Còn 2 năm nữa mới kết thúc, nhưng đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tạo máu từ người hiến tặng điều trị một số bệnh cơ quan tạo máu” của GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học Truyền máu Trung ương (TW) đã có những kết quả rất đáng tin cậy, đánh dấu bước tiến mới trong việc ứng dụng tế bào gốc (TBG) vào điều trị bệnh ung thư máu.
Hy vọng của bệnh nhân ung thư máu
Đề tài nói trên được thực hiện từ tháng 6/2011 với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước là 5,3 tỷ đồng trong đó kinh phí được giao khoán do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ là 1.568,88 triệu đồng. Đề tài sẽ được nghiệm thu vào tháng 6/2014.
Đề tài được triển khai với 4 nội dung: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình tuyển chọn người hiến tế bào gốc tạo máu, thu gom, xử lý và bảo quản TBG tạo máu; Xây dựng tiêu chuẩn chỉ định và quy trình sử dụng TBG tạo máu điều trị bệnh lơ xê mi cấp dòng tủy; Xây dựng tiêu chuẩn chỉ định và quy trình sử dụng TBG tạo máu điều trị bệnh lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt giai đoạn mãn; Xây dựng tiêu chuẩn chỉ định và quy trình sử dụng TBG gốc tạo máu điều trị bệnh rối loạn sinh tủy.
Bằng phân tích các kết quả nghiên cứu về TBG tạo máu đồng loại điều trị bệnh ác tính của cơ quan tạo máu, các nhà khoa học nhận thấy TBG tạo máu đồng loại là phương pháp điều trị duy nhất có thể mang lại hy vọng chữa khỏi bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu.
Theo GS-TS Nguyễn Anh Trí, hiện cả nước đã có 3 cơ sở thực hiện thành công ghép TBG đồng loại là Viện huyết học truyền máu Trung ương, bệnh viện Nhi TW và bệnh viện huyết học truyền máu TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Viện huyết học truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 8 trường hợp ghép TBG đồng loại điều trị bệnh lơ xê mi cấp, lơ xê mi kinh và suy tủy xương không rõ nguyên nhân, trong đó có 5 bệnh nhân đạt kết quả rất tốt.
Hiện tại, Viện huyết học truyền máu TW đã thành lập đơn vị ghép TBG tạo máu với cơ sở vật chất phục vụ điều trị ghép đạt tiêu chuẩn quốc tế. Viện cũng đang thực hiện một đề tài nghiên cứu cấp Bộ liên quan đến ghép TBG tạo máu đồng loại và cũng đã thực hiện thành công 2 trường hợp trong tổng số 3 trường hợp theo yêu cầu của đề tài.
Rẻ hơn 10 lần so với điều trị ở nước ngoài
Nhóm các nhà khoa học nghiên cứu đề tài đã lựa chọn bệnh nhân Diệu Thuần (Quỳ Hợp, Nghệ An) bị ung thư máu từ năm 2005, đã được triệu trị 7 năm nhưng không có dấu hiệu khả quan để điều trị theo phương pháp này.
Qua xét nghiệm, ThS. Bạch Quốc Khánh Phó viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu TW đã xác định bệnh nhân Diệu Thuần bị bệnh lơ xi mi kinh dòng bạch cầu hạt,(thường gọi là máu trắng). Đồng thời quyết định tiến hành thực hiện ca ghép TBG đồng loại cho cô vào tháng 9/1212 tại Viện.
Sau 30 ngày thực hiện ca ghép đã thu được những kết quả rất khả quan, các chỉ số tế bào máu của bệnh nhân đã trở lại gần như bình thường, bệnh nhân Diệu Thuần hiện nay đã được xuất viện và đang hồi phục.
“Mặc dù phương pháp ghép TBG tạo máu đồng loại đã được thực hiện nhiều năm nay ở một số cơ sở chuyên khoa huyết học - truyền máu nhưng số lượng còn rất hạn chế và chưa đưa ra được một quy trình chuẩn, đồng bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay”, ThS. Bạch Quốc Khánh cho biết.
ThS.Bạch Quốc Khánh cho rằng, trong thời gian tới, phương pháp ghép TBG tạo máu đồng loại sẽ trở thành phương pháp điều trị thường quy của Viện huyết học Truyền máu TW. Nếu như bệnh viện khác có nhu cầu thì nhóm thực hiện đề tài sẵn sàng giúp đỡ. Theo tính toán, một ca ghép TBG đồng loại có chi phí tầm 260 triệu đồng, rẻ hơn 10 lần so với đi chữa ở Mỹ hay Singapo.
Phương Hoàn – Mai Hà