Phụ phẩm tôm của Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa thực sự được khai thác hiệu quả, do đó cần tập trung vào một số vấn đề chính như tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu, tìm ra những công nghệ phù hợp và coi đây là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị tôm.
Tiềm năng phát triển lớn
Ngày 03/10/2018 tại Tp. Cần Thơ, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN TP. Cần Thơ và Công ty Cổ phần Việt Nam Food tổ chức “Hội thảo quốc tế, công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ quốc tế và Hội nghị về hoạt động của các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN năm 2018.
Đến dự Hội thảo có ông Trần Văn Tùng -Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và hàng trăm đại biểu đến từ các Bộ, ngành, viện, trường, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.
Trong giai đoạn vừa qua, tôm chiếm tới 50% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành thủy sản với giá trị kim ngạch xuất khẩu luôn đạt 3-4 tỷ USD/năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhận định, ngành tôm hiện chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôm là một trong các sản phẩm của Việt Nam đang nằm trong top đầu thế giới. Sản phẩm tôm Việt Nam được thị trường đánh giá rất cao, với hai thị trường chủ lực là Mỹ là Nhật Bản. Đây là những thị trường rất khó tính về chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thủy hải sản tươi sống.
Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã đặt kỳ vọng lớn vào sự phát triển của ngành tôm, mặc dù mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 vẫn là một khoảng cách khá xa so với hiện nay nhưng đây là mục tiêu có cơ sở, do ngành tôm đang còn nhiều dư địa phát triển với lợi thế về bờ biển dài 3.200 km, diện tích nuôi tôm tại Đồng bằng song Cửu Long được dự báo sẽ tăng thêm trong thời gian tới. Mặt khác, thị trường thế giới đối với sản phẩm tôm có xu hướng tăng ổn định và chưa có giới hạn.
“Gắn liền với dự tăng lên của sản lượng tôm là phụ phẩm. Năm 2017, phụ phẩm của tôm cả nước khoảng trên 320.000 tấn và dự kiến tới năm 2025 sẽ tăng thêm tới 60%. Đây có thể coi là một “mỏ vàng” của ngành tôm nếu được ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị tăng cao như chitin, chitosan, protein thủy phân,… được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm chức năng, vật liệu sinh học, y tế, nông nghiệp…”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: PH)
Để giải quyết tổng thể bài toán về ngành tôm Việt Nam, bên cạnh việc quan tâm đến công nghệ chế biến, chúng ta cần quan tâm đúng mức đến thị trường tiêu thụ, tăng cường mối liên kết giữa viện, trường, nhà khoa học với doanh nghiệp đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu
Nhiều đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo cũng cho rằng, ngành phụ phẩm tôm tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển nhưng trên thực tế chưa khai thác đúng tiềm năng. Việc ứng dụng KH&CN vào chế biến phụ phẩm tôm thành sản phẩm có giá trị cao chưa nhiều, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn nguyên liệu này.
Từ thực tế đó, các đại biểu cũng nhận định, các Bộ, ngành có liên quan nên điều chỉnh chiến lược phát triển ngành này cho phù hợp hơn. Nếu khai thác được phụ phẩm tôm sẽ không những tránh lãng phí nguồn nguyên liệu mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nhiều vùng, miền trong cả nước nói chung. Để phát triển ngành phụ phẩm tôm tại Việt Nam, cần đặc biệt quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và giải pháp hữu ích.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, hiện nay ngành nông nghiệp đang tập trung tái cơ cấu sản xuất và sẽ tiếp tục lộ trình này trong thời gian tới. “Ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, sản phẩm chủ lực của từng vùng, từng địa phương. Chính phủ rất kỳ vọng vào việc phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã tập trung nguồn lực nhằm tạo hành lang pháp lý và từng bước hoàn thiện khung chính sách để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Nhiều nghiên cứu về sản xuất tôm và phụ phẩm tôm được triển khai, trong đó có các dự án kết hợp chặt chẽ giữa viện, trường và doanh nghiệp. Đây có thể coi là hạt nhân để hình thành nên ngành sản xuất mới có giá trị gia tăng cao.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng cho rằng, Hội thảo sẽ là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, các doanh nghiệp đánh giá được hiện trạng sử dụng phụ phẩm tôm Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra các đề xuất về chính sách, giải pháp công nghệ để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao từ phụ phẩm tôm. Hội thảo cũng là dịp để phân tích tiềm năng phát triển của ngành sản xuất phụ phẩm tôm tại Việt Nam qua góc nhìn của nhà quản lý, chuyên gia công nghệ, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; cùng nhau thảo luận về các mô hình liên kết giữa nghiên cứu và thực tiễn sản xuất, với mục tiêu đưa công nghệ thành lực lượng chủ lực hình thành và phát triển ngành phụ phẩm tôm tại Việt Nam.
Các đại biểu cũng nhận định, ngành phụ phẩm tôm của Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa thực sự phát huy hết khả năng, do đó cần tập trung vào một số vấn đề chính như tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này để tìm ra những công nghệ phù hợp, coi đây là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị tôm./.
Bài, ảnh: Phương Hiếu