Chất lượng hồ sơ tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia ngày càng được hoàn thiện, các doanh nghiệp đăng ký tham dự, đạt giải đều là những doanh nghiệp áp dụng thành công các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến, có những đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Đó là đánh giá của bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khi trao đổi về Giải thưởng năm nay so với những năm trước đó.
PV: Năm 2017, có 79 doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện để đề xuất Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng chính phủ tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG). Tính đến nay, đã có hơn 1.700 doanh nghiệp được tặng GTCLQG. Việc tham gia và nhận Giải thưởng đã giúp ích gì cho các DN thời gian qua, thưa bà?
Bà Ngô Thị Ngọc Hà: Các DN khi tham gia Giải thưởng không chỉ được tôn vinh ở cấp nhà nước, mà thiết thực hơn là được sử dụng các tiêu chí của GTCL như một công cụ tự đánh giá để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và cải tiến hoạt động quản lý nói chung và nâng cao năng suất, chất lượng nói riêng.
GTCLQG cung cấp công cụ mô hình tự đánh giá giúp tổ chức, DN hoàn thiện hệ thống quản lý của mình thông qua việc áp dụng, duy trì thành công các mô hình, công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến và thực hành tốt nhất. Vấn đề chất lượng được xem xét trong các hạng mục cụ thể của 7 tiêu chí GTCLQG, thể hiện ở các nội dung như: Thiết lập tầm nhìn, sứ mệnh vững chắc của DN; Xây dựng các chính sách, chiến lược phù hợp; Cam kết phấn đấu vươn tới sự tuyệt hảo về quản lý chất lượng. Đồng thời, chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực, hướng tới xu thế phát huy sự chủ động của người lao động trong việc cải tiến, sáng tạo đồng thời với việc bảo đảm phúc lợi. Mặt khác, tiêu chí của GTCLQG cũng xem xét các nội dung về chất lượng thông qua việc yêu cầu DN chú trọng đến chăm lo khách hàng, dịch vụ và sự thoả mãn của khách hàng…
PV: Việc tổ chức Giải thưởng năm 2017 có gì khác biệt so với những năm trước? Số lượng, chất lượng năm nay so với các năm trước có sự chuyển biến gì không, thưa bà?
- Năm 2017 có 145 DN đăng ký tham dự GTCLQG, sau khi đánh giá, xem xét, Hội đồng sơ tuyển tại các địa phương và Hội đồng Quốc gia đã lựa chọn được 79 DN đủ điều kiện để đề xuất Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ tặng GTCLQG 2017 cho các DN trên, trong đó dự kiến có 59 DN sẽ được tặng Giải Bạc Chất lượng Quốc gia, 20 DN sẽ được tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia.
Những năm gần đây càng có nhiều DN lớn, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước tham dự và đạt giải. Chất lượng hồ sơ tham dự ngày càng được hoàn thiện, các DN đăng ký tham dự và đạt giải đều là những DN xứng đáng, áp dụng thành công các hệ thống, công cụ quản lý tiên tiến, có những thành tích sản xuất kinh doanh thực sự nổi bật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Đồng thời quy trình xem xét, đánh giá ngày càng được hoàn thiện, trình độ của đội ngũ chuyên gia, hội đồng giải thưởng các cấp ngày càng được nâng cao cùng với kinh nghiệm thực tiễn hơn 20 năm hoạt động Giải thưởng Chất lượng.
PV: Thưa bà, ý nghĩa lớn nhất của Giải thưởng đối với doanh nghiệp tham dự là gì?
- GTCLQG cũng như các hệ thống, công cụ quản lý khác sẽ thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho DN khi DN thấu hiểu được tầm quan trọng của nó, biết áp dụng, duy trì một cách có hiệu quả, hiệu lực vào hoạt động quản trị sản xuất kinh danh của DN mình. Điều quan trọng nhất, DN phải hiểu rõ mục đích của Giải thưởng, ngoài mục đích tôn vinh, GTCLQG còn cung cấp công cụ mô hình tự đánh giá, giúp tổ chức, DN hoàn thiện hệ thống quản lý của mình qua việc áp dụng, duy trì thành công các mô hình, công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến và thực hành tốt nhất.
Sản phẩm của Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình – Doanh nghiệp đã từng nhận GTCLQG (Ảnh: HN)
Đồng thời, GTCLQG còn là một chuẩn mực, chuẩn đối sánh và phương pháp thực hành tốt để DN đánh giá tình trạng của mình so với đối thủ cạnh tranh, học hỏi kinh nghiệm của những DN khác, cải tiến không ngừng các hoạt động, quá trình kinh doanh của mình. Mục đích này không chỉ học hỏi những gì đã được tạo ra cả cách làm thế nào để tạo ra nó. Vấn đề đề cập đến không chỉ sản phẩm hay dịch vụ mà còn cả quá trình, tìm ra phương pháp tốt nhất ở đâu không quan trọng, có thể trong bản thân công ty, trong ngành hoặc thậm chí ngoài ngành, đối tác làm chuẩn so sánh tốt nhất không có nghĩa chỉ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp mà là những người đang chạy ở phía trước, bất kể trong ngành nào. Có làm được như vậy, DN mới thực sự nâng cao được khả năng cạnh tranh của mình.
PV: Việc áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng có phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các DN trong và ngoài nước, thưa bà?
- Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Hoa Kỳ - cơ quan chủ trì triển khai GTCLQG Hoa Kỳ quy định 2 năm một lần tiến hành cập nhật các tiêu chí giải thưởng cho phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ, yêu cầu về quản lý và đòi hỏi khách quan của khách hàng, thị trường và cơ quan quản lý.
GTCLQG của Việt Nam cũng luôn cập nhật những thay đổi này của GTCLQG Hoa Kỳ. Như vậy, có thể nói rằng, các tiêu chí của GTCLQG luôn phù hợp với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam và trên thế giới.
PV: Bà có thể cho biết những định hướng cụ thể trong thời gian tới của hoạt động GTCLQG để tiếp tục đẩy mạnh phong trào nâng cao năng suất chất lượng của Việt Nam?
- Để tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động GTCLQG nhằm góp phần tạo bước chuyển biến về chất cho phong trào năng suất - chất lượng trong thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ nghiên cứu, thực hiện các giải pháp như: Hoàn thiện cơ sở pháp luật về quản lý hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng ở cấp quốc gia. Trong đó, nghiên cứu sửa đổi các quy định của Nghị định 132/2008/NĐ-CP liên quan đến hoạt động GTCLQG. Cụ thể: Quy định thêm các Bộ, ngành thành lập hội đồng sơ tuyển cấp bộ, ngành để cùng phối hợp với Bộ KHCN triển khai hoạt động GTCLQG; Quy định rõ thêm trách nhiệm của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan trong việc phối hợp triển khai hoạt động GTCLQG hằng năm, tăng cường phối hợp giữa cơ quan tổ chức và điều hành GTCLQG với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức để huy động sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp tham gia GTCLQG; Quy định rõ thêm một số quyền lợi cho các DN sau khi đạt giải để động viên, khuyến khích DN như: ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương và các quỹ khác theo quy định hiện hành; ưu tiên tham gia các chương trình, dự án cấp quốc gia về phát triển, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng; các tổ chức, doanh nghiệp đạt giải được các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khen thưởng theo quy định từ nguồn quỹ khen thưởng hằng năm.
Cùng với đó, định hướng DN áp dụng các tiêu chí của GTCLQG để GTCLQG thực sự là một công cụ tự đánh giá có khả năng giúp tổ chức, DN hoàn thiện hệ thống quản lý của mình thông qua việc áp dụng và duy trì thành công các mô hình, công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến và thực hành tốt nhất. Từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các DN Việt Nam; Tiếp tục hoàn thiện, cập nhật nội dung các tiêu chí của GTCLQG phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN Việt Nam; Xây dựng một đội ngũ chuyên gia đánh giá đủ năng lực nhằm bảo đảm chất lượng của quá trình đánh giá, tuyển chọn; Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về GTCLQG dưới nhiều hình thức;…
Hạnh Nguyên (thực hiện)