Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 09:17 am
Cập nhật : 08/10/2013 , 13:10(GMT +7)
Tướng Giáp là người đặt nền móng cho khoa học Việt Nam
Trong căn phòng khách ấm cúng tại tư gia, giáo sư-viện sĩ Đặng Hữu treo trang trọng tấm ảnh đen trắng đã ngả màu thời gian. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông bắt tay một người đối tác Liên Xô để bàn về thành lập Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, nhưng nổi bật nhất lại là một gương mặt rất đỗi thân thuộc với hàng chục triệu người dân đất Việt với nụ cười hiền hậu: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cất giọng buồn bã, vị giáo sư đã bước qua cái tuổi bát thập bảo rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người đặt nền móng cho khoa học công nghệ Việt Nam. Và, ông đã may mắn được chịu ảnh hưởng rất lớn từ vị tướng tài ba và đức độ này.

“Đầu năm 2013, bác Giáp còn nằm trong bệnh viện viết thư chúc Tết. Sau đó, tôi đến thăm mấy lần thấy bác còn rất minh mẫn. Vẫn biết ngày bác ra đi sẽ đến, nhưng khi nhận được tin tôi thấy đau xót và ngỡ ngàng,” ông Hữu bồi hồi xúc động.

Trong mắt giáo sư Đặng Hữu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người suốt đời vì nước, vì dân. Là người văn võ song toàn, Đại tướng luôn thân thiện, đức độ, uyên bác và đặc biệt có tư duy sáng lạng.

Đất nước không có khoa học thì không làm được gì cả

Ở lĩnh vực khoa học công nghệ, năm 1977 khi còn giữ chức Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, giáo sư Đặng Hữu gặp Đại tướng khi Đại tướng đứng ra báo cáo về vấn đề Tây Nguyên trên cơ sở tính toán khoa học để xây dựng đất nước.

Khi ấy, giáo sư Đặng Hữu rất ấn tượng về một tư duy chiến lược, kiến thức uyên thâm. Về Tây Nguyên, Đại tướng bàn về vấn đề phát triển lương thực, chú trọng điều cán bộ khoa học vào vùng đất này. Và cũng kể từ đó, giáo sư Đặng Hữu có nhiều dịp làm việc với Đại tướng.

Bức ảnh Giáo sư-Viện sĩ Đặng Hữu chụp với đối tác Liên Xô (cũ) bàn về thành lập Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, dưới sự chứng kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Theo giáo sư Đặng Hữu: “Đại tướng chính là người đặt nền tảng đầu tiên cho chính sách khoa học ở Việt Nam, tổ chức các chương trình nghiên cứu, mời chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ, cử người đi học tập, nghiên cứu.”

Vào năm 1979, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng khoa học cần phải được sắp xếp, đánh giá lại để đất nước không tụt hậu, bởi “không có khoa học thì không làm được gì cả.” 

Đại tướng đã chủ động quan tâm nắm tình hình chung của các viện nghiên cứu xem đã làm và chưa làm được gì, chỉ đạo xây dựng chính sách và đưa ra Bộ Chính trị để chuẩn bị cho Nghị quyết đầu tiên đặt nền móng cho khoa học kỹ thuật.

Cùng đó, Đại tướng cũng luôn trăn trở làm thế nào để khoa học đi vào sản xuất, không để kết quả bị đưa vào ngăn kéo. 

Khoa học phải chủ động kinh phí ứng dụng, đánh là phải thắng

Thời đó không có kinh phí làm khoa học. Muốn làm khoa học phải xin tiền Nhà nước và kết quả nghiên cứu cũng đưa vào Nhà nước. Lúc đó, ý kiến của Đại tướng là cơ quan làm khoa học phải chủ động làm việc, chỉ đạo cán bộ khoa học đi về nông thôn giúp dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Khi ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vạch ra đề cương với ý chính: Khoa học là phục vụ sản xuất, phải có mục tiêu rõ ràng. “Đã đánh là thắng, không chắc thắng thì không đánh” và làm khoa học cũng phải như vậy. Cũng bởi thế, Đại tướng quan tâm tới đội ngũ nhân lực, lập ra quy hoạch chiến lược và trách nhiệm của khoa học.

Giáo sư Đặng Hữu cũng cho hay, cái lớn nhất chính là tư duy chiến lược về khoa học của Đại tướng. Bản thân giáo sư Đặng Hữu từng đi với Đại tướng nhiều chuyến sang các nước học tập về cách làm khoa học mới như thành phố khoa học của Ấn Độ, thăm Indonesia và làm việc với nhà khoa học của nước bạn từng làm việc tại Tây Đức để kết nối.

“Trong mỗi chuyến công tác, học tập, khi về nước mỗi người đều phải phát biểu nhận xét của mình và báo cáo lại xem cần học cái gì, loại bỏ cái gì. Đại tướng luôn quan tâm làm thế nào để phát triển công nghệ cao, công nghệ sinh học… bởi đó chính là những thứ sẽ quyết định sự phát triển của xã hội,” giáo sư Đặng Hữu nhớ lại.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Vietnam+, giáo sư Đặng Hữu cho rằng tư tưởng của Đại tướng đã ảnh hưởng rất lớn tới ông, nhất là khi ông trở thành người đứng đầu ngành khoa học và công nghệ Việt Nam. Đó chính là tư tưởng chủ đạo “khoa học công nghệ là dẫn dắt đất nước đi lên,” khoa học và giáo dục là nền tảng và động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khoa học là không biên giới, cần hội nhập quốc tế về khoa học.

Vị Đại tướng của nhân dân cũng cực kỳ coi trọng khoa học công nghệ để thực hiện những yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng. Khoa học công nghệ vừa phải phát triển đất nước, vừa bảo vệ Tổ quốc.

Và, những tư tưởng tiến bộ này vẫn còn đúng đắn đến thời điểm hiện tại./.

Giáo sư, Viện sĩ Đặng Hữu sinh năm 1930 tại Bình Định. Ông từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1976-1982); Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (1982-1996); Trưởng ban Khoa giáo Trung ương (1996-2002). Ông cũng cũng là Ủy viên Trung Ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII (từ 1981 đến 2001) và là Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X (từ 1987 đến 2002).

Giai đoạn từ năm 1997-2002, giáo sư Đặng Hữu là Trưởng ban chỉ đạo chương trình quốc gia về công nghệ thông tin. Ông được trao tặng Giải thưởng ASOCIO 2003 của Tổ chức công nghiệp Tin học châu Á và Thái Bình Dương dành cho người có đóng góp to lớn với sự phát triển công nghệ thông tin.

Nguồn tin: Vietnamplus

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner