Coi công nghệ thông tin (CNTT) như là “ngòi nổ”, ngành tài chính đã tạo ra nhiều đột phá mới, tạo đà đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tài chính điện tử cho người dân và DN.
Và trong tương lai không xa ngành sẽ tự động hóa ít nhất 90% khối lượng công việc trong tất cả các chức năng quản lý thuế đối với cơ quan thuế; thủ tục hải quan cũng ngày càng đơn giản, hài hòa, thống nhất và đạt chuẩn mực quốc tế…
“Ngòi nổ” để hiện đại hóa
Đến nay, Bộ Tài chính đã trở thành một trong số nhiều bộ ngành trong nước đạt được những chỉ số vàng về ứng dụng CNTT như: 100% máy tính được kết nối mạng cục bộ; 95% đơn vị được kết nối Internet băng thông rộng. Về dịch vụ tài chính công điện tử, tính đến đầu năm 2010, Bộ Tài chính đã triển khai 31 dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN.
Việc ứng dụng CNTT đã giúp ngành tài chính tạo ra những “đột phá” mới. Trong đó phải điểm đến việc kê khai thuế qua mạng đã góp phần thay đổi cơ bản thủ tục kê khai thuế, đem lại hiệu quả thiết thực cho cả doanh nghiệp cũng như cơ quan thuế. DN giảm chi phí, thời gian và nhân lực thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế; tiết kiệm giấy tờ do không phải in tờ khai và bảng kê bằng giấy; giảm nhân lực chi phí lưu trữ; giảm thời gian đi lại nộp và chỉnh sửa tờ khai. Cơ quan thuế giảm nhân lực thời gian tiếp nhận tờ khai; tự động hóa xử lý tờ khai thuế; giảm chi phí lưu trữ, thuận lợi trong tra cứu tờ khai phục vụ công tac quản lý thuế.
Hệ thống kê khai thuế qua mạng đã triển khai thí điểm cho gần 1.000 DN tại Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng. Đến nay đã có gần 20.000 tờ khai hàng tháng được truyền qua mạng thay thế thủ tục kê khai giấy và dự kiến đến hết năm 2011, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện mở rộng việc kê khai thuế qua mạng cho khoảng 20.000 DN tại 19 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Chương trình thanh toán chuyển tiền điện tử của Kho bạc Nhà nước sử dụng chữ ký số và chứng thực điện tử, cũng đã cải thiện đáng kể khả năng thanh toán của hệ thống Kho bạc Nhà nước đem lại lợi ích rõ rệt cho các khách hàng mở tài khoản giao dịch tại Kho bạc Nhà nước.
Ông Phạm Sỹ Danh, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: CNTT như “ngòi nổ” thúc đẩy hiện đại hóa và cải cách các hoạt động của ngành tài chính, từ đó xây dựng nền tảng chính phủ điện tử ngành tài chính từ nay đến 2015, hướng tới hệ thống thông tin quản lý hợp nhất toàn ngành.
Hướng đến tầm nhìn 2020
Ông Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết: Hiện tiềm lực tài chính nhà nước đã được tăng cường. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2001-2010 đạt mức động viên bình quân 26%. Quy mô ngân sách nhà nước được mở rộng với mức tăng khá đạt trên 30% giai đoạn 2001-2010. Khơi thông được các nguồn lực tài chính, tổng mức đầu tư toàn xã hội 2001-2010 đạt khoảng 41% GDP. Cấu trúc của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính đã từng bước được hoàn chỉnh phù hợp với khả năng quản lý, giám sát của nhà nước. Thị trường chứng khoán đã có sự phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng hoạt động và đã trở thành một kênh huy động đầu tư vốn cho nền kinh tế. Thị trường bảo hiểm cũng tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng sản phẩm. Thị trường dịch vụ kế toán, kiểm định, tư vấn, thẩm định, tư vấn thuế, đại lý hải quan đã hình thành và từng bước phát triển.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới sẽ có những biến đổi khó lường. Sự hợp tác giữa các quốc gia tiếp tục là xu thế chủ đạo song sự cạnh tranh giữa các quốc gia về vốn, về nguồn lực và công nghệ cũng sẽ gay gắt hơn; sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia cũng ngày càng gia tăng. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm thay đổi cán cân sức mạnh giữa các khối kinh tế, các quốc gia và đòi hỏi những điều chỉnh để tái cấu trúc nền kinh tế.
Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với hiện đại hóa công nghệ quản lý, đặc biệt là CNTT để chúng ta sớm hình thành được nền tài chính chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, thương mại trong và ngoài nước. CNTT sẽ đóng vai trò quan trọng thực hiện các mục tiêu cụ thể sau: đến năm 2020, các hoạt động Kho bạc Nhà nước được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành kho bạc điện tử; thực hiện quy trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước một cửa, quy trình kiểm soát chi điện tử; giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ pháp luật thuế cho người nộp thuế; tự động hóa ít nhất 90% khối lượng công việc trong tất cả các chức năng quản lý thuế đối với cơ quan thuế; thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa, thống nhất, đạt chuẩn mực quốc tế dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT, áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và sử dụng công nghệ cao.
Để làm được điều đó, theo ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và thống kê tài chính, Bộ Tài chính thì phải huy động được các nguồn lực để triển khai các đề án, dự án ứng dụng CNTT với quan điểm đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển; tập trung đẩy mạnh quy trình hóa dịch vụ hành chính công để cung cấp dịch vụ điện tử; tổ chức điều hành hoàn thiện cơ cấu tổ chức, áp dụng điều hành theo chuẩn, nêu cao vai trò lãnh đạo; bảo đảm ứng dụng CNTT đồng bộ hiệu quả; tăng cường tổ chức, giám sát, đánh giá hiệu quả triển khai; nâng cao nhận thức; đào tạo nguồn nhân lực; bảo đảm môi trường pháp lý phục vụ quản lý và học tập kinh nghiệm quốc tế./.
Quỳnh Nga