Đó là kết quả nghiên cứu của đề tài "Nghiên cứu chọn tạo và phát triển một số dòng gà lông màu hướng trứng, hướng thịt năng suất chất lượng cao” do các chuyên gia Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) thực hiện từ năm 2007-2012.
Chủ nhiệm đề tài Phùng Đức Tiến cho biết, đề tài đã làm lợi cho xã hội hơn 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 146 nghìn lao động, góp phần phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn.
Sử dụng nguyên liệu sẵn có
Với mục tiêu đưa chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững, ngày 16/1/2008 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Để đạt được mục tiêu đề ra trước hết là phải có nhiều con giống có năng suất cao.Tuy nhiên trong bối cảnh gà công nghiệp khó phát triển, các giống gà nội năng suất thấp, để phát triển gà lông màu trong những năm trước đây nước ta đã nhập một số giống gà (như Tam hoàng Jiangcun, Tam hoàng 822, Lương Phường) từ Trung Quốc; gà Kabir để nuôi với kết quả tương đối khả quan, song đó chỉ là gà thương phẩm và gà bố mẹ. Nếu phát triển thì hàng năm phải bỏ ra số tiền rất lớn để nhập gà bố mẹ, mặt khác lại không chủ động được con giống và có thể mang mầm bệnh vào trong nước.
Xuất phát từ thực tế đó Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Trung tâm) đã chọn hướng đi tập trung nghiên cứu phát triển các dòng gà cho năng suất cao trên nguồn nguyên liệu sẵn có. Sau 3 năm thử nghiệm, nhóm tác giả đã tạo ra được một giống gà lông mầu gồm dòng gà lấy thịt và lấy trứng có năng suất chất lượng cao, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đạt tương đương trên thế giới và khu vực, giúp ngành chăn nuôi chủ động con giống, phù hợp với điều kiện từng vùng của đất nước, đồng thời hạn chế được dịch bệnh theo vùng cho gia cầm.
Chủ động được nguồn giống
Theo chủ nhiệm đề tài Phùng Đức Tiến thì từ trước đến nay các đề tài nghiên cứu và tạo các giống gà, mới đơn thuần tạo các con giống bằng phương pháp lai tạo đơn giản như gà Rhoderi, gà Goldline, Ross 208, Tam Hoàng, Kabir hoặc chỉ khai thác ở ưu thế lai ở các con lai mà chưa tạo được một hệ thống giống hoàn chỉnh, do đó các giống này không ổn định, dễ bị thoái hóa và nhanh chóng lạc hậu.
Khắc phục những nhược điểm của các đề tài nghiên cứu trước đó, đề tài "Nghiên cứu chọn tạo và phát triển một số dòng gà lông màu hướng trứng, hướng thịt năng suất chất lượng cao” của nhóm tác giả của Trung tâm đã sử dụng phương pháp hiện đại về di truyền chọn giống bằng cách phân tích các tham số di truyền, sử dụng phương pháp phân tích các thành phần với các số liệu thu được từ hệ thống giao phối theo hệ phả để xác định hệ số di truyền đã chọn lọc được các dòng gà theo hệ thống giống hình tháp.
Từ kết quả nghiên cứu chọn tạo tại các cơ sở của Trung tâm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng các mô hình và từ đó phát triển rộng trong sản xuất. Cụ thể, kết quả nghiên cứu đã được các hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ sở sản xuất ở các thành phần kinh tế tiếp nhận nhanh chóng, phát triển mạnh mẽ trên diện rộng, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn trong cả nước, thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm ở nước ta phát triển, giải quyết công ăn việc làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng vật nuôi.
Đặc biệt, qua nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-97,65% các chỉ tiêu kỹ thuật các dòng gà đạt tương đương trên thế giới và khu vực, qua đó chủ động sản xuất con giống cung cấp cho thị trường (so với giá nhập khẩu gà lông màu bố mẹ hướng thịt hiện nay trên thị trường giá 40.000đ/con, giá bán gà bố mẹ trong nước chỉ 15.000đ/con). Được biết, từ năm 2008 - 2011, Trung tâm đã chuyển giao khoảng 600.000 gà bố mẹ hướng thịt để sản xuất gần 70 triệu gà thương phẩm cho hầu hết các tỉnh thành trong cả nước... Đặc biệt, với chất lượng và thương hiệu gà của Trung tâm, công ty C.P (Thái Lan) và Cty JAPFA (Indonesia) đã ký hợp đồng với Trung tâm đặt mua gà bố mẹ hàng năm với số lượng lớn.
TS. Phùng Đức Tiến vui mừng cho biết thêm, kết quả công trình đã có đóng góp quan trọng trong phát triển chăn nuôi gia cầm ở nước ta và đang là động lực để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
Được biết đề tài vừa đoạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2012.