Với những phát triển vượt bậc của ngành y học trên thế giới những cũng như của Việt Nam trong thời gian qua, nhiều loại bệnh nguy hiểm đã được các nhà khoa học tìm ra phương pháp điều trị hữu hiệu như bệnh tim mạch, ung thư… Để có được thành công đó không thể không kể đến sự đóng góp có hiệu quả của ngành năng lượng nguyên tử.
Thiếu trang thiết bị...
Theo thông tin từ Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, Việt Nam có khoảng 150.000 -200.000 người mắc bệnh ung thư mới và khoảng 75.000 - 100.000 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư hiện nay đang là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở Việt Nam và thực sự là mối quan tâm của cả quốc gia.
Trên toàn quốc, Việt Nam chỉ có một số bệnh viện nhà nước hàng đầu có thể tiến hành việc chữa trị ung thư một cách hiệu quả, bao gồm: bệnh viện Ung thư Quốc gia (bệnh viện K) và bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội; bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Ung bướu Gia Định và bệnh viện Chợ Rẫy tại thành phố Hồ Chí Minh,..
PGS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Chuyên môn - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay ở Việt Nam bức xạ ion hóa được ứng dụng trong 3 lĩnh vực của y học là: Y học hạt nhân, Xạ trị và Điện quang .
Điện quang của Việt nam hiện nay chưa ngang tầm so với các nước trong khu vực. Trang thiết bị thiếu, hầu hết các cơ sở thiếu máy X quang , CT, MRI . Chỉ một vài bệnh viện tuyến trung ương được trang bị gần đầy đủ hệ thống thiết bị Điện quang chẩn đoán và điều trị .
Hiện tại cả nước có 174 máy chụp cắt lớp vi tính, 51 máy chụp cộng hưởng từ và 21 máy chụp mạch máu, 500 máy X quang cao tần .Các trang thiết bị phục vụ cho ngành Điện quang chưa sản xuất cũng như lắp ráp được ở trong nước vì vậy đều phải nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành cao và không phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta.
Các cơ sở điện quang hầu hết có quy mô nhỏ và thiếu thốn về cơ sở (mạng lưới), trang bị, nhân lực, hệ thống đào tạo, cán bộ kỹ thuật liên quan, dịch vụ kỹ thuật ( kiểm định và bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị)…Hiện tại các kỹ thuật cao về điện quang mới chỉ được áp dụng ở những bệnh viện đầu ngành như bệnh viên Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy.
Hiện tại ngành điện quang mới có 10 tiến sỹ, 20 bác sĩ chuyên khoa II, 50 thạc sỹ, 70 chuyên khoa I và 350 chuyên khoa sơ bộ. Ước tính ngành điện quang còn thiếu khoảng 500 bác sỹ chuyên ngành cho cả nước. Việc chuẩn hóa cán bộ trong ngành còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam còn thiếu về cả cơ sở, trang bị và thầy thuốc chuyên khoa. Chưa có mạng lưới phòng chống ung thư đều khắp từ trung ương tới cơ sở. Cả nước hiện chỉ có 3 cơ sở lớn điều trị ung thư toàn diện có các thiết bị xạ trị tương đối tốt là Bệnh viện K ở Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và Trung tâm YHHN và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai. Chỉ một số khoa ung bướu có máy xạ trị nằm trong bệnh viện đa khoa tỉnh, thành. Cả nước có 23 cơ sở xạ trị, 4 bệnh viện chuyên khoa ung bướu. Cả nước có 11 máy xạ trị Cobalt - 60, đã quá cũ và lạc hậu, 26 máy xạ trị gia tốc mới, 4 dao gamma,1 dao Cyber và 2 hệ thống dao gamma quay,…
Cần tăng cường hợp tác quốc tế
Ở nước ta tỷ lệ xạ trị mới đạt 10% (các nước tiến tiến con số này khoảng 50% - 60&) chơa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tình trạng thiếu cán bộ kỹ thuật và vật lý lành nghề, việc kiểm định bảo dưỡng, duy tu máy định kỳ chưa chặt chẽ, bệnh nhân đông, hiệu suất sử dụng máy cao nên chất lượng điều trị còn hạn chế.
Trong khi việc đào tạo về Y học hạt nhân (YHHN) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cho đến nay mới chỉ có sinh viên hệ bác sỹ đa khoa của trường Đại học Y Hà Nội và Học viện quân y 103 được học một số kiến thức tối thiểu về YHHN. Các trường Đại học Y dược trong cả nước do thiếu cán bộ giảng dạy và cơ sở thực hành nên chưa được học về môn học này. Việc đào tạo sau đại học về YHHN (từ nội trú, Chuyên khoa I, Chuyên khoa II, Thạc sỹ, Tiến sỹ) cũng mới chỉ được tiến hành tại 2 cơ sở kể trên và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về quy hoạch mạng lưới và tăng cường phát ứng dụng bức xạ ion hóa trong y tế. Hoàn thiện mạng lưới y học hạt nhân và xạ trị, thành lập Viện Y học bức xạ trung ương trực thuộc Bộ Y tế; Phát triển các ứng dụng bức xạ ion hóa trong y tế; Phát triển năng lực kiểm tra, bảo đảm chất lượng và nâng cao khả năng sản xuất các thiết bị bức xạ và bảo đảm an toàn bức xạ; Xây dựng hệ thống ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân, cấp cứu và điều trị các trường hợp bị nhiễm xạ; Đảm bảo khả năng cung cấp các đồng vị và dược chất phóng xạ và Đẩy mạnh ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu.
Hiện tại, phía Việt Nam cũng đã có những đề xuất hợp tác với Vương quốc Anh nhằm nâng cao hơn việc ứng dụng điện hạt nhân vào công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện, chủ yếu là công tác đào tạo và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị và điện quang. Đặc biệt, Vương quốc Anh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm công tác trong các lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị và điện quang của Việt Nam sang học tập, huấn luyện tại các cơ sở thực hành của Anh; cử chuyên gia trong các lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị và điện quang đến các cơ sở thực hành y học hạt nhân, xạ trị và điện quang của Việt Nam để giảng dạy, huấn luyện, đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho các cán bộ Việt Nam.
PGS.TS Mai Trọng Khoa cũng cho biết, Việt Nam sẽ cử các nhóm công tác trong các lĩnh vực y tế hạt nhân, Xạ trị và Điện quang của Việt nam sang học tập, huấn luyện tại các cơ sở thực hành ở Anh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia Anh trong các lĩnh vực YHHN, Xạ trị và Điện quang đến làm việc tại các cơ sở thực hành YHHN, Xạ trị và Điện quang của Việt nam.
Những nội dung cụ thể được đề xuất hợp tác đào tạo giữa 2 nước là PET/CT trong ung thư; Chụp hình phóng xạ miễn dịch; PET/CT mô phỏng lập kế hoạch xạ trị ung thư; y học hạt nhân tim mạch; y học hạt nhân thần kinh; y học hạt nhân điều trị; kỹ thuật xạ trị điều biến liều IMRT; kỹ thuật xạ trị định vị: Radiosurgery, IGRT; Kỹ thuật xạ trị trong mổ; Các kỹ thuật điện quang can thiệp chẩn đoán ung thư; Các kỹ thuật điện quang can thiệp điều trị ung thư;...
Bài, ảnh: Hoàng Anh