Mô hình cánh đồng mẫu lớn được xây dựng nhằm thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) một cách đồng bộ, hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao suất bình quân trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và cả nước nói chung.
Từ những thành công…
Báo cáo của Sở KH&CN An Giang trong hội thảo về liên kết sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn được tổ chức vừa qua, cho thấy các mô hình chuỗi liên kết cung ứng sản xuất tiêu thụ tạo sự ổn định phát triển bền vững các mô hình liên kết, nhờ áp dụng KH&CN đã góp phần lớn vào việc hạ giá thành sản xuất khoảng 721 đồng/kg, do đó với diện tích tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất tiêu thụ hàng năm trên dưới 20.000 ha đã tiết kiệm cho nông dân khoảng 100 tỷ đồng và sẽ còn tiết kiệm nhiều hơn khi diện tích tham gia nhiều lên và chắc chắn sẽ phát triển rộng trong thời gian tới, không chỉ trên địa bàn tỉnh An Giang mà còn các địa bàn lân cận khác trong vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, do hình thành liên kết sản xuất tiêu thụ đạt quy mô lớn, chất lượng đồng nhất, tỷ lệ thu hồi gạo cao và giá xuất khẩu cao hơn so với gạo cùng loại, góp phần tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa và sẽ là giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo của An Giang nói riêng và cả khu vực ĐBSCL nói chung.
Cũng với mô hình này, tỉnh Bạc Liêu đã mang đến cho bà con nông dân hướng sản xuất mới mang lại nguồn lợi nhuận cao. Kết quả triển khai trong vụ hè thu đối với giống lúa ngắn ngày giữa ruộng mô hình so với ruộng đối chứng. Lợi nhuận tăng so với ruộng đối chứng là 3.628.000đ/ha.
Tại hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSCL TS. Lê Văn Bảnh – Viện lúa ĐBSCL chia sẻ với mô hình cánh đồng mẫu lớn là tiền đề để xây dựng vùng lúa nguyên liệu, vùng chuyên canh lúa. Mô hình này rất phù hợp với việc ứng dụng KH&CN, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, giảm công lao động, đảm bảo tính thời vụ và giảm thất thoát sau thu hoạch. Với mô hình này nhiều địa phương tại ĐBSCL đã áp dụng thành công và bước đầu mang lại kết quả ấn tượng.
Với những kết quả trên, mô hình cánh đồng mẫu lớn được đánh giá là thành công bước đầu và hứa hẹn sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
Đẩy nhanh ứng dụng KH&CN vào sản xuất
Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, nhu cầu về lúa gạo nhiều hơn và đa dạng hơn, tạo thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn. Tuy nhiên, trên thực tế mô hình này vẫn còn nhiều gặp nhiều khó khăn tại ĐBSCL do là vùng sản xuất lúa gạo là chính nhưng nông dân trồng lúa là người nghèo nhất và gặp nhiều khó khăn nhất.
Nông dân sản xuất theo nông hộ nhỏ lẻ, cá thể, sản xuất tự phát, thiếu sự liên kết 4 nhà, thiếu sự đặt hàng và đầu tư nguồn nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất còn hạn chế, chưa đồng bộ nên sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, sâu bệnh.
Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất chưa đồng bộ, hệ thống máy móc thiết bị sau thu hoạch như máy sấy, kho tàng dùng bảo quản, chế biến lương thực còn chưa đảm bảo yêu cầu, tổn thất sau thu hoạch còn lớn đến 12 – 14%. Các phụ phẩm trong sản xuất lúa như rơm, trấu…có số lượng rất lớn nhưng chưa tận dụng được gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Nước ta đã tham gia xuất khẩu gạo hơn 20 năm, hệ thống kinh doanh lương thực đã được xã hội hóa nhưng hoạt động chưa hiệu quả, nhất là trong xuất khẩu, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu nên giá trị chưa cao, sức cạnh tranh còn yếu.
Một khó khăn cũng không nhỏ khi phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn theo ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt là còn thiếu sự nhiệt tình tham gia của các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cũng như xuất khẩu và chế biến lúa gạo.
Cũng theo ông Quảng thì các doanh nghiệp phải hình thành được vùng nguyên liệu có khả năng đáp ứng khoảng 15% khối lượng xuất khẩu hàng năm và tiếp theo là tăng dần lên đến khoảng 80%. Có sự tham gia và chuẩn bị doanh nghiệp thì mô hình này sẽ đạt kết quả cao hơn.
Còn TS. Lê Văn Bảnh cho rằng tổ chức lại sản xuất – liên kết mô hình “nông hộ nhỏ - cánh đồng lớn”. Đề ra biện pháp cụ thể khắc phục những nhược điểm của việc sản xuất theo nông hộ nhỏ, cá thể trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Để tổ chức lại sản xuất, từ trước đến nay cả nước cũng như vùng ĐBSCL cũng đã đưa ra nhiều mô hình sản xuất tập thể như hợp tác xã, liên minh hợp tác, tổ liên kết hợp tác nhưng đều gặp vấn đề trở ngại do vấn đề quản lý và vì nông dân không muốn xa ruộng của mình. Nên muốn mô hình cánh đồng mẫu lớn thành công thì cũng cần thay đổi cách quản lý và đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng KH&CN vào tất cả các khâu sản xuất, bảo quản cũng như chế biến và xuất khẩu.
Để phát triển tốt cánh đồng mẫu lớn nên có sự hợp tác chặt chẽ giữa nông dân và các doanh nghiệp, hài hòa lợi ích để cả 2 bên cùng có lợi. Doanh nghiệp cần có năng lực về tài chính, chủ động đầu tư nguồn nguyên liệu theo yêu cầu và đầu tư tốt cơ sở vật chất như hệ thống máy sấy, kho tồn trữ, phương tiện vận chuyển và có chế độ khuyến khích các doanh nghiệp thu mua kịp thời sản phẩm cho nông dân…, có như vậy cánh đồng mẫu lớn sẽ phát huy hiệu quả cao, ông Bảnh chia sẻ.
Bài, ảnh: Gia Anh