Sáng 14-12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cùng các sở, ngành TP và đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã họp bàn về việc xử lý 11 doanh nghiệp bán xăng dỏm mà Tuổi Trẻ đã thông tin.
Quan điểm xử lý được thống nhất cao tại cuộc họp là cần áp dụng mức phạt tiền cao nhất, đồng thời lựa chọn hình thức phạt bổ sung nghiêm khắc, răn đe nhất để xử lý 11 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM bán xăng không đúng chất lượng quy định.
Cụ thể là công bố bán xăng A92 hoặc xăng A95 nhưng thực chất chất lượng bị các cơ quan chức năng phát hiện thấp hơn mức này rất nhiều.
Áp dụng hình thức xử lý nặng nhất
"Nếu không coi xăng dầu có chất lượng không đúng là hàng giả thì cái gì mới gọi là hàng giả? Cần phải áp dụng xử lý hình sự mới đảm bảo tính răn đe hơn và sự nghiêm minh của pháp luật"
Phó chủ tịch UBND TP.HCM LÊ MẠNH
|
Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM cho biết ngoài vi phạm của 11 doanh nghiệp về chất lượng xăng, có ba doanh nghiệp trong số này dùng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu (gọi chung là giấy phép) đã hết hạn từ cuối tháng 12-2010 và một doanh nghiệp khác có giấy phép hết hạn ngày 14-12-2011.
Sở Khoa học - công nghệ TP đề xuất áp dụng các quy định tại nghị định 54 (năm 2009) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa để xử lý như lâu nay thường áp dụng. Theo đó, các doanh nghiệp bán xăng vi phạm về chất lượng sẽ bị phạt tiền từ 3-5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa có vi phạm tại thời điểm xảy ra vi phạm, đồng thời biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hàng hóa vi phạm.
Mặt khác, tuy nghị định 54 nói trên cho phép phạt từ 3-5 lần tổng giá trị hàng hóa vi phạm nhưng pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính lại khống chế chỉ được phạt tiền tối đa 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm “đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa” cho dù tiền phạt nếu tính theo “công thức” quy định tại nghị định 54 thực tế có cao hơn mức khống chế này bao nhiêu lần đi nữa thì cũng không được áp dụng.
Sự khống chế mức phạt tối đa được cho là rất vô lý này đã khiến một số ý kiến nói rằng việc này chẳng khác nào là sự dung túng cho các vi phạm, gian lận trong kinh doanh xăng dầu cứ tiếp diễn.
Ngoài ra, Sở Khoa học - công nghệ TP đề xuất phạt 3-5 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã hết hiệu lực quy định tại nghị định 06 (năm 2008) của Chính phủ, áp dụng đối với các trường hợp giấy phép kinh doanh xăng dầu đã hết hạn gần một năm nhưng vẫn kinh doanh bình thường.
Đồng thời, đề xuất UBND TP chỉ đạo cơ quan thuế xem xét việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với một doanh nghiệp trong nhóm 11 doanh nghiệp nằm trong danh sách xem xét xử lý vi phạm trong đợt này.
Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hà yêu cầu các cơ quan chức năng bàn thảo và đề xuất ngay tại cuộc họp hình thức xử lý nghiêm khắc hơn so với những gì được Sở Khoa học - công nghệ TP đề xuất. Ông Huỳnh Khánh Hiệp, phó giám đốc Sở Công thương TP, đề xuất xử lý theo quy định tại nghị định 107 (năm 2008) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại.
Theo ông Hiệp, các hành vi công bố bán xăng A92 hoặc A95 nhưng chất lượng được kết luận thấp hơn mức này là hành vi gian lận về chất lượng hàng hóa quy định tại nghị định này. Ngoài phạt tiền (có nhiều mức phạt, tùy theo mức độ và giá trị lượng xăng vi phạm), nghị định 107 còn cho phép áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, theo đó buộc đền bù thiệt hại cho khách hàng, đồng thời tước quyền sử dụng đến 12 tháng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (hoặc tước quyền sử dụng không có thời hạn trên 12 tháng trở lên trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm).
Các quy định này cũng nêu rõ trường hợp không xác định được khách hàng để đền bù thì tịch thu số tiền thu được do gian lận nộp vào ngân sách nhà nước.
Đoàn công tác của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đồng tình nên áp dụng nghị định 107 của Chính phủ để xử lý, đồng thời đồng tình với kết luận của ông Lê Mạnh Hà phải làm nghiêm từ vụ này, cố gắng xử lý nhanh, dứt điểm.
Ông Lê Mạnh Hà “chốt”, trước mắt đối với vụ 11 doanh nghiệp bán xăng không đúng chất lượng quy định đã phát hiện và công bố thì áp dụng phạt tiền mức cao nhất theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, ông Hà nhấn mạnh điều quan trọng hơn là áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải làm nghiêm, cụ thể là phải tước giấy phép trong thời hạn 12 tháng và đền bù thiệt hại cho khách hàng.
Tiếp tục nghiên cứu để xử lý hình sự
Tuy còn một số ý kiến lấn cấn có thể xem các loại xăng có mức chất lượng “không giống ai” như xăng có chỉ số octan 83,4; 83,7; 85... là xăng giả về chất lượng so với xăng A92 hoặc A95, nhưng ý kiến của ông Hà vẫn yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất vận dụng tất cả quy định để từ nay chuyển sang xử lý hình sự nếu phát hiện bán xăng dầu không đúng chất lượng như quy định và giá trị hàng hóa vi phạm được xác định trên 60 triệu đồng.
Ông Hà nói nếu không coi đây là hàng giả về chất lượng thì cái gì mới gọi là hàng giả? Ông cho rằng áp dụng xử lý hình sự mới đảm bảo răn đe hơn và cũng theo ông, đây là việc phải làm chứ không còn dừng ở mức là việc nên làm nữa.
Ông Lê Mạnh Hà yêu cầu Sở Khoa học - công nghệ TP phải lên kế hoạch lấy mẫu xăng dầu ở tất cả các cây xăng tại TP để kiểm tra về chất lượng. Lãnh đạo sở cho biết hiện có máy thử nhanh để kiểm tra chỉ số octan của xăng, có thể cho kết quả ngay lúc kiểm tra và nhiều trường hợp cho kết quả không đạt chất lượng. ông Hà nói rằng đây là dấu hiệu vi phạm và cơ quan thẩm quyền có quyền tiến hành niêm phong lô hàng có dấu hiệu vi phạm này chờ có kết quả kiểm tra chính thức để xử lý.