Sáng 18/7/2017, tại Hà Nội ông Katsuyuki Kawai- Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản đã đến thăm và làm việc với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - VNSC (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Tại buổi làm việc, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc VNSC đã thông tin tới ông Katsuyuki Kawai về tình hình hoạt động cũng như kế hoạch phát triển từ nay đến năm 2022 của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Mở đầu phần thảo luận, PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho biết: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được xây dựng phục vụ cả 4 lĩnh vực công nghệ vệ tinh, ứng dụng khoa học vũ trụ và đào tạo nguồn nhân lực với 4 cơ sở hạ tầng tại Hòa Lạc, Hà Nội, TP.HCM và Nha Trang. Trong năm 2017, việc xây dựng và các công tác chuẩn bị cho Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đi vào hoạt động đều được triển khai theo đúng tiến độ và kế hoạch.
Để khai thác và vận hành Dự án này, hiện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã và đang gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực bằng cách phối hợp với một số trường đại học trong và ngoài nước, đặc biệt là Nhật Bản để đào tạo các kỹ sư trẻ về công nghệ vũ trụ.
Hiện Việt Nam đã và đang từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ vũ trụ nói chung và công nghệ vệ tinh nói riêng. Cụ thể, năm 2013 Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên PicoDragon, tiếp đến là vệ tinh MicroDragon khối lượng 50kg cũng đang được các kỹ sư trẻ nghiên cứu và sắp phóng lên quỹ đạo vào năm 2018 bằng tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn Epsilon.
Toàn cảnh buổi làm việc
Ngoài các vệ tinh nói trên, một dự án vệ tinh NanoDragon khác cũng đang được triển khai trong vòng 3 năm tới (2017 – 2019) với nhiệm vụ chính là xác định vị trí tàu biển ứng dụng hệ thống tự động nhận diện tàu thủy AIS.
Nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý tài nguyên, môi trường, phục vụ cảnh báo sớm thiên tai, biến đổi khí hậu, theo dõi sự di chuyển của cá, phục vụ đánh bắt xa bờ.v.v… Việt Nam sẽ phóng vệ tinh radar LOTUSat-1 vào năm 2020, LOTUSat-2 vào năm 2023.
“Tháng 8/2017, VNSC sẽ ký hợp đồng chế tạo và phóng vệ tinh quan sát trái đất LOTUS Sat 1 thuộc Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam với nhà thầu Nhật Bản. Hiện các công việc chuẩn bị cho việc ký kết đã được hoàn tất”, Ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra tại buổi làm việc, các thông tin về Đài thiên văn Nha Trang sẽ đi vào hoạt động từ tháng 8/2017; Dự án Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc hoạt động vào cuối năm 2018 cùng nhiều thông tin quan trọng khác liên quan đến việc hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ cũng được PGS.TS Phạm Anh Tuấn thông báo tới ông Katsuyuki Kawai một cách đầy đủ, chi tiết.
Thời gian qua, Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, tuy nhiên nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, PGS.TS Phạm Anh Tuấn đã bày tỏ mong muốn hai nước sẽ tiến tới ký kết một hiệp đinh khung về hợp tác công nghệ vũ trụ tầm quốc gia.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Katsuyuki Kawai bày tỏ sự vui mừng khi được trở lại thăm Trung tâm vũ trụ Việt Nam, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ luôn ủng hộ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam một cách toàn diện, sâu sắc đặc biệt là trong lĩnh vực vũ trụ.
“Hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam hiện nay trên rất nhiều lĩnh vực, phạm vi rộng bao gồm quan hệ hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, an ninh quốc phòng v.v.v… Trong đó đặc biệt là hai nước có hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, đây là hợp tác về công nghệ tiên tiến, hiện đại. Có được sự hợp tác này là do Nhật Bản và Việt Nam có mối quan hệ hết sức tốt đẹp chưa từng có từ trước đến nay”. Ông Katsuyuki Kawai- Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản khẳng định.
Tin, ảnh: PV