Làm thế nào để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp? Đây là chủ đề chính tại Hội thảo “Đổi mới/sáng tạo của doanh nghiệp, bài học từ sự liên kết giữa đại học, viện và Rạng Đông” do Tạp chí Tia Sáng (Bộ KH&CN) và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội
Phát huy thế mạnh nhờ liên kết
Theo đánh giá của các nhà khoa học tại hội thảo, mặc dù nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp đã chủ động hợp tác với nhau trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Lí giải về điều này, GS. TS. Nguyễn Trọng Giảng, hiệu trưởng trường đại học bách khoa Hà Nội cho rằng, các nhà khoa học thường không giỏi nắm bắt nhu cầu của thị trường nên các sản phẩm nghiên cứu có thể hiệu quả về mặt kỹ thuật, nhưng thị trường không chấp nhận vì chưa đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế. Trong khi các doanh nghiệp làm rất tốt việc này nhưng lại thiếu dây chuyền công nghệ đủ sức cạnh tranh với thị trường. Do đó, mối liên kết giữa nhà khoa học- viện/trường -doanh nghiệp là cần thiết để phát huy thế mạnh của mỗi bên. “Mối liên hệ này phải có sự gắn kết, hỗ trợ nhau. Bởi nếu chỉ có doanh nghiệp tìm đến nhà khoa học mà nhà khoa học không chủ động tìm đến doanh nghiệp thì đôi khi sẽ không có những sản phẩm nghiên cứu cho mình”, giáo sư nói.
Tuy nhiên, để mối liên kết ấy phát triển theo chiều hướng có lợi cho các bên thì PGS. TS Đỗ Xuân Thành, giám đốc khoa học trung tâm R&D Rạng Đông cho rằng có 5 yếu tố cốt lõi quyết định thành công trong liên kết này. Đó là vai trò của người đứng đầu và cách thức xây dựng lòng tin giữa hai phía, có phương pháp để mối liên kết phát triển hiệu quả; Phải tri thức hóa đội ngũ công nhân, thực tiễn hóa đội ngũ tri thức; Xây dựng mô hình liên kết hợp lý, linh hoạt, mềm dẻo, lấy hiệu quả của đổi mới sáng tạo làm cốt lõi; Cần hài hòa lợi ích của các bên, hướng tới lợi ích lâu dài từ kết quả của đổi mới sáng tạo và cuối cùng là sự quan tâm của các cơ quan quản lý, đưa đổi mới sáng tạo từ viện, trường đi vào thực tiễn, trở thành sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
KH&CN là nền tảng để phát triển bền vững
Nhận thức rõ khoa học kỹ thuật là nhân tố tiên phong cơ sở, nền tảng cho sự phát triển bền vững, từ nhiều năm qua Rạng Đông đã hợp tác với các tổ chức về KH&CN để nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất. Cụ thể, năm 2006 Rạng Đông đã ký hợp tác với Viện KH&CN Việt Nam về nâng cao chất lượng ống phóng điện ứng dụng kỹ thuật điện tử vào trong chiếu sáng; Hợp tác với dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao của chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP); Nghiên cứu nâng cao chất lượng đèn compact công suất cao.
Từ cuối năm 2007, Viện đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu, Viện Tiên Tiến Khoa học và Công nghệ (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã phối hợp đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang ba màu và bột điện tử micro, nano sử dụng để chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact tiết kiệm điện năng”.
|
... Chiếu sáng nhân tạo điều khiển ra hoa cây cúc là một trong những nghiên cứu khoa học kết hợp giữa Viện - trường- Doanh nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Sự thành công từ những dự án hợp tác KH&CN đã phát huy tích cực trong việc đưa nghiên cứu khoa học vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho công ty. Năm 2009 các chuyên gia của phòng thí nghiệm chung của Rạng Đông đã phát triển công nghệ chế tạo thu hồi và tái chế bột huỳnh quang, chỉ riêng với công trình này hàng năm đã tiết kiệm cho công ty hàng chục tỷ đồng.
Ngoài ra, việc chủ động với công nghệ còn giúp cho Rạng Đông nói riêng và các nhà sản xuất trong nước nói chung chiếm ưu thế nhất định trong lĩnh vực này và giá thành sản phẩm cũng vì thế mà giảm đi đáng kể.
Theo GS.VS Đặng Vũ Minh, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có ba yếu tố căn bản dẫn đến sự thành công của Rạng Đông trong vấn đề kết hợp với các trường đại học, các viện nghiên cứu để đưa vào những ứng dụng.
Thứ nhất là lãnh đạo của công ty quan tâm tới ứng dụng KH&CN vào trong sản xuất và hiểu rõ chỉ có KH&CN mới nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ hai là chọn được những nhà khoa học có kinh nghiệm, có trình độ cao để giải quyết vấn đề cụ thể.
Thứ ba là cơ chế tạo điều kiện để cán bộ KH&CN có thể thực hiện ý đồ của mình, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong kỹ thuật; có cơ chế chọn đặt nhiệm vụ cụ thể cho các nhà khoa học; cơ chế đãi ngộ các nhà khoa học có tác dụng động viên cán bộ đem hết tài trí của mình đóng góp cho Công ty.
Sự thành công này là một minh chứng điển hình cho việc đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các công nghệ ứng dụng trong các trường đại học, viện nghiên cứu và việc hình thành nên các đơn vị nghiên cứu liên trường đại học-công nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm có đặc trưng riêng, chất lượng tốt với giá thành cạnh tranh.
Tuy nhiên, con số những doanh nghiệp thành công như Rạng Đông còn tương đối khiêm tốn. Con đường đi từ viện nghiên cứu, trường đại học đến doanh nghiệp vì sao còn nhiều trắc trở?
Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, sự thành công của của mô hình liên kết mà công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đang áp dụng đã phần nào có lời giải cho câu hỏi đó.
Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của công ty, nỗ lực của nhà khoa đã đến với doanh nghiệp bằng tâm huyết và trí tuệ, doanh nghiệp chủ động đến với các nhà khoa học để đặt hàng.
Có thể thấy thành công bước đầu từ sự hợp tác giữa các nhà khoa học ở hai trường đại học lớn và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã phần nào cho thấy triển vọng to lớn của việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật nội sinh vào doanh nghiệp, thay vì nhập khẩu công nghệ, nhập khẩu thiết bị đồng bộ từ nước ngoài.