Chính phủ Trung Quốc mới đây thực hiện chương trình “1.000 nhân tài”, cung cấp nhiều ưu đãi cho trí thức gốc Trung Quốc, đặc biệt là các giáo sư định cư ở nước ngoài để họ về nước làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian.
GS kỹ thuật điện Li Weiping công tác tại ĐH Lehigh (Mỹ) mới đây về nước làm trưởng khoa Khoa học thông tin của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. Ông được nhà trường ưu đãi tặng cho 1 căn nhà có diện tích 185,8 m2 mét vuông và gần 150.000 USD tiền đền bù tái định cư không phải nộp thuế.
Mục tiêu của Trung Quốc là đẩy mạnh cải tiến khoa học và công nghệ, lĩnh vực mà nước này đang tụt hậu dù kinh tế Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để đứng vị trí lớn thứ 2 trên thế giới.
Các nhà khoa học trở về nước được cung cấp cơ hội lập phòng thí nghiệm riêng, làm trưởng khoa ở các trường đại học và đảm nhiệm những chức vụ cao trong lĩnh vực học thuật và kinh doanh. Hai người trở về từ châu Âu đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ. “Về cơ bản, họ làm mọi thứ có thể. Họ cho bạn phòng thí nghiệm. Họ khiến bạn cảm thấy rằng mình giống như một vị anh hùng dân tộc”, Vivek Wadhwa công tác tại một số trường đại học của Mỹ nói.
Trung Quốc đã kiên nhẫn đợi hàng thập kỷ để một số nhà khoa học sáng giá nhất về nước. Nước này vẫn chưa thể cung cấp cho họ các cơ sở nghiên cứu chất lượng cao, tài trợ hợp lý, môi trường nghiên cứu hấp dẫn. Tuy nhiên, trong những năm qua, chính phủ đã đầu tư mạnh vào cơ hạ tầng, xây khuôn viên và công viên khoa học, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ nano, máy tính và dược phẩm. Mục tiêu của chính phủ là biến các phát hiện mới thành các sản phẩm cụ thể càng sớm càng tốt.
(Aolnews, Đất Việt)