Với phương châm giúp đỡ Người khuyết tật gắn kết và hòa nhập cộng đồng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện dự án “Ứng dụng Công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng Sông Hồng, Việt Nam”. Dự án mang lại nhiều ý nghĩa lớn, giúp người khuyết tật vượt qua rào cản xã hội.
Theo số liệu thống kê năm 2016 của Tổng cục thống kê, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7% dân số, trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm 54%. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhiều phụ nữ khuyết tật không có thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống và gia đình.
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều phụ nữ khuyết tật năng động, nắm bắt kỹ thuật số để chuyển đổi hình thức kinh doanh online và đã thành công. Khi người khuyết tật họ mất việc làm những họ không trở thành gánh nặng cho mình và gia đình, tự mình vươn lên, học tập, khởi nghiệp không chỉ cho mình và giúp đỡ người khuyết tật, thậm chí cả người bình thường khác.
TS. Nguyễn Thị Hải Anh – Phó Trưởng Khoa Truyền thông Đa phương tiện, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), tác giả dự án “Ứng dụng Công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng Sông Hồng, Việt Nam” cho biết dự án thực hiện với mục tiêu nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số để tăng cường, phát triển kinh doanh online và tiếp cận nguồn khách hàng cho phụ nữ khuyết tật đồng bằng sông Hồng, Việt Nam. Hỗ trợ, tạo điều kiện phát huy năng lực của người khuyết tật và các tổ chức người khuyết tật để làm tốt vai trò đại diện, tập hợp, đoàn kết, là cầu nối gắn kết người khuyết tật.
Người khuyết tật phải nhiều thiệt thòi hơn người bình thường khác trong học tập, đi lại, hòa nhập cộng đồng. Dự án này hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật đồng bằng Sông Hồng, giúp họ vượt qua khó khăn, có kỹ năng nâng cao hiệu quả bán hàng trong kinh doanh trực tuyến trong thời gian dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp.
Dự án “Ứng dụng Công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật vùng Đồng bằng Sông Hồng, Việt Nam” ngày càng khẳng định giá trị cộng đồng, tăng cường kết nối, giao lưu, gắn kết giữa các học viên phụ nữ khuyết tật của dự án, tăng nhận thức của xã hội và cộng đồng về sự chủ động của người khuyết tật trong phát triển kinh tế, rộng hơn nữa là lan tỏa nghị lực mạnh mẽ của con người tới mọi người.
Dự án được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa các giảng viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông cùng đội ngũ các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh trực tuyến...
Dự án Ứng dụng công nghệ số để tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật đã đem lại ý nghĩa và hiệu quả thiết thực
Với mục tiêu giúp đỡ 50 phụ nữ khuyết tật đang gặp khó khăn trong kinh doanh online tại khu vực đồng bằng Sông Hồng, dự án được triển khai bằng hình thức trực tuyến bởi đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số của trường Đại học CNTT và TT (ĐH Thái Nguyên).
Mỗi phụ nữ khuyết tật sẽ được hỗ trợ 1 giờ/ tuần/ 1 nội dung. Thông qua chương trình tập huấn này, phụ nữ khuyết tật tại vùng đồng bằng Sông Hồng sẽ được tiếp cận và sử dụng công nghệ số, sẵn sàng áp dụng kiến thức để xây dựng kế hoạch kinh doanh trực tuyến cho cá nhân.
Đồng thời, từ những kiến thức, kỹ năng đã học hỏi được họ có thể tự tin tham gia các diễn đàn mua bán trực tuyến tương ứng với ngành hàng của mỗi người và tiếp cận khách hàng tiềm năng trên diễn đàn đó. Từ đây, họ có thể nâng cao hiệu quả bán hàng, nâng cao sinh kế và cải thiện cuộc sống.
Dự án bước đầu đã đem lại những thay đổi tích cực hiệu quả đối với công việc kinh doanh của 50 chị em phụ nữ tham gia thực hiện thí điểm.
Về lâu dài, thông qua hệ thống kết nối mạng lưới người khuyết tật trên phạm vi cả nước (tổ chức, hội nhóm, facebook, fanpage, zalo dự án hoàn toàn có thể triển khai trên diện rộng giúp những người phụ nữ khuyết tật nói riêng (và người khuyết tật nói chung) có thể kết nối kinh doanh, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm) từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần.
Theo Hội đồng Sơ khảo, dự án góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao vai trò và giá trị của người phụ nữ khuyết tật trong xã hội công nghệ hiện đại. Thông qua việc hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp và phát triển năng lực những người phụ nữ khuyết tật có thể tự tin ứng dụng các kiến thức và kỹ năng được trang bị vào thực tế giúp công việc kinh doanh online của họ đạt hiệu quả cao hơn.
Tuy nhiên, Hội đồng cũng chỉ ra rằng, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan để dự án sớm được đưa vào triển khai trên diện rộng, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực hiệu quả đối với những người phụ nữ khuyết tật nói riêng (người khuyết tật nói chung) trên phạm vi cả nước có nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh online.
Bài, ảnh: PV