Chỉ khi nào xã hội nhận thức khoa học là một phần của văn hóa, nó đến tự nhiên như những hoạt động xã hội hằng ngày thì khi đó, khoa học mới thực sự đi vào cuộc sống, đó là quan điểm của hoạt động truyền thông KH&CN Pháp.
Đây là những ghi nhận từ chuyến học tập nghiên cứu hoạt động truyền thông KH&CN của đoàn công tác truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN Việt Nam tại Cộng hòa Pháp từ ngày 16/9 đến ngày 27/9/2014.
Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục, Đại học và Nghiên cứu Pháp; Viện Hàn lâm Khoa học Pháp; Viện Hàn lâm Công nghệ Pháp; Thành phố khoa học; Viện Nghiên cứu và phát triển Pháp...
Tại các buổi làm việc, TS. Trần Quang Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN, Trưởng đoàn công tác đã có bài giới thiệu về hoạt động truyền thông KH&CN tại Việt Nam cũng như những định hướng phát triển sắp tới, đồng thời giải đáp các vấn đề liên quan đến hoạt động truyền thông KH&CN tại Việt Nam được các đối tác tại Pháp quan tâm.
Ông Dominique Chaton, Vụ trưởng, phụ trách quan hệ châu Á- quốc tế và hợp tác, Bộ Bộ Giáo dục, Đại học và Nghiên cứu Pháp cho biết, ông rất ấn tượng với những gì mà Việt Nam đã và đang đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang nổi lên như một hiện tượng của sự năng động, sáng tạo, dám bứt phá và đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Để đạt được điều này, ông Dominique Chaton cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của KH&CN mà trong đó có sự quan tâm, đầu tư đến lĩnh vực này của chính phủ Việt Nam.
Chia sẻ về hoạt động truyền thông KH&CN của Chính phủ Pháp dưới góc độ quản lý vĩ mô, ông Dominique Chaton cho biết, hoạt động truyền thông KH&CN của Pháp đặc biệt chú trọng gắn khoa học với văn hóa xã hội. Với quan điểm, chỉ khi nào xã hội nhận thức khoa học là một phần của văn hóa, nó đến tự nhiên như những hoạt động xã hội hằng ngày thì khi đó, khoa học mới thực sự đi vào cuộc sống, chính vì vậy, rất dễ nhận thấy mô hình trao đổi giữa các nhà khoa học hàn lâm với giới trẻ, công chúng thông quan hoạt động hội thảo, gặp gỡ, giao lưu…
Và thực hành trực tiếp.
Tại Pháp, Ngày KH&CN được tổ chức đều đặn vào đầu tháng 10 hằng năm. Tại ngày hội khoa học này, các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, hội thảo, trình diễn công nghệ… diễn ra sôi nổi trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, mỗi đơn vị nghiên cứu, đào tạo về KH&CN có những chủ để, hoạt động đặc trưng của mình. Ví dụ như với Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, sẽ tổ chức gặp gỡ các em học sinh từ 16- 18 tuổi đam mê khoa học với các viện sĩ hàn lâm nổi tiếng của Pháp. Để tham gia cuộc gặp gỡ này, các em phải trải đăng ký và được tuyển chọn từ cấp địa phương, sau đó qua vòng tuyển chọn cấp quốc gia để lựa chọn được khoảng 100 em. Qua cuộc trò chuyện này, các em được những nhà khoa học thành danh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, truyền lửa đam mê khoa học cũng như những khát vọng hoài bão trên con đường nghiên cứu trong tương lai…
Với Viện Hàn lâm Công nghệ Pháp, đơn vị này lại tổ chức Diễn đàn KH&CN giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học; Gặp gỡ tài năng trẻ KH&CN…
Cũng giống như các quốc gia đã phát triển, với nhiệm vụ lồng ghép KH&CN vào cuộc sống, Chính phủ Pháp cũng đã đầu tư xây dựng một thành phố khoa học nhằm đưa khoa học gần gũi với công chúng, đặc biệt là giới trẻ thông qua các triễn lãm, chương trình chuyên đề, hội thảo, mô hình trực quan sinh động…
Qua tìm hiểu, đoàn công tác nhận thấy, hoạt động truyền thông KH&CN tại Pháp nhìn chung cũng có những đặc điểm chung của hoạt động truyền thông nói chung và hoạt động truyền thông KH&CN nói riêng. Đó là các đơn vị từ quản lý đến nghiên cứu đều có website riêng để quảng bá, tuyên truyền về hoạt động của mình; ra các ấn phẩm liên quan; sản xuất hoặc phối hợp sản xuất các sản phẩm phát thanh, truyền hình về hoạt động KH&CN; liên kết với các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí để đăng tải thông tin KH&CN, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng…
Tuy nhiên, điểm khác biệt đáng ghi nhận của hoạt động truyền thông KH&CN Pháp đó là hầu hết các hoạt động này đều được Chính phủ tài trợ và là hoạt động phi lợi nhuận. Tất cả các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông đều được phát hành miễn phí đến tận người dân theo số lượng đăng ký.
Ông Dominique Chaton, Vụ trưởng, phụ trách quan hệ châu Á- quốc tế và hợp tác, Bộ Bộ Giáo dục, Đại học và Nghiên cứu Pháp chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác truyền thông KH&CN, Bộ KH&CN Việt Nam
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông KH&CN Pháp cũng có sự phân chia đối tượng truyền thông rất rõ ràng, đặc biệt là đối tượng nhà quản lý- người có ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra những quyết sách liên quan đến hoạt động KH&CN. Điều này dễ nhận thấy là tất cả các đơn vị mà đoàn đến làm việc đều có ấn phẩm và kênh phát hành riêng dành cho các nhà quản lý. Các ấn phẩm này cập nhật tình hình hoạt động KH&CN của đơn vị cũng như những khó khăn, vướng mắc mà đơn vị cần giải quyết. Không những vậy, các đơn vị này còn thường xuyên định kỳ tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi cũng như những chuyến làm việc, khảo sát giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này, các bên hiểu rõ hơn về công việc của nhau, từ đó giúp những định hướng, chính sách về KH&CN bám sát hơn với thực tiễn cuộc sống.
Chuyến công tác cũng ghi nhận sự hợp tác và sẵn lòng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động truyền thông KH&CN giữa hai nước. Một số đơn vị như Viện Hàn lâm Công nghệ Pháp, Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp cho biết, trước mắt, sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam để tìm hiểu, chia sẽ kinh nghiệm hoạt động truyền thông KH&CN. Về lâu dài, hai bên sẽ có hoạt động trao đổi chuyên gia, cùng hợp tác nghiên cứu một số hoạt động truyền thông KH&CN mà hai bên cùng quan tâm.
Tin và ảnh: Lê Hạnh-Mai Hà