Sau 6 năm các tổ chức KHCN của Bộ Công Thương thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115 và Nghị đinh 80 của Thủ tướng Chính phủ, hiệu quả lớn nhất thu được các đơn vị này đã phần nào chủ động được trong các hoạt động của mình, lợi nhuận thu được do đó tăng đáng kể.
Đó là những hiệu quả rõ nét được đề cập tại hội nghị tổng kết “Sáu năm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ (KHCN) thuộc Bộ Công Thương” diễn ra sáng 20/12 tại Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện Bộ có 22 viện nghiên cứu thuộc diện chuyển đổi mô hình theo Nghị định 115 và Nghị định 80, trong đó có 19 viện được phê duyệt đề án hoạt động theo mô hình tổ chức KHCN tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên và 3 đơn vị được phê duyệt đề án hoạt động theo mô hình DN KHCN. Đánh giá về hiệu quả của việc chuyển đổi mô hình này, ông Nguyễn Huy Hoàn – Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ cho biết, việc chuyển đổi này đã giúp tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động, phát huy nguồn lực sáng tạo, tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất của các tổ chức KHCN công lập. Minh chứng rõ ràng là doanh thu từ hoạt động KHCN của nhiều viện đã tăng lên đáng kể, trong đó tỷ lệ doanh thu từ các hợp đồng tư vấn, dịch vụ KHCN, chuyển giao công nghệ từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước đã tăng mạnh, có viện chiếm đến 90%.
Là một đơn vị giành được nhiều thành công tiêu biểu sau quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động, ông Nguyễn Chỉ Sáng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cho biết: Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, viện đã giành được nhiều thành công trong các đề án nghiên cứu khoa học như nội địa hóa thiết bị cơ khí thủy công, cơ khí xi măng. Bên cạnh đó, doanh thu giai đoạn 2002-2011 của viện đã tăng khoảng 30%. Ngoài ra, do bộ máy hoạt động được sắp xếp gọn nhẹ, chủ động trong việc tuyển dụng nhân lực, thuê chuyên gia nước ngoài đã giúp viện chủ động trong các nhiệm vụ được triển khai. Do đó, nếu như thời gian trước, viện phải chủ động liên hệ để tìm cơ hội hợp tác với các tổ chức nước ngoài thì đến nay, các đối tác nước ngoài đã chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với viện. Nhiều DN trong nước như Lilama đã lựa chọn viện là đơn vị tư vấn thiết kế chính cho các công trình đầu tư trọng điểm trong nước.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ mỏ - Vinacomin cho biết thêm: Sau khi chuyển đổi theo Nghị định 115, mặc dù vẫn là một đơn vị sự nghiệp có thu nhưng các hoạt động của viện đã được triển khai mạnh mẽ. Từ năm 2007 đến nay, viện đã triển khai thực hiện hàng loạt các dự án liên doanh liên kết, tổng thầu EPC, thầu khai thác… và đã đạt được những con số ấn tượng như thực hiện trên 100 đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm các cấp; Phối hợp với các đơn vị sản xuất than, khoáng sản trong ngành thực hiện trên 1.000 hợp đồng dịch vụ kỹ thuật chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu đạt gần 3000 tỷ đồng.
Riêng về tình hình thành lập các DN KHCN, hiện Bộ Công Thương đã có 3 viện được chuyển đổi hoạt động theo mô hình DN KHCN là: Công ty TNHH MTV Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá; Công ty TNHH MTV Viện Máy và dụng cụ công nghiệp (IMI); Công ty TNHH MTV Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo… Việc chuyển đổi này sau 6 năm cũng khẳng định những đúng đắn khi đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận. Cụ thể, sau 6 năm thực hiện chuyển đổi, được quyền chủ động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, IMI đã được cấp chứng nhận cho 10 giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp các sản phẩm cơ điện tử; 15 phần mềm ứng dụng và góp phần thiết kế chế tạo thành công trên 100 sản phẩm mới, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất công nghiệp, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho Viện IMI và các đơn vị thành viên mỗi năm…
Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện cơ chế chuyển đổi cho các tổ chức, đơn vị khoa học công nghệ, về lâu dài, còn khá nhiều những khó khăn đang “kìm chân” các tổ chức KHCN này. Cụ thể, ông Sáng cho biết: Các tổ chức KHCN đang phải đối mặt với một số khó khăn, thứ nhất là trong giai đoạn chuyển đổi, do chưa được giao tài sản, đất đai nên không thể thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng cho sản xuất kinh doanh, huy động vốn đầu tư để thực hiện các hợp đồng, dự án kinh tế lớn. Ngoài ra, việc các cơ quan quản lý nhà nước không phân biệt các tổ chức KHCN hoạt động theo Nghị định 115 và các tổ chức KHCN chưa chuyển đổi hoặc không phải chuyển đổi trong việc tham gia đấu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà nước (trong khi đơn vị đã chuyển đổi phải tính chi phí lương trong giá thầu trong khi đơn vị chưa chuyển đổi không phải tính lương vì đã được cấp lương thường xuyên) đã làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các đơn vị KHCN đã chuyển đổi… Những hạn chế này sẽ được nỗ lực khắc phục trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động của các tổ chức KHCN ngành công thương./.