Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Chính sách KH&CN Thứ sáu, 22/11/2024 , 10:38 pm
Cập nhật : 11/03/2015 , 23:03(GMT +7)
Tự chủ là vấn đề sống còn của tổ chức KH&CN công lập
Các tổ chức KH&CN công lập cần quyết tâm thực hiện cơ chế tự chủ (Ảnh: Bảo Chi)
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP với tinh thần đổi mới và giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập, nhiều tổ chức KH&CN đã chuyển đổi thành công, khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ khoa học. Tuy nhiên, cũng còn không ít tổ chức KH&CN công lập chưa thành công, chậm chuyển đổi.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã chia sẻ với phóng viên báo chí xoay quanh vấn đề này tại Hội nghị toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập diễn ra mới đây.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết một số vướng mắc của các tổ chức KH&CN khi thực hiện chuyển đổi theo Nghị định 115?

-Bộ trưởng Nguyễn Quân: Bộ KH&CN phối hợp với Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhằm đánh giá 10 năm thực hiện nghị định 115 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập. Vấn đề tự chủ là vấn đề sống còn với những tổ chức KH&CN khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường. Nếu như chúng ta vẫn bao cấp theo cách trước đây, nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức KH&CN toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên theo biên chế, chắc chắn sự ỷ lại, sự trì trệ rất lớn. Như vậy, chúng ta sẽ không có được những tổ chức KH&CN mạnh. Năm 2005 Chính phủ đã cho các tổ chức KH&CN quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm rất cao. Theo lộ trình tới năm 2009 toàn bộ các tổ chức KH&CN công lập phải chuyển sang cơ chế mới. Tuy nhiên có rất nhiều khó khăn vướng mắc. 

Khó khăn lớn nhất là nhận thức. Chúng ta làm khoa học trong nền kinh tế kế hoạch hóa quá lâu nên khi bước vào nền kinh tế thị trường hầu hết những người làm quản lý trong các tổ chức KH&CN đều cảm thấy bỡ ngỡ và lo sợ. Thứ hai là hệ thống cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều xung đột. Nghị định Chính phủ cho phép tự chủ cao về mặt nhân lực và tài chính, nhưng các văn bản khác kể cả trong một số luật hạn chế quyền tự chủ. Nghị định Chính phủ không thể vượt qua quy định của các luật có liên quan như luật viên chức, luật ngân sách nhà nước, luật thuế. Đồng thời, bản thân tổ chức KH&CN trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế tự chủ thì cũng không vượt qua được mặc cảm về tâm lý, cũng như không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ hệ thống quản lý nhà nước. Vì thế cho đến thời điểm này vẫn còn khoảng ¼ tổ chức KH&CN chưa được phê duyệt đề án chuyển đổi. Tôi mong hệ thống truyền thông hỗ trợ cho công tác này làm sao để những người làm quản lý ở các tổ chức KH&CN và những người làm quản lý ở các bộ, ngành hiểu rõ bản chất, hiệu quả, tác dụng của cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và đối với các đơn vị KH&CN nói riêng để có những hành động thực tế, hỗ trợ cho việc chuyển đổi của các đơn vị sự nghiệp công. Đồng thời mong doanh nghiệp và xã hội quan tâm đến đầu tư, phát triển KH&CN để các tổ chức KH&CN công lập có đủ tiềm lực, đủ năng lực vượt qua khó khăn của cơ chế cũ và họ thực sự bước vào kinh tế thị trường với cơ chế tự chủ của họ. 

PV: Vậy qua Hội nghị này Bộ KH&CN có dự kiến như thế nào để đề xuất với Quốc hội thay đổi, xây dựng về mặt chính sách pháp luật đảm bảo sự đồng bộ?

-Năm 2014 Quốc hội đã thông qua Luật KH&CN sửa đổi với rất nhiều nội dung đổi mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng luật pháp, chúng tôi mong Quốc hội quan tâm rà soát lại hệ thống luật pháp hiện hành. Khi xây dựng các đạo luật mới, làm sao các quy định mới không phủ quyết những quy định mà chúng ta đã ban hành trong Luật KH&CN. Và nhiều cơ chế chính sách khác về KH&CN chúng tôi mong rằng được thể hiện trong các luật khác như luật ngân sách nhà nước, luật đất đai, luật thuế. Những vấn đề nào liên quan đến KH&CN thì trong các luật đó nên quy định là theo quy định của Luật KH&CN. Có như thế hệ thống pháp luật của chúng ta mới có sự đồng bộ, không có sự chồng chéo, không có sự mâu thuẫn, xung đột, dẫn tới rất khó cho các cơ quan quản lý, hướng dẫn thực hiện các quy định của luật này.

PV: Như theo đề xuất của Bộ Tài chính từ năm 2015 chúng ta sẽ kiên quyết thực hiện cơ chế tự chủ. Nếu tổ chức nào không thực hiện sẽ giải thể hoặc sáp nhập. Vậy, phía Bộ KH&CN đánh giá như thế nào về đề xuất của Bộ Tài chính?

-Đề xuất của Bộ Tài chính cũng là một trong những nội dung của Nghị định 115 trước đây là những đơn vị nào yếu kém không tự chủ được, không thực hiện đúng quy định của Chính phủ sẽ phải sáp nhập hoặc giải thể. Khi đó nảy sinh tình huống một số cán bộ KH&CN ở đơn vị đó có thể ra khỏi hệ thống. Chúng tôi thấy rằng phải có chính sách của Chính phủ đối với những đơn vị giải thể hoặc sáp nhập, phải có cơ chế hỗ trợ cho số cán bộ dư, tìm kiếm được vị trí việc làm ở các tổ chức hoạt động tốt. Điều này mang tính hệ thống, phải có chính sách chung của Chính phủ. Chắc chắn ngân sách nhà nước phải hỗ trợ một khoản lớn để cho cán bộ đi tìm việc mới, cán bộ có thể nghỉ hưu trước tuổi, hoặc cán bộ chuyển sang các tổ chức KH&CN công lập khác để tiếp tục công việc nghiên cứu của mình. Đây là nguồn lực đáng quý của quốc gia. Sở dĩ họ phải ra khỏi hệ thống là vì việc tổ chức của chúng ta có những yếu kém, đó không phải là lỗi của người làm khoa học. Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm việc làm, bảo đảm cho hoạt động KH&CN của họ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về hiệu quả chuyển đổi của các tổ chức KH&CN công lập trong 10 năm qua?

-Mặc dù chưa phải là 100% các tổ chức KH&CN thực hiện thành công chuyển đổi nhưng một số tổ chức KH&CN khi chuyển đổi có tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ví dụ, khi chuyển sang cơ chế tự chủ, các viện nghiên cứu của Bộ Công thương đã phát huy tác dụng. Ngân sách nhà nước dành cho họ được thực hiện thông qua việc cấp theo nhiệm vụ chứ không phải đầu biên chế. Với nguồn ngân sách hỗ trợ thông qua nhiệm vụ, nhiều tổ chức KH&CN thông qua tuyển chọn, đấu thầu các dự án lớn đã dành được nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước rất lớn. Đồng thời họ thu hút được nguồn đầu tư của xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp thông qua đặt hàng doanh nghiệp để phát triển hoạt động của họ. Ví dụ Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện máy và dụng cụ công nghiệp, Viện nghiên cứu mỏ trong những năm qua tổng thu nhập của họ đối với hoạt động KH&CN rất lớn, đem lại thu nhập rất cao cho cán bộ khoa học trong các đơn vị này. Song hành với đó, họ rất thành công trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, thành lập các đơn vị nghiên cứu phát triển cũng như các doanh nghiệp KH&CN xuất phát từ các đề tài nghiên cứu. Đây là những điển hình chúng ta có thể nhân rộng mô hình của các viện nghiên cứu đã thành công trong quá trình chuyển đổi để có hiệu quả cao hơn, sử dụng ngân sách có thể ít hơn, nhưng thu hút nguồn đầu tư xã hội lớn hơn. Đồng thời đóng góp trong sản phẩm nghiên cứu cho phát triển kinh tế xã hội lớn hơn.  

Bảo Chi (lược ghi)

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner