Nhóm tác giả đã cải tiến, thay đổi về thiết kế ban đầu của từng thiết bị, cụm thiết bị và phân xưởng công nghệ cũng như toàn bộ nhà máy để tăng hiệu suất, công suất chế biến, tiết giảm năng lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế hàng nghìn tỷ đồng.
Đó là kết quả của cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR” do KS. Nguyễn Văn Hội và 23 đồng tác giả thực hiện. Đây là 1 trong 17 công trình vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ trong Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây.
Khắc phục khó khăn
Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất là một trong những dự án kinh tế lớn, là công trình trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 21, có ý nghĩa hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, tạo nền tảng, sức bật cho sự phát triển công nghiệp khu vực Duyên hải miền Trung.
Sự ra đời của NMLD Dung Quất đánh dấu khâu cuối cùng trong chu trình hoàn chỉnh ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu, hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), tiền thân là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn và là đơn vị thành viên của Petrovietnam, được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành NMLD Dung Quất.
Cụm công trình là 16 giải pháp, công trình được thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2019. Đây là giai đoạn NMLD Dung Quất đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó là nguy cơ không đủ nguyên liệu dầu thô cho hoạt động ổn định và diễn biến bất thường của thị trường dầu thô trên thế giới do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để giải quyết thực trạng trên, BSR đã luôn đẩy mạnh, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất để tối ưu hóa vận hành sản xuất của NMLD Dung Quất với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực canh tranh của BSR.
Mục tiêu của các công trình nghiên cứu bao gồm: Đa dạng hoá và hợp lý tính chất hoá nguồn nguyên liệu dầu thô để thay thế một phần hoặc thay thế hoàn toàn dầu thô Bạch Hổ trong điều kiện thị trường dầu thô biến động, đảm bảo luôn đủ nguyên liệu cho Nhà máy hoạt động ổn định và hiệu quả; tối ưu hoá, đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm để tạo ra được nhiều chủng loại sản phẩm mới trong điều kiện hạn chế thay đổi lớn về cấu hình công nghệ Nhà máy hiện hữu; giảm chi phí vận hành sản xuất trong điều kiện năng suất và chất lượng sản phẩm luôn đáp ứng nhu cầu của thị trường nhằm tăng lợi nhuận chế biến và giảm giá thành sản phẩm.
Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cho đại diện tác giả của cụm công trình. Ảnh: Nguyễn Hoàng.
Công trình có giá trị cao về khoa học, đem lại lợi nhuận lớn
Nhóm nghiên cứu đã cải tiến, thay đổi về thiết kế ban đầu của từng thiết bị, cụm thiết bị và phân xưởng công nghệ cũng như toàn bộ Nhà máy để đạt được mục đích tăng hiệu suất, công suất chế biến, tiết giảm năng lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, đã tách loại tạp chất km loại sắt (Fe) và canxi (Ca) trong dầu thô tại cụm thiết bị tách muối (Desalter) của phân xưởng chưng cất dầu thô bằng phương pháp tạo bông kết tủa kết hợp với công nghệ tách loại tạp chất bằng điện trường; xử lý tạp chất Clo hữu cơ cao đột biến trong dầu thô tại phân xưởng NHT bằng phương pháp trung hòa dòng sản phẩm hơi đỉnh tháp bằng dung dịch NH3; đồng thời giải quyết được giới hạn kỹ thuật của hệ thống đỉnh tháp chưng cất dầu thô, cho phép nhà máy chế biến được các loại dầu thô ngọt nhẹ nhập khẩu có giá trị kinh tế cao.
Theo nhóm nghiên cứu, cụm công trình đã đã đem lại lợi ích kinh tế hàng nghìn tỷ đồng trên cơ sở hiệu quả của các giải pháp: tối ưu hóa vận hành phân xưởng KTU ở công suất cao hơn công suất thiết kế nhằm tăng sản lượng sản xuất nhiên liệu Jet A-1; loại bỏ tạp chất kim loại Fe và Ca trong nguyên liệu của phân xưởng RFCC; sản xuất sản phẩm MFO đáp ứng tiêu chuẩn ISO 8217:2017 theo quy định IMO 2020 từ sản phẩm FO của BSR; tách dầu nhũ hóa bền trong nước chua từ các phân xưởng đầu nguồn đến phân xưởng SWS; nâng cao độ tin cậy và tối ưu hóa vận hành trạm giảm ôn giảm áp trong NMLD Dung Quất; tinh chỉnh và tối ưu các thông số vận hành phân xưởng PRU nhằm tối đa thu hồi sản phẩm propylene trong điều kiện phân xưởng vận hành ở công suất cao 110-115% thiết kế; tối ưu hóa vận hành phân xưởng khí nén; tối ưu hóa sử dụng nhiên liệu (FG) khi lượng khí nhiên liệu sinh ra từ các phân xưởng công nghệ tăng cao; tối ưu hóa hao hụt ở phân xưởng PP bằng thu hồi dòng off-gas;...
Nguyễn Hoàng