hình; 44 cơ sở xạ trị với 101 thiết bị xạ trị; gần 4.000 cơ sở khám chữa bệnh có thiết bị X-quang y tế với 9.000 thiết bị; gần 1000 máy CT và 500 máy chụp cộng hưởng từ đã được trang bị đến bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện. Sản xuất dược chất phóng xạ y tế từng bước được tự chủ với năng lực sản xuất trong nước đạt 1000Ci/năm trên lò phản ứng nghiên cứu và 350Ci/năm trên 05 hệ thống máy gia tốc. Vai trò này đã được thể hiện rõ trong giai đoạn covid vừa qua khi việc nhập khẩu dược chất phóng xạ gặp khó khăn do vấn đề chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp cũng đạt nhiều kết quả. Đến hết năm 2020, Việt Nam đã tạo và đưa vào sản xuất 71 giống cây trồng đột biến (chủ yếu là lúa), góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập và sinh kế cho nông dân. Năm 2021, 02 nhà khoa học trẻ Việt Nam đã được IAEA và FAO đã trao giải thưởng tại Cuộc thi về nghiên cứu đột biến giống cây trồng. Chiếu xạ thực phẩm ở Việt Nam có sự phát triển nhanh do việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhưng có giá trị cao như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Úc với việc hiện có 9 cơ sở chiếu xạ quy mô công nghiệp với 16 thiết bị chiếu xạ. Trong công nghiệp, trên 1000 hệ thiết bị đo hạt nhân đã được sử dụng trong các ngành sản xuất: dầu khí - hóa chất, sắt thép, giấy - bao bì, bia rượu – nước giải khát, xi măng. Ngoài ra, ứng dụng bức xạ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng có sự phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Việc hoàn thiện hệ thống tổ chức và quản lý, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh. Bộ KH&CN ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với những kết quả và thành tựu đã đạt được trong ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ở Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, các kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đòi hỏi của thực tiễn. Bước sang một giai đoạn mới của phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, KH&CN nói chung và lĩnh vực KH&CN hạt nhân nói riêng cần được đẩy mạnh hơn nữa với sự hợp tác chặt chẽ, thường xuyên và liên ngành. Bởi vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, tiếp tục huy động đóng góp từ các tổ chức KH&CN của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để đưa ứng dụng của năng lượng nguyên tử tham gia vào giải quyết những vấn đề, yêu cầu nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đề ra định hướng cơ bản dài hạn, xác định các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cho phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình. Bộ KH&CN chuẩn bị ban hành Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật lập, thẩm định, công bố, điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử. Đây là văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở để xây dựng, phê duyệt dự toán và quản lý kinh phí quy hoạch và 05 hợp phần quy hoạch.
Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các cơ quan liên quan lập hợp phần quy hoạch thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng và phê duyệt dự toán để sớm phối hợp cùng Bộ KH&CN lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung đánh giá các kết quả trong công tác nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử, nhận diện các khó khăn, thách thức và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng của ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ trực tiếp và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Các đại biểu đã được nghe báo cáo “Tình hình phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội ở Việt Nam do TS. Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử trình bày và 07 báo cáo, tham luận của đại diện một số cơ quan, tổ chức trong nước.
Kết quả của Hội thảo sẽ đóng góp quan trọng và thiết thực cho phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử Việt Nam, đặc biệt là cho công tác xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bài, ảnh: Lê Hà – Văn Nguyên