Trong bối cảnh nhu cầu về điện tăng cao mà các nguồn nhiên liệu không tái tạo đang ngày càng cạn kiệt, điện hạt nhân (ĐHN) vẫn là một giải pháp cung cấp điện năng được nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục duy trì hoặc bắt đầu phát triển.
Đó là chia sẻ của ông Lê Doãn Phác, Chuyên viên cao cấp, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam khi nói về tương lai của điện hạt nhân.
Việt Nam có đủ các yếu tố để phát triển ĐHN
Ông Lê Doãn Phác cho hay, rút ra bài học từ các sự cố như Fukushima, việc lựa chọn công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất, làm tốt công tác chuẩn bị, phát triển đầy đủ cơ sở hạ tầng ĐHN (nhất là nguồn nhân lực và hệ thống pháp luật) theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và kinh nghiệm của các nước, Việt Nam có đủ các yếu tố để phát triển ĐHN.
ĐHN là một thành phần của tổ hợp sản xuất điện năng. Khi các quốc gia xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển điện thì họ đều xem xét và lựa chọn nhiều dạng sản xuất điện năng khác nhau. Quy hoạch đó dựa trên nhiều yếu tố như nhu cầu điện năng, hiệu quả kinh tế, khả năng cung ứng của các dạng năng lượng... Ví dụ: quốc gia có nhiều nguồn năng lượng truyền thống đủ để cung cấp trong thời gian lâu dài thì họ có thể chưa xem xét đến ĐHN, hoặc các quốc gia có khả năng phát triển năng lượng tái tạo thì cũng ưu tiên cho phát triển nguồn năng lượng này. Ngoài ra yếu tố tâm lý a của lãnh đạo hay của người dân “thích” hay “không thích” ĐHN cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn ĐHN.
Chủ trương phát triển ĐHN ở Việt Nam đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2009 dựa trên kết quả nghiên cứu tiền khả thi do Bộ Công Thương tiến hành. Chủ trương này không đi ngược với xu hướng của thế giới vì hiện nay trên thế giới ĐHN vẫn tiếp tục phát triển ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Lê Doãn Phác cho rằng, chúng ta không nên nói một cách đơn giản rằng nhất thiết phải làm ĐHN hoặc dứt khoát không làm ĐHN. Việc “ủng hộ” hay “không ủng hộ” ĐHN cần dựa trên rất nhiều yếu tố. Hậu quả nghiệm trọng của tại nạn tại Nhà máy ĐHN Checnobyl và Fukushima nên đã tạo ra tâm lý lo ngại ĐHN. Theo dõi tình hình ĐHN trên thế giới sau tai nạn nhà máy ĐHN Fukushima tháng 3/2011 cho đến nay, Việt Nam thấy rằng ĐHN vẫn là một dạng năng lượng của hiện nay và tương lai. Nhưng để phát triển nó, mỗi quốc gia phải xem xét rất nhiều yếu tố. IAEA đã đưa ra một số tiêu chí để đánh giá một hệ thống năng lượng hạt nhân bền vững, trong đó có các tiêu chí về kinh tế, an toàn, quản lý chất thải phóng xạ. Điều này buộc những người thực hiện dự án ĐHN phải nhận rõ trách nhiệm của mình và làm việc với một tinh thần khách quan, khoa học cao nhất.
Phát triển ĐHN bao giờ cũng tiềm ẩn những rủi ro, không thể khẳng định cái gì là tuyệt đối tốt và cái gì là tuyệt đối xấu. Vì vậy thế giới ngày càng nhấn mạnh đến đến phát triển bền vững. Trước đây thủy điện được coi là một dạng sản xuất điện năng ưu việt, ngoài việc cung cấp điện năng còn có giá trị về thủy lợi. Nhưng gần đây việc phát triển thủy điện ồ ạt đã làm nảy sinh một số vấn đề lớn về môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở những vùng lân cận và hạ lưu. Trước đây, khi xây dựng các dự án phát triển thủy điện, tôi nghĩ cũng đã có nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, nhưng không tính được hết những hệ lụy mà chúng ta đang gặp phải như hiện nay. Vì vậy không chỉ đối với ĐHN mà đối với những dự án năng lượng lớn, chúng ta đều phải có những nghiên cứu, tính toán khoa học, đánh giá toàn diện sự cần thiết, lợi ích và những rủi ro, tác động không mong muốn trong dài hạn, trước khi quyết định dự án.
Không nên phủ nhận vai trò của ĐHN
Có nhiều tổ chức quốc tế, quốc gia đưa ra các dự báo nhu cầu năng lượng, điện năng, trong đó có ĐHN. Theo báo cáo Tầm nhìn năng lượng thế giới 2015 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thuộc OECD tháng 11/2015 đã xây dựng một số kịch bản. Trong tất cả các kịch bản, sản lượng ĐHN tăng đáng kể vào năm 2040. Từ 2.478 tỷ kWh năm 2013 tăng lên đến 4.606 tỷ kWh (Kịch bản Các chính sách mới), 3.974 tỷ kWh (Kịch bản Chính sách hiện tại), và 6.243 tỷ kWh (Kịch bản ‘450’) tương ứng với 18% lượng điện cung ứng. Theo Kịch bản Các chính sách mới, công suất ĐHN năm 2030 được bổ sung thêm 147 GWe, năm 2040 bổ sung thêm 218 GWe, bù đắp cho lượng công suất giảm do các NMĐHN chấm dứt hoạt động là 62 GWe và 86 GWe tương ứng với các năm 2030 và 2040.
Báo cáo Ước tính năng lượng, điện năng và ĐHN cho giai đoạn đến năm 2050) của IAEA công bố năm 2014, dự báo công suất ĐHN năm 2030 là 401 GWe (Kịch bản thấp) và 699 GWe (Kịch bản cao); năm 2050: 413 GWe (Kịch bản thấp) và 1.092 GWe (Kịch bản cao).
Báo cáo Triển vọng năng lượng quốc tế năm 2013 (IEO2013) của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (US EIA) dự báo ĐHN và năng lượng tái tạo sẽ là các nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất trên thế giới trong giai đoạn 2010-2040, tăng 2,5% mỗi năm, do những lo ngại về an ninh năng lượng và phát thải khí nhà kính.
Như vậy có thể nói ĐHN trong tương lai sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Thực tế thì tỷ lệ ĐHN không còn đạt đỉnh cao như trong quá khứ (khoảng 16% tổng sản lượng điện thế giới) và xu hướng lựa chọn ĐHN không còn “rầm rộ” như trước khi xảy ra sự cố Fukushima. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, ĐHN vẫn là một dạng sản xuất điện năng, nhiều nước vẫn tiếp tục phát triển hoặc bắt đầu chương trình ĐHN, trong đó có các nước phát triển. Sau 10-15 năm nữa khi có những công nghệ ĐHN mới được áp dụng, các NMĐHN vận hành an toàn, hiệu quả, góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu… thì cách nhìn đó đối với ĐHN có thể được cải thiện thêm.
Ưu điểm lớn nhất của ĐHN đó là ĐHN cạnh tranh với điện sản xuất từ than nhập khẩu; phát triển ĐHN làm đa dạng hóa các nguồn năng lượng, góp phần bảo đảm an ninh cung cấp năng lượng; bảo vệ môi trường; phát triển tiềm lực KH&CN, thúc đẩy phát triển công nghiệp trong nước…
Đề án Thông tin, tuyên truyền phát triển ĐHN ở Việt Nam đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 28/02/2013, thường gọi là Đề án 370 với mục tiêu để người dân hiểu đúng về điện hạt hân.
Để thực hiện công tác thông tin tuyên truyền hiệu quả, cần có sự phối hợp với giữa các cơ quan truyền thông và các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu và chủ đầu tư dự án ĐHN. Cần có những thông tin khoa học, số liệu thực tiễn và phương pháp thông tin tuyên truyền phù hợp. Cần tránh thông tin một chiều, bên cạnh lợi ích của phát triển ĐHN, cần nêu cả những khó khăn, thách thức và các giải pháp để khắc phục, để từ đó người dân tin tưởng và ủng hộ.
Bài, ảnh: Phương Nga