Viện Công nghệ vũ trụ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức thành công trong tháng 10 vừa qua các chương trình, hoạt động nhằm hưởng ứng Tuần lễ Vũ trụ Quốc tế - World Space Week và tháng phổ biến, tìm hiểu về công nghệ vũ trụ tại Việt Nam.
Tháng phát động và chương trình năm nay đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của các em học sinh khối trung học cơ cở. Chuỗi sự kiện gồm nhiều các hoạt động như phổ biến kiến thức về khoa học và công nghệ vũ trụ tại các Trường THPT, THCS và tiểu học; tổ chức Cuộc thi tên lửa nước với chủ đề “Tuổi trẻ sáng tạo – Tự hào Điện Biên”; phát động Tháng tìm hiểu về công nghệ vũ trụ, tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi liên quan đến công nghệ vũ trụ nhằm thu hút sự chú ý của các bạn trẻ...
Các hoạt động phổ biến kiến thức diễn ra dưới hình thức các buổi nói chuyện về lịch sử chinh phục và khám phá vũ trụ, nguyên lý hoạt động của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu gắn với chủ đề của Tuần lễ Vũ trụ Quốc tế, tổ chức thi thí nghiệm hạt giống trong môi trường không trọng lượng, thi vẽ tranh vũ trụ, thi chế tạo và phóng tên lửa nước.
Thi vẽ tranh và triển lãm tranh vẽ vũ trụ
Bên cạnh đó, các bài nói chuyện về vũ trụ năm nay bao gồm giới thiệu về Hệ Mặt trời, nguyên lý hoạt động của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu. Đây là hoạt động được Viện Công nghệ vũ trụ phối hợp với các bạn sinh viên khoa Vũ trụ và Ứng dụng, trường Đại học Công nghệ thực hiện. Thông qua các buổi phổ biến kiến thức và trao đổi khoa học này, các em đã được trang bị những kiến thức cơ bản về nguyên lý định vị và hoạt động của hệ thống vệ tinh định vị, những thông tin hết sức thú vị về lịch sử hình thành Trái đất và Hệ Mặt trời. Đây là lần đầu tiên đối với các em học sinh và một số giáo viên được tiếp cận đến những thông tin, kiến thức về công nghệ vũ trụ.
Trong cuộc thi chế tạo và phóng tên lửa nước, dưới sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ Viện Công nghệ vũ trụ, các em đã có thể tự chế tạo, điều khiển và phóng tên lửa nước. Đây là mô hình đơn giản nhất của tên lửa đẩy - loại tên lửa dùng để đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Trong quá trình hướng dẫn, các vấn đề về bảo vệ môi trường, tái sử dụng các vật liệu phế thải, và kỹ năng làm việc theo nhóm cũng được chú trọng để học sinh có thể phát triển tư duy thông qua các hoạt động giải trí. Đặc biệt năm nay, có thêm hoạt động thi trang trí tên lửa và thuyết trình đã làm phong phú thêm nội dung và khuyến khích tính sáng tạo và khả năng diễn thuyết trước đám đông của học sinh.
Trong hoạt động thi vẽ tranh về vũ trụ với chủ đề “Vũ trụ là tương lai” – “Space is the future”, tổng cộng đã có hơn 250 bức tranh của học sinh đã gửi đăng ký dự thi. Ban tổ chức đã bình xét và lựa chọn được 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba cùng một số giải Khuyến khích và trao tặng phần thưởng cho các em.
Thông qua các cuộc thi, Viện Công nghệ vũ trụ đã chọn lựa được 5 em học sinh xuất sắc để tham gia cuộc thi tên lửa nước quốc tế, và 3 bức tranh đoạt giải cao nhất chọn gửi đi cuộc thi vẽ tranh vũ trụ quốc tế trong khuôn khổ APRSAF-21 đầu tháng 12/ 2014 tại Nhật Bản.
Tin và ảnh: Minh Châu