Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo (lần 2 ) Luật Thư viện do Hội thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) và Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức tại Cục thông tin KH&CN Quốc gia ngày 28/9.
Dự thảo Luật gồm 6 chương, 37 điều; phạm vi điều chỉnh quy định về tổ chức và hoạt động thư viện; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện. Luật áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân VN; tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ VN, cá nhân nước ngoài đang cư trú tại VN.
Điểm mới của dự thảo Luật thư viện lần này là tập trung vào các dạng tài liệu mới là dạng tài liệu điện tử vốn đang phát triển mạnh do sự tiến bộ không ngừng của công nghệ thông tin. Ngoài ra, trong Điều 8 của dự thảo đã cho phép thành lập thư viện tư nhân và khoản 3, Điều 14 xếp thư viện của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có phục vụ người đọc vào loại hình thư viện chuyên ngành.
Với sự kết tinh trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các thư viện hi vọng sẽ góp phần tạo ra Bộ Luật thư viện chất lượng, hiệu quả để giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập, nghiên cứu và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưõng nhân tài, phát triển KH&CN, kinh tế, văn hoá của đất nước.
Dự kiến, trong chương trình làm việc của Quốc hội khoá XIII, dự thảo Luật Thư viện sẽ được các đại biểu xem xét, thảo luận.
Theo số liệu của Cục Thông tin KHCNQG, tính đến nay, cả nước có 37 trung tâm thông tin KHCN trực thuộc các Sở KH&CN. Về vốn tài liệu, một số thư viện đầu ngành đã xây dựng được vốn tài liệu phong phú: Thư viện KHCNQG có 260.520 bản sách, 7.000 tên báo; thư viện quân đội có 300.000 bản sách; thư viện KHXH có 482.870 bản, 2.367 tên báo tạp chí… |
Hải Ngọc