Trong suốt thời gian hoạt động, Viện Phát triển ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một đã đạt được những thành tựu trong cả lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản. Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng đã góp phần nâng tầm sản phẩm, khẳng định thương hiệu.
Từ năm 2015, Viện Phát triển ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một đã bắt đầu ứng dụng những kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tiêu biểu là nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo theo hướng dược liệu được phát triển từ công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Liên Thương. Theo đó, các quy mô sản xuất lớn hơn được triển khai và sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo đã trở thành sản phẩm tiêu biểu của trường. Tại chương trình truyền thông - khảo sát sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao do Viện Chất lượng Việt Nam phù hợp tiêu chuẩn tổ chức năm 2015, sản phẩm đông trùng hạ thảo Đại học Thủ Dầu Một đã giành được chứng nhận huy chương vàng và danh hiệu sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao.
Với thế mạnh về kỹ thuật và tối ưu hóa quy trình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo, cuối năm 2017 đầu năm 2018, Viện Phát triển ứng dụng đã bước thêm một bước trong lĩnh vực sản xuất thực nghiệm, bước đầu định hình các sản phẩm mang thương hiệu của nhà trường. Các kỹ thuật, công nghệ chiết suất được nghiên cứu, tối ưu hóa nhằm chiết tách các hợp chất mang hoạt tính trong các loại nấm dược liệu, từ đó sản phẩm cao chiết nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi được ra đời. Đây là một sản phẩm mang tính bước ngoặt, đã tạo nên một sự chú ý mạnh mẽ của cộng đồng. Thời gian qua, viện đã thực hiện nhiều quy trình công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo yêu cầu đặt ra về đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phục vụ cộng đồng, trong đó nhà trường đóng vai trò cung cấp giải pháp công nghệ trong liên kết 3 nhà (Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp), TS. Nguyễn Thị Liên Thương cùng nhóm nghiên cứu đưa các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao đến các nhà sản xuất nông nghiệp, đem lại công nghệ sạch, kỹ thuật chế biến, tăng giá trị chuỗi nông sản. Việc chuyển giao công nghệ đến cộng đồng đã đem lại hiệu quả rõ rệt như sản xuất sạch, chế biến sau thu hoạch, tinh chế và tạo sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nông sản/dược liệu.
TS. Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Viện Phát triển ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Từ năm 2012- 2019, tôi nghiên cứu các công nghệ trồng nấm dược liệu sạch để áp dụng tại Bình Dương và các tỉnh, thành phía Nam. Nấm đông trùng hạ thảo và nấm linh chi là hai đối tượng được ưu tiên hướng dẫn, tư vấn và chuyển giao công nghệ cho nông dân. Đây là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thu mua lớn từ các công ty dược và thực phẩm để tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng trong và ngoài nước, đồng thời ổn định thu nhập của người nông dân. Sự thành công của các mô hình sản xuất nấm dược liệu đã chứng minh tính hiệu quả của sự phối hợp giữa các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp”.
Có thể khẳng định, ứng dụng KH&CN là một trong những giải pháp then chốt trong chế biến, bảo quản, nâng cao về chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thành tựu, kết quả Viện Phát triển ứng dụng đã đạt được ngày càng đóng góp quan trọng trong nghiên cứu và ứng dụng KHCN, nâng tầm sản phẩm cho người nông dân.
TS. Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Viện Phát triển ứng dụng trường Đại học Thủ Dầu Một, bên các sản phẩm nghiên cứu ứng dụng KH&CN
Nguồn: baobinhduong.vn