Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 10:21 am
Cập nhật : 01/10/2013 , 10:10(GMT +7)
Truyền thông KH&CN cần đột phá về chất và lượng
Tuần lễ Truyền thông KHCN nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi đối tượng đối với hoạt động KHCN
Truyền thông có sức mạnh đặc biệt trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có KH&CN. Không chỉ cung cấp thông tin về những thành tựu KH&CN mới, truyền thông còn có vai trò định hướng dư luận và đưa các cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước đến với công chúng. Và để thông tin KH&CN đến được với người dân rất cần sự đột phá cả về chất và lượng.

Chú trọng công tác truyền thông KH&CN

KH&CN được Đảng và Nhà nước xác định là “quốc sách hàng đầu” trong chiến lược phát triển của nước ta. Hoạt động truyền thông KH&CN vì vậy cũng được quan tâm và chú trọng đầu tư, là một trong sáu giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.

Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng tới công tác truyền thông KH&CN. Nhằm nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về khoa học và công nghệ, bắt đầu từ năm 2012, định kỳ hàng năm Bộ KH&CN tổ chức “Giải thưởng Báo chí về khoa học và công nghệ”. Qua giải thưởng này nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác dụng của KH&CN trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông về KH&CN. Bên cạnh đó, giải thưởng cũng là cơ hội để chia sẻ một số kinh nghiệm thành công của nhà báo trong việc tuyên truyền về khoa học và công nghệ. Việc duy trì Giải thưởng báo chí về KH&CN nhằm ghi nhận, tôn vinh những người làm công tác truyền thông KH&CN.

Tuần lễ Truyền thông KH&CN năm 2013 lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 26-27/9/2013 nằm trong chủ trương tăng cường công tác tuyên truyền, đưa thông tin mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội hiểu rõ tầm quan trọng đặc biệt của KH&CN nói chung và truyền thông KH&CN nói riêng trong phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo, các giảng viên, sinh viên báo chí đối với hoạt động KH&CN và công tác truyền thông KH&CN…

Thời gian qua, hoạt động truyền thông KH&CN đã có những chuyển biến lớn. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã có sự đóng góp đáng kể trong công tác chuyển tải thông tin về hoạt động KH&CN đến với công chúng. Nội dung các tin, bài về KH&CN được đăng tải kịp thời, thông tin da dạng, phong phú, dễ hiểu. Các bài viết về chính sách KH&CN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng, năng lượng nguyên tử, công nghệ cao, KH&CN địa phương… đã có những phản hồi tích cực từ phía công chúng. Đặc biệt, đã có nhiều bài viết về các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN hoạt động hiệu quả, mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Quan tâm, đầu tư, tạo nguồn lực cho truyền thông KH&CN

Mặc dù hoạt động truyền thông KH&CN đã có vai trò và kết quả nhất định song vẫn chưa đáp ứng được thực tiễn nhu cầu phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn vượt khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, xu thế toàn cầu hóa cũng như để đáp ứng mục tiêu đưa nước ta vào năm 2020 trở thành nước công nghiệp cơ bản theo hướng hiện đại.

Phó Tổng biên tập báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc cho rằng, thông tin KH&CN trên một số báo còn nghèo nàn, chủ yếu dừng ở mức phổ biến kiến thức, cơ chế chính sách. Một số báo thì săm soi vào các vụ tiêu cực để câu khách hơn là động viên, suy tôn những thành tựu KH&CN ứng dụng thiết thực vào đời sống. Hình thức thông tin chưa phong phú, chưa có cách viết gần gũi, dung dị, để người dân bình thường nhất cũng hiểu được mà thiên về tính học thuật, hàn lâm. Bên cạnh đó, tính phản biện của thông tin KH&CN trên báo chí còn khá hạn chế. Trong khi đây chính là những điểm nóng, rất cần các nhà khoa học lên tiếng.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, báo chí còn nhiều khiếm khuyết khi truyền thông về lĩnh vực KH&CN. Hoạt động KH&CN có nhiều lĩnh vực chưa được báo chí phản ánh hết, có một số trường hợp phản ánh chưa chính xác, thấu đáo.

Là nhà quản lý đứng đầu ngành KH&CN, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chia sẻ, công tác truyền thông KH&CN là lĩnh vực chuyên sâu, chuyên môn hóa cao. Trong khi đó, những người làm công tác truyền thông lại chưa am hiểu sâu về KH&CN, người làm khoa học hiểu rõ về chuyên môn nhưng không có nghiệp vụ truyền thông. Cùng với đó nguồn lực cho hoạt động truyền thông KH&CN đang rất yếu và thiếu; sự quan tâm của các cấp, kể cả cấp quản lý đến người dân về KH&CN cũng như truyền thông KH&CN còn hạn chế…

Với vai trò tích cực và với tốc độ phát triển nhanh như thời gian qua, truyền thông Việt Nam cũng bộc lộ một số khiếm khuyết do thiếu nguồn nhân lực làm việc theo đúng yêu cầu của truyền thông và PR, tức là cần tính chuyên nghiệp từ nhận thức, hiểu biết đến kỹ năng làm việc. Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, để hoạt động truyền thông KH&CN hiệu quả hơn, nhà nước cần quan tâm đầu tư, tạo ra nguồn lực nhất định cho truyền thông.

“Để thông tin KH&CN được đăng tải trên báo chí được đổi mới một cách căn bản, tạo ra sự đột phá cả về chất lẫn lượng rất cần sự cộng tác, bắt tay vào cuộc của cả “ba nhà”: nhà quản lý – nhà khoa học – nhà báo”, nhà báo Nguyễn Đình Chúc bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Đức Lợi cần phải xây dựng một đội ngũ làm báo chuyên ngành, được trang bị đầy đủ kiến thức báo chí cũng như kiến thức chuyên sâu về KH&CN. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan đào tạo, quản lý báo chí nhưng cũng rất cần sự phối hợp với ngành KH&CN và các cơ quan liên quan.

Bài, ảnh: Mai Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner