Để phát triền nền khoa học và công nghệ trong 10 năm tới thì khoa học công nghệ cần phải có một cơ chế đặc biệt hơn, Bộ KH&CN phải không chỉ quản lý về cơ chế, chính sách mà phải được toàn quyền quyết định kể cả vấn đề tự chủ về tài chính.
Đó là ý kiến của các nhà khoa học đưa ra tại Hội nghị “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ” do bộ KH&CN tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội.
Tăng cường quyền hạn
Hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị đều đồng tình với đề án đổi mới của Bộ KH&CN đến năm 2020. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải tăng cường hơn nữa quyền hạn của Bộ KH&CN, đặc biệt là vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.
|
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh Mai Hà) |
GS.TS Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, hiện nguồn vốn đầu tư của nhà nước cho phát triển KH&CN là rất ít, chỉ có khoảng 600 triệu USD. Số tiền đó phân bổ cho các bộ ngành sau đó lại chia cho các tỉnh và trên 1300 cơ sở nghiên cứu của cả nước. Như vậy, nguồn tiền vô tình đã bị xé ra nhỏ lẻ nên không thể thực hiện trọn vẹn và có hiệu quả những chương trình khoa học công nghệ lớn. “Theo tôi, nguồn tiền đầu tư cho phát triển KH&CN phải đưa về chung một đầu mối quản lý duy nhất, cụ thể là đưa về dưới sự quản lý của Bộ KHCN. Tùy theo từng nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách, lĩnh vực mũi nhọn mà Bộ KH&CN sẽ phân bổ phù hợp từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư sự nghiệp nghiên cứu và mua sắm trang thiết bị đồng bộ”. GS Vang nói.
Đồng tình với ý kiến trên, theo trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO Lương Văn Tự, cơ chế tài chính KH&CN của Việt Nam hiện đang tồn tại một nhược điểm là cào bằng, chia đều cho nhau để sống nên không ai sống khỏe. Cần phải có cơ chế tài chính riêng cho Bộ KH&CN, tập trung mọi nguồn vốn và mọi sự quản lý phát triển khoa học công nghệ về bộ KH&CN và Bộ KH&CN chịu trách nhiệm trước những quyết định liên quan đến chính sách, điều tiết nguồn vốn phân bổ.
Tuy nhiên, theo GS.VS Nguyễn Văn Hiệu thì Bộ trưởng Bộ KH&CN không chỉ cần nắm được toàn bộ ngân sách cho khoa học công nghệ mà còn phải huy động được giới khoa học đóng góp ý kiến, xây dựng cơ sở khoa học cho những chương trình kinh tế lớn mà trước nay nhiều khi đã bị bỏ qua. “Theo tôi, đến bây giờ chúng ta vẫn đang thiếu một tổng tư lệnh thật sự trên mặt trận KH&CN, mặc dù về lý thuyết thì đó là Bộ trưởng Bộ KHCN nhưng thực tế thì không phải bởi cho đến nay, Bộ KHCN chưa nắm được hết ngân sách cho khoa học và công nghệ cũng như nhiều vấn đề kinh tế, xã hội lớn của đất nước giới khoa học vẫn chưa được đóng góp ý kiến”. GS Hiệu cho biết
Xã hội hóa đầu tư khoa học công nghệ
Theo đánh giá của các nhà khoa học, để phát triển khoa học công nghệ trong khi nhiều nước phát triển trên thế giới, vốn đầu tư của tư nhân luôn chiếm tỷ trọng cao hơn rất nhiều so với nhà nước. Chẳng hạn như Mỹ vốn đầu tư của tư nhân là trên 63%, Nhật Bản gần 80%, Hàn Quốc trên 75% còn đầu tư cho khoa học công nghệ ở Việt Nam thì 70% là từ vốn nhà nước chỉ có 30% là của tư nhân. Và những lĩnh vực mà nhà nước đầu tư chủ yếu là những lĩnh vực trọng điểm như công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sinh học và tự động hóa.
|
Cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu ở các trường đại học. Ảnh Minh Cường |
Tại sao không huy động được nguồn vốn từ các nơi khác? GS Nguyễn Đăng Vang cho rằng, đó là do thói quen bao cấp dựa vào nhà nước đã tồn tại từ lâu. Nhà nước phải thúc đẩy xã hội hóa việc đầu tư cho KH&CN bằng cách tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp tự đầu tư đổi mới công nghệ từ nhiều nguồn khác nhau trong đó có nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học công nghệ là 10% thu nhập doanh nghiệp. Chỉ tính riêng khu vực doanh nghiệp tư nhân mỗi năm sẽ có 14 tỷ đô la cho phát triển KH&CN. Đây là số tiền rất lớn giúp đổi mới công nghệ một cách mạnh mẽ.
Cũng theo GS Vang, bên cạnh việc cần thiết phải tự nghiên cứu để chủ động công nghệ trong nước, hiện nay Việt Nam đang lãng phí hai nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy nền KH&CN nước nhà. Một là nguồn nhân lực không cần đào tạo đó là hàng triệu nhà khoa học giỏi trên thế giới. Việt Nam chỉ cần áp dụng công nghệ họ đã làm ra hoặc mua bán công nghệ của họ đưa về trong nước.
Qua đó chúng ta cũng đã tiếp cận được với những nhà khoa học giỏi nhất, những công nghệ tiên tiến hiện đại nhất. Hai là, Việt Nam cũng đang bỏ sót 74 ngàn giảng viên của hơn 400 trường đại học và cao đẳng cho nghiên cứu và đặc biệt là quá ít đầu tư cho hơn 2 triệu sinh viên đang theo học. GS Vang phân tích: “Rõ ràng những sinh viên này trong 5 năm tới sẽ trở thành những kỹ sư, cử nhân. Kinh nghiệm từ những nước giàu cho thấy, chính sách KH&CN của họ đều chú ý đến đối tượng sinh viên. Họ sẽ trở thành những nhà khoa học trong tương lai, nếu không thành nhà khoa học thì họ cũng là người những đóng góp công sức rất lớn tại các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân tạo nên sự đổi mới khoa học công nghệ một cách nhanh nhất và toàn diện nhất. Việc đầu tư ít cho nghiên cứu tại các trường đại học theo tôi là cần phải được điều chỉnh lại”.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng về cơ bản Chính phủ đồng tính với báo cáo của bộ trưởng bộ KH&CN về đề án tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ. Sau 10 năm sơ kết trên 6 lĩnh vực phải khẳng định KH&CN đang đi đúng hướng và đã đem lại những kết quả đổi mới cụ thể, quan trọng mặc dù vẫn còn những tồn tại và chưa làm hết.
“Chúng ta khẳng định KH&CN là quốc sách, động lực để phát triển kinh tế xã hội đất nước nhưng cơ chế đặt hàng cho khoa học công nghệ đến nay hầu như chưa có. Ví dụ để phát triển KHCN trong lĩnh vực giao thông thì ai sẽ là người đặt hàng? đó phải là đồng chí bộ trưởng Bộ giao thông chứ không phải là bộ trưởng bộ KH&CN, bộ trưởng bộ KH&CN không thể tự đi đặt hàng cho 20 bộ của cả nước được. Hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng cơ chế nhà khoa học tự đặt hàng, tự nghiên cứu chứ không phải xuất phát từ người sử dụng, người quản lý. Nếu không có cơ chế đặt hàng riêng cho từng bộ ngành thì rõ rang việc nghiên cứu ra không áp dụng, gây lãng phí là điều chắc chắn”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Liên quan đến vấn đề quản lý tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đối với các dự án liên ngành cấp quốc gia, sau khi đã có sự thống nhất giữa các bộ lien quan thì Bộ trưởng Bộ KH&CN chính là người hoặc là quyết định hoặc là trình thủ tướng quyết định. Việc trình Thủ tướng quyết định chỉ đối với những dự án thật lớn còn các dự án liên ngành cấp bộ, khoa học cơ bản, khoa học xã hội thì Bộ trưởng Bộ KH&CN hoàn toàn có quyền quyết định.
Minh Cường- Mai Hà