Sau những chương trình, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ (KH - CN) vào nông nghiệp, nông thôn và nông dân (tam nông), nhiều địa phương đã thay da đổi thịt, đời sống và tập quán canh tác của người dân thay đổi; hiệu quả, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ, việc ứng dụng KH - CN vào tam nông vẫn còn nhiều khó khăn.
KH - CN là động lực…
Nước ta là nước nông nghiệp, với trên 70% dân số sống và làm việc ở nông thôn và dự báo vào năm 2020, con số này vẫn còn khoảng 60%. Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng cho thấy, thông qua các chương trình, dự án, các tổ chức KH - CN trong nước và quốc tế đã tiến hành nghiên cứu và chuyển giao thành công nhiều tiến bộ KH - CN trong nông nghiệp cho nông nhân. Đặc biệt, Chương trình nông thôn và miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ trong các năm từ 2004 - 2010 đã đầu tư 535,55 tỷ đồng triển khai 213 dự án ở 58 tỉnh, thành phố. Chương trình đã huy động được 1.200 cán bộ kỹ thuật của 68 tổ chức tham gia xây dựng 856 mô hình trình diễn và chuyển giao thành công 438 quy trình tiến bỗ kỹ thuật cho nông dân. Chương trình khuyến nông, khuyến ngư quốc gia xây dựng được trên 7.000 điểm trình diễn, qua đó nhiều tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao vào sản xuất, đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích to lớn cho nền nông nghiệp.
Thông qua các mô hình, tổ chức được các lớp tập huấn với 1.566 kỹ thuật viên, tập huấn cho 35.136 lượt nông dân để có năng lực tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật; đào tạo được 225 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn cho 1.189 cán bộ, nông dân về thông tin KH - CN, xây dựng 11 trung tâm thông tin KH - CN ở 9 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, miền núi phía Bắc; 35 trung tâm thông tin cấp xã, chuyển giao thiết bị phần mềm thư viện điện tử với 48.471 tài liệu về công nghệ, 277 phim cơ sở dữ liệu. Với Chương trình khuyến nông và khuyến ngư quốc gia, sau 16 năm kể từ ngày thành lập đã tạo được 30 vạn cán bộ, kỹ thuật viên cho các tỉnh, tổ chức tham quan đầu bờ, tập huấn kỹ thuật cho 1 triệu nông dân; xây dựng 30 ấn phẩm, in ấn 10 triệu bản, phát hành tới 40% tổng số xã trong nước, tới 100% trạm khuyến nông các huyện và tỉnh…
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, có được những kết quả này, là do KH - CN được xác định là nền tảng và động lực quan trọng trong quá trình phát triển bền vững đất nước nói chung và phát triển tam nông nói riêng. Nước ta cũng sớm xác định vai trò then chốt của KH - CN, đặc biệt là yêu cầu của thời kỳ đổi mới, phù hợp với tình hình mới, thông qua các văn bản quan trọng về KH - CN như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 Khóa VIII; Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 Khóa IX; Nghị quyết số 26 của Hội nghị Ban chấp hàng Trung ương lần 7, Khóa X; Luật Khoa học và công nghệ năm 2000; Chiến lược phát triển KH -CN Việt Nam đến năm 2010; Luật Chuyển giao công nghệ… trong đó, khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt của KH - CN trong quá trình CNH - HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn
Theo nhận định của Bộ Khoa học và Công nghệ, dưới tác động của các hoạt động KH - CN, nông nghiệp nước ta đã bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ ngành nghề, đời sống nông dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên hiệu quả của công tác chuyển giao tiến bộ KH - CN vào tam nông vẫn còn nhiều khó khăn.
Thứ nhất, là do nông nghiệp, nông thôn nước ta nằm trên địa bàn rộng lớn, có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau. Chính sự khác biệt lớn về điều kiện kinh tế, xã hội giữa các vùng đã ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận công nghệ, khả năng đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật của công tác chuyển giao công nghệ. Thứ hai, cơ sở hạ tầng ở nông thôn và vùng sản xuất chưa phát triển; hệ thống đường giao thông mới chỉ đáp ứng được yêu cầu đi lại, chuyên chở vật tư kỹ thuật đến các tụ điểm dân cư, chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển vật tư, sản phẩm đến các vùng sản xuất. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật như điện, thủy lợi, cơ sở dịch vụ kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp chưa phát triển, chưa đồng bộ. Thứ ba, nông nghiệp nước ta phần lớn vẫn là nền nông nghiệp tiểu nông, sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn, chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Hàng hóa nông nghiệp chủ yếu dưới dạng sản phẩm nguyên liệu thô hoặc dạng bán thành phẩm, ít có sản phẩm được chế biến sẵn, giá trị thấp, hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp không cao, khả năng đầu tư, đổi mới công nghệ trong sản xuất nói chung và trong chế biến thấp. Và một trong những yếu tố làm quá trình ứng dụng tiến bộ KH - CN vào tam nông khó khăn là đối tượng tiếp cận công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nông dân, có trình độ dân trí chưa cao, trình độ tiếp cận với công nghệ còn thấp, thiếu vốn trầm trọng…
Để có thể ứng dụng KH - CN vào lĩnh vực này thực sự đem lại hiệu quả thì trước hết, những khó khăn vướng mắc này phải được nhanh chóng tháo gỡ. Có như vậy, KH - CN mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy tam nông phát triển…