Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, từ ngày 31/3 đoàn kiểm tra liên ngành bắt đầu kiểm tra hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản để kiểm soát nhiễm bẩn phóng xạ.
Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân ông Lại Tiến Thịnh, ông Vũ Hà chuyên viên Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật An toàn bức xạ ứng phó sự cố; ông Nguyễn Công Dân, Phó Cục trưởng Cục Thú y; ông Đoàn Thành Lũy, Giám đốc; ông Ngô Văn Bắc, Phó Giám đốc Cơ quan Thú y vùng II. Đoàn đã tiến hành đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ Cs-137 và I-131 của 19 mẫu thủy sản nhập từ Nhật Bản của 4 doanh nghiệp, bao gồm Công ty CPTM Vikotra, Công ty TNHH Tuấn Việt, Công ty CPTM Trung Sơn Hưng Yên, Công ty CP Khai thác dịch vụ thủy sản Hạ Long.
Hiện nay đã có kết quả đo, nhưng để có kết luận cuối cùng về các lô hàng thủy sản cần có giá trị tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế và kết quả đo mẫu cá đối chứng của Việt Nam. Bộ KH&CN cho biết, thông tin tiếp theo về kết quả đo sẽ sớm được thông báo.
Trong bản tin chiều tối ngày 31/3 cũng công bố số liệu đo phóng xạ và phông bức xạ gamma trong không khí tại Việt Nam. Cụ thể, số liệu đo phóng xạ của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, kết quả kiểm xạ môi trường tại Trạm quan trắc Đà Lạt
(30-31/3/2011) cho thấy, trong sol khí, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7 có nguồn gốc từ tia vũ trụ, K-40, Th-232 và U-238 có nguồn gốc từ bụi đất; còn ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131 với chu kỳ bán rã 8,02 ngày, ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Kết quả kiểm xạ môi trường tại Trạm quan trắc tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Mmu sol khí, vị trí Lạng Sơn) và số liệu của Trung tâm ứng phó sự cố - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tại Hà Nội cũng cho thấy suất liều phông bức xạ môi trường có giá trị trung bình ở mức giới hạn cho phép.
Từ số liệu đo được và sai số của giá trị đo, ta có thể kết luận chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 31/3/2011 so với ngày 30/3/2011.
Minh Châu