Tại Việt Nam, công nghệ bức xạ đã được ứng dụng hiệu quả và có triển vọng phát triển trong nhiều lĩnh vực... Nhiều tổ chức, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và hải quan đã khai thác hiệu quả và an toàn các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ứng dụng công nghệ bức xạ, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ứng dụng NLNT trong phát triển kinh tế - xã hội
Ở nhiều quốc gia, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) có vai trò quan trọng và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội trên cả hai lĩnh vực ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ (ứng dụng phi năng lượng) và điện hạt nhân (ứng dụng năng lượng). Tại Hoa Kỳ, đóng góp của ứng dụng NLNT vào giá trị kinh tế xã hội đạt mức 2% GDP, đạt giá trị 158 tỷ USD vào năm 1997, trong đó đóng góp của các ứng dụng phi năng lượng chiếm 75% và của điện hạt nhân chiếm 25%.
Ở Việt Nam, Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Chiến lược) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐTTg ngày 03/01/2006 với mục tiêu chung là từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp, công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ của Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24/06/2010). Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể, các Bộ, ngành đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực Y tế, Công nghiệp, Nông nghiệp, Tài nguyên và môi trường đến năm 2020.
Trên thế giới, công nghệ bức xạ đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp trong hơn 50 năm qua. Nhờ các đặc trưng của năng lượng ion hóa, công nghệ bức xạ đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hằng ngày bằng nhiều sản phẩm được tạo ra từ công nghệ này, từ lĩnh vực thực phẩm, may mặc, nhà cửa cho đến các phương tiện vận tải, truyền thông cũng như các trang thiết bị chẩn đoán và điều trị bệnh. Đặc trưng của năng lượng ion hóa được xem như công nghệ then chốt trong việc giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật cho sự phát triển một nền công nghiệp hiện đại, do đó việc nghiên cứu công nghệ bức xạ đang được đẩy mạnh trên thế giới. Công nghệ bức xạ tiên tiến ngày càng được các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển và đã đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được phát triển và ứng dụng hiệu quả như kỹ thuật chụp hình kết hợp PET/CT, SPECT/CT, kỹ thuật xạ hình bằng chùm neutron, proton, ion nặng, công nghệ sản xuất các dược chất phóng xạ mới; kỹ thuật soi chiếu gamma ngay trong vận hành; hệ thống soi chiếu container,…
Tại Việt Nam, công nghệ bức xạ đã được ứng dụng hiệu quả và có triển vọng phát triển trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội như y tế (điện quang, y học hạt nhân và xạ trị), công nghệ bức xạ (chiếu xạ khử trùng, kiểm dịch hoa quả và thủy hải sản xuất khẩu; soi chiếu hệ thống, chiếu xạ công nghiệp; xử lý bức xạ biến tính vật liệu), soi chiếu container trong an ninh hải quan, ... Nhiều tổ chức, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và hải quan đã khai thác hiệu quả và an toàn các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ứng dụng công nghệ bức xạ, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tiềm năng và triển vọng
TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho biết, thời gian qua, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ trong phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả, đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị bệnh bằng các trang thiết bị và kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ bức xạ trong chiếu xạ và xử lý bức xạ, soi chiếu an ninh hải quan.
Trong y tế, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được sử dụng chủ yếu ở ba lĩnh vực là y học hạt nhân, xạ trị và điện quang. Nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam như điều trị ung thư tế bào gan bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ, kỹ thuật điều trị miễn dịch phóng xạ bằng kháng thể đơn dòng Rituzumab gắn I-131,…
Sự tiến bộ của khoa học và công nghệ mà đặc biệt là công nghệ gia tốc đã giúp cho phương pháp xạ trị đạt được hiệu quả và có nhiều ưu thế trong trị liệu ung thư. Năm 2000, tại Bệnh viện K, thiết bị gia tốc xạ trị LINAC hiện đại đầu tiên của Việt Nam được lắp đặt và đưa vào phục vụ công tác điều trị bệnh ung thư. Sau hơn 17 năm, ngoài các thiết bị chẩn đoán, hỗ trợ chuyên môn, hiện nay đã có khoảng trên 40 máy gia tốc LINAC được trang bị ở các đơn vị bệnh viện ung bướu phân bố ở cả ba miền trên cả nước, trong đó chủ yếu tập trung ở các bệnh viện ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lĩnh vực điện quang, công nghệ bức xạ tiên tiến được ứng dụng trong các thiết bị chẩn đoán hiện đại như CT, MRI. Các thiết bị điện quang chẩn đoán hiện đại còn là thiết bị không thể thiếu sử dụng trong phương pháp xạ trị ung thư dưới hướng dẫn ảnh (IGRT) nhằm đem lại hiệu quả xạ trị, tiêu diệt chính xác khối u và bảo toàn phần lớn số lượng các mô lành xung quanh.
Theo thống kê, tổng nhu cầu dược chất phóng xạ trong y tế của Việt Nam hiện nay gần 1400Ci/năm, trong đó Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cung cấp gần 400Ci/năm, sản xuất trên các máy cyclotron khoảng 250Ci/năm (tổng lượng cung cấp từ các cơ sở sản xuất trong nước đạt gần 50% nhu cầu, đáp ứng được mục tiêu đề ra trong Quy hoạch chi tiết về ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế); phần còn lại khoảng 750Ci/năm chủ yếu do các doanh nghiệp cung cấp từ nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tham quan hệ thống xạ trị gia tốc đa mức năng lượng Infinity thế hệ mới của hãng Elekta (Anh Quốc) có bộ chuẩn trực 160 lá tại Bệnh viện K (Tháng 6/2017)
Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ cũng được triển khai trong các lĩnh vực soi chiếu hệ thống công nghiệp; chiếu xạ thủy hải sản và nông sản, đặc biệt là hoa quả phục vụ xuất khẩu; khử trùng dụng cụ y tế; chế tạo các vật liệu nhờ xử lý bức xạ. Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã hoàn thành việc nâng cấp dây chuyền công nghệ chiếu xạ công suất 300 tấn quả/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu chiếu xạ thực phẩm, nông sản phía Bắc. Doanh thu từ chiếu xạ ở quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu đối với các mặt hàng hoa quả, thủy sản, hải sản… vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc…đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm...
Hay như Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (Vinagamma), Viện Nghiên cứu hạt nhân đã triển khai nhiều công việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ đã tạo ra được các chế phẩm dùng trong nông nghiệp trong đó có chất kích kháng bệnh thực vật, chất giữ nước giúp điều hòa độ ẩm đất và tăng hiệu suất sử dụng phân bón, chế phẩm kích thích tăng trưởng thực vật.
Hiện cả nước có 9 máy chiếu xạ ở quy mô công nghiệp, chủ yếu là do các doanh nghiệp đầu tư, đang hoạt động và đem lại giá trị kinh tế cao cho xuất khẩu thủy hải sản. Ngành hải quan đã chú trọng đầu tư và khai thác hiệu quả 11 hệ thống máy soi container hiện đại sử dụng máy gia tốc tia X tại 5 Cục Hải quan địa phương, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc đẩy nhanh thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, giảm thiểu các nguy cơ về buôn lậu, trốn thuế hoặc vận chuyển ma túy, vũ khí, chất phóng xạ...
Bà Maria Helena de Oliveira Sampa, Chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá cao những kết quả đã đạt được của cộng đồng ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến tại Việt Nam, một lĩnh vực có nhiều triển vọng phát triển. IAEA sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và các nước thành viên phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến.
Có thể nói rằng, thời gian qua, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ tại Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu và kết quả. Ý kiến của nhiều chuyên gia đều khẳng định rằng, đây là lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, cần có sự hợp tác liên ngành. Do đó, thời gian tới cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở nghiên cứu và các doanh nghiệp, hợp tác giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế để thúc đẩy ứng dụng công nghệ bức xạ cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt là ở các bệnh viện và cơ sở ứng dụng nhiều thiết bị công nghệ bức xạ tiên tiến, hiện đại.
Trong thời gian tới, vai trò và đóng góp của khoa học công nghệ hạt nhân nói chung và công nghệ bức xạ cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa để phát huy tiềm năng và có đóng góp trực tiếp, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bài, ảnh: Lê Hà