Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ tư, 27/11/2024 , 09:22 am
Cập nhật : 15/08/2011 , 10:08(GMT +7)
Trí thức 'trải lòng' với Đảng
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc với VUSTA.
Đã có không ít các văn bản, Nghị quyết của Đảng khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong mọi thời kỳ phát triển của đất nước, song phần nhiều những ghi nhận đó vẫn còn nằm trên văn bản sau nhiều năm ban hành.

Các nhà khoa học đã chia sẻ chân thành tại buổi làm việc của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) ngày 13.8. nhằm kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6.8.2008 của Bộ Chính trị về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Nghị quyết 27).

Cùng tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành trung ương và đông đảo các nhà khoa học.

Quãng đường dài


 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh phát biểu tại buổi làm việc với VUSTA.

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 27 trong 3 năm qua, bên cạnh những việc đã làm được GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA cũng thẳng thắn bày tỏ những vướng mắc khó khăn. Đặc biệt công tác củng cố và phát triển tổ chức của Liên hiệp hội Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 27 chưa được quan tâm đúng mức. “Vì vậy, việc thể chế hóa các nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết số 27 thành các chính sách, chế độ cụ thể chưa được thực hiện đầy đủ và kịp thời”, GS Minh nói.

 PGS.TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực VUSTA nhắc lại một mệnh đề được nêu trong Nghị quyết 27: “Xây dựng đội ngũ trí thức là nâng cao tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững...”. Theo PGS Liêm, sau văn bản của Đảng được ban hành, chuyển sang đến các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương triển khai vô cùng chậm. “Mong Tổng bí thư quan tâm hơn tới vấn đề này”, PGS Liêm bày tỏ.

Minh chứng thêm về sự thừa nhận vai trò và công tác đãi ngộ, PGS.TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam còn dẫn các văn bản trước đó từ những năm 1988, Đảng đã khẳng định hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam sinh hoạt theo cơ chế như một đoàn thể quần chúng (thanh niên, phụ nữ...).

Đến năm 1993 thông báo của đồng chí Đào Duy Tùng khi đó là Thường trực ban bí thư đã dùng từ Liên hiệp hội là tổ chức chính trị xã hội. Nếu lấy theo mốc năm 1988 thì đến nay đã là 23 năm, còn theo mốc năm 1993 thì đến nay đã là 18 năm. “Thưa Tổng bí thư, 18 năm đó Đảng đã nhắc lại rất nhiều lần vai trò tổ chức chính trị - xã hội của Liên hiệp hội. Nếu điều này là đúng, cần phải xem lại làm quá chậm do vướng mắc ở đâu.”, PGS Lương thẳng thắn.

 
GS Hồ Uy Liêm, GS Nguyễn Lân Dũng phát biểu tại buổi làm việc của Tổng Bí thư với VUSTA. Ảnh: Như Ý


Và như thế, đến bây giờ mọi cơ chế, chính sách dành cho “ngôi nhà chung” của giới trí thức vẫn như một tổ chức xã hội nghề nghiệp, thậm chí tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP coi Liên hiệp hội Việt Nam là một hội đặc thù. 

Định kỳ nghe báo cáo về công tác trí thức

Buổi làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này được ghi dấu là lần đầu tiên tổ chức của giới trí thức được tiếp xúc trực tiếp với người đứng đầu cao nhất của Đảng, được chia sẻ và lắng nghe. Đã có 10 ý kiến được bày tỏ.

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch hội các ngành sinh học Việt Nam nói: “kính mong lãnh đạo Đảng hãy tin cậy đội ngũ trí thức. Nếu được tin cậy trí thức sẽ phát huy được sự sáng tạo. Tin trí thức, Đảng và Nhà nước rất có lợi”.

 

Minh chứng cho điều này, GS Dũng nêu hàng loạt các ví dụ về việc nếu tin cậy và được giao trách nhiệm phản biện thì đã đề nghị chưa nên trồng ồ ạt cây cao su tại vùng Tây Bắc nước ta mà hiện nay đang bị chết hàng loạt; chưa nên xây dựng các nhà máy cồn sinh học quy mô lớn đi từ sắn khiến nông dân tấp nập phá rừng theo lối quảng canh, làm cho đất chỉ sau vài năm sẽ bạc màu hết (ở nước ngoài nguyên liệu làm cồn sinh học hiện nay thường dựa vào nguyên liệu giàu cellulose và thực vật biển)…

TS Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Kinh tế học Việt Nam bày tỏ, trí thức mong muốn được Đảng và xã hội đánh giá đúng, coi trọng và sử dụng những khả năng của từng nhà khoa học và cả đội ngũ trí thức khoa học công nghệ. “Chúng tôi rất ghét “được” ai đó thương hại, nói mấy lời ngợi ca “làm quà” và “bố thí” cho một vài lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào đó. “Theo cá nhân tôi, đó không phải là ước nguyện chung của những người trí thức chân chính”, TS Thái thẳng thắn.

GS Đặng Vũ Minh kiến nghị Đảng và Chính phủ quan tâm tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai Chỉ thị 42-CT/TW, sửa đổi Nghị định 45-NĐ/CP, đồng thời đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư định kỳ nghe Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam báo cáo trực tiếp những vấn đề liên quan đến công tác trí thức khoa học và công nghệ.

Đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ trí thức trong thời gian qua và đồng tình với những “bức xúc” của các nhà khoa học, Tổng bí thư cũng chia sẻ sự khó khăn mà Liên hiệp hội đang vướng. Tổng bí thư nhắc nhở các đơn vị liên quan cần quan tâm hơn và động viên cùng cố gắng phối hợp với các cơ quan để thúc đẩy các công việc liên quan tới hoàn thiện các đề án để triển khai Nghị quyết vào cuộc sống.


Nguồn tin: baodatviet.vn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner