Trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá, sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn, sản xuất lúa lý tưởng ứng dụng công nghệ cao; sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để dự báo tình hình sâu bệnh trong trồng trọt và quản lý dịch tễ trong chăn nuôi; ứng dụng WebGis trong quản lý và giám sát hệ thống đê điều... là những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt.
Bất ngờ từ những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau thủy canh, kết hợp nuôi cá đặc sản là một trong những điểm sáng làm kinh tế nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Mô hình dưới nuôi cá đặc sản, trên trồng rau thủy canh bằng hệ thống tuần hoàn Aquaponics đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp an toàn bền vững. Từ mô hình khởi nghiệp của chàng thanh niên Nguyễn Tiến Thành, Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp AQUA (ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò) ngày càng lớn mạnh với lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thay vì bổ sung phân bón và các chất hóa học cho cây trồng, mô hình Aquaponics này sử dụng chất thải từ nuôi cá, nhờ sự chuyển hóa từ các loại vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của cây rau thủy canh. Tương tự, thay vì phải xử lý nước rồi xả nước từ nuôi cá ra môi trường, hệ thống Aquaponics sử dụng cây trồng để làm sạch nước và trả lại cho bể nuôi cá đặc sản.
Nhờ vậy, người trồng rau thủy canh, nuôi cá đặc sản tiết kiệm được 40-50% chi phí sản xuất trong khi cải thảo, xà lách, tía tô, cải bẹ xanh, cá chình, cá chạch lấu, cá côi, lươn... được nuôi trồng theo hướng hữu cơ thẳng tiến vào các siêu thị.
Khoa học công nghệ cũng góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP. Đơn cử như sản phẩm nước mắm truyền thống tại Hải Hậu. Với việc đầu tư công nghệ, quá trình ngâm ủ từ 18 - 24 tháng và áp dụng hệ thống lọc nước theo công nghệ RO (thẩm thấu ngược) thay cho sử dụng ống tre truyền thống trong quá trình rút nước mắm để loại bỏ cặn và vi khuẩn, sản phẩm “Nước mắm truyền thống Tân Phú”của công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao cấp tỉnh.
Người nông dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: TTXVN
Tại Sơn La - vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, các dòng sản phẩm chủ lực như mận hậu, bưởi da xanh, xoài đều đã được áp dụng các phương pháp lựa chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành để thúc đẩy mận ra hoa sớm. Nhờ vậy, các loại quả đều có thể rải vụ thành 3 trà, gồm: trà sớm, trà trung, trà muộn, kéo dài thời gian thu hoạch các loại cây ăn quả là giải pháp hữu hiệu để giải bài toán “được mùa, mất giá”. Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết: Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 ha cây ăn quả các loại đang được áp dụng các biện pháp kỹ thuật ra hoa, đậu quả rải vụ, giá bán cao hơn gấp 2 - 3 lần so với chính vụ.
Ở quy mô ngành nông nghiệp các địa phương, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để dự báo tình hình sâu bệnh trong trồng trọt và quản lý dịch tễ trong chăn nuôi; ứng dụng WebGis trong quản lý và giám sát hệ thống đê điều đều đã trở thành quen thuộc và áp dụng phổ biến.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị tạo ra từ ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngàng nông nghiệp.
Cụ thể, ở giai đoạn năm 2016-2020, trên cơ sở tiềm lực của giai đoạn trước, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức nặng nề hơn về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông lâm thủy sản ước đạt 2,71%/năm, vượt mục tiêu đặt ra.
Riêng năm 2020, GDP nông lâm thủy sản tăng 2,68% trong đó nông nghiệp đạt 2,55%, lâm nghiệp tăng 2,82%, thủy sản tăng 3,08%. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Tăng trưởng bền vững, ổn định theo hướng tích cực của nền nông nghiệp có sự hỗ trợ không nhỏ tới từ đóng góp của KH&CN.
Ứng dụng công nghệ để nâng cao sức mạnh nền nông nghiệp
Để nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ trong công nghiệp, cuối tháng 6, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã ký chương trình phối hợp hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2021 - 2030.
Chương trình này mở ra giai đoạn mới của việc đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm. Trong đó tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn toàn, hữu cơ, công nghệ sinh học...
Các công nghệ hướng tới tối ưu hóa quá trình sản xuất quản trị, chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn... Mục đích đưa nông nghiệp nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng sống người dân. Các công nghệ tập trung vào chế biến sâu, công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Hai bên phối hợp tổ chức thực hiện Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ các công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...
Một số sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đưa vào chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2030. Các danh mục 5 sản phẩm quốc gia hiện nay (lúa gạo, nấm, cafe, cá da trơn và tôm nước lợ) đã phê duyệt trong giai đoạn đến năm 2020 sẽ được rà soát, đánh giá lại để tiếp tục trong giai đoạn 2021-2030.