Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chia sẻ với Đất Việt, VUSTA sẽ khẳng định vai trò tập hợp đội ngũ trí thức để “gánh vai” cùng sự phát triển chung.
Đất nước bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, vì vậy trọng trách của các trí thức khoa học công nghệ đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia với các cơ quan của Đảng, Nhà nước để hoạch định chính sách, mặt khác sát với cộng đồng để hiểu rõ hiệu quả của các chính sách hiện hành.
Nói không với những điều bất hợp lý
- Thưa ông, năm 2010 có phải là một năm đáng ghi nhận với đội ngũ trí thức thuộc VUSTA trong hoạt động tư vấn, phản biện?
- Phải khẳng định, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) từ Trung ương đến địa phương cũng như các hội ngành là tư vấn, phản biện và giám định xã hội về các vấn đề phát triển chung của đất nước. Trong thời gian vừa qua Liên hiệp hội Việt Nam thường xuyên tổ chức hoạt động này, nhưng nổi bật của năm có thể kể đến phản biện việc mở rộng Hà Nội và góp ý cho các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI.
Với dự án mở rộng Hà Nội, Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên gồm Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và một số hội khác đã tổ chức nhiều hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia giỏi nhất từ các ngành. VUSTA đã đưa ra nhiều ý kiến khác với văn bản chính thức ban đầu của Bộ Xây dựng trong việc mở rộng Hà Nội ví dụ như xác định vị trí khu hành chính quốc gia. Dù thời điểm này vẫn chưa có kết luận cuối cùng của Thủ tướng cũng như chưa có ý kiến của Bộ Chính trị, song chúng tôi tin rằng các đề nghị trong bản kiến nghị sẽ được quan tâm.
Điều có thể thấy rõ nhất, sau khi có ý kiến của VUSTA và một số tổ chức khác, Bộ Xây dựng cũng có chỉnh sửa một phần. Ví dụ trước đây đề nghị chuyển khu hành chính của Thủ đô Hà Nội lên BaVì. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho rằng đây là khu nhiều di tích lịch sử, quần thể văn hóa, du lịch và là khu sinh thái hiếm có giữa đồng bằng nên bằng mọi cách phải giữ lại. Sau nhiều lần phản biện, hiện Bộ Xây dựng đã đồng ý không xây dựng khu hành chính Quốc gia tại Ba Vì.
Một đề nghị nữa là bỏ trục tâm linh (hay lúc đầu còn gọi là đại lộ Thăng Long) bắt đầu từ phía Tây Hồ Tây lên đến Ba Vì. Trên cơ sở phân tích về nhiều mặt, song chúng tôi chưa tìm được lý do để thấy cần phải có trục đường này, thậm chí còn tốn rất nhiều đất đai để xây dựng . Chúng tôi kiên trì quan điểm bỏ trục này nhưng hiện Bộ Xây dựng vẫn chưa chấp nhận, tuy có chỉnh sửa phần nào.
VUSTA cũng đã tổ chức đóng góp ý kiến cho các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI. Cả ba văn kiện gồm các dự thảo Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020 và Báo cáo chính trị. Các ý kiến góp ý đã được đúc kết lại gửi lên Ban bí thư và Ban Tuyên giáo Trung ương. Bên cạnh các ý kiến đồng tình, có rất nhiều quan điểm thấy cần phải chỉnh sửa, thay đổi lại để đảm bảo thời gian sắp tới có một định hướng mới trong phát triển kinh tế xã hội. Phải chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Chỉ có như vậy Việt Nam mới có thể vươn lên được.
- Liên quan đến câu chuyện bauxite, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ mối lo ngại bởi dù là các nhà khoa học đã đưa ra các kiến nghị cùng với nhiều điểm phân tích mặt thiệt, hơn từ dự án bauxite Tây Nguyên. Tuy nhiên, đôi lúc họ cũng tỏ ra nản chí vì nghĩ rằng câu chuyện “ván đã đóng thuyền”. Vậy liệu VUSTA có tiếp tục “bám đuổi” dự án này như những gì cử tri kỳ vọng vào các nhà khoa học?
- Với dự án bauxite Tây Nguyên, VUSTA từng có bản kiến nghị cách đây một năm đề nghị cần thận trọng trong quá trình triển khai và nên thực hiện thí điểm. Kiến nghị này đã được Bộ Chính trị đánh giá cao và sau đó đã có kết luận, chấp thuận nhiều kiến nghị của VUSTA. Tuy nhiên mới đây, tại Hunggary xảy ra sự cố vỡ đập chứa bùn đỏ để lại hậu quả rất nặng nề cho môi trường. Sự việc này khiến nhiều người lo lắng. Các ý kiến của nhân sĩ, trí thức đã nêu vấn đề, những nguy cơ tiềm tàng. Tuy nhiên, VUSTA chưa có ý kiến chính thức vì là một cơ quan khoa học cần “nói có sách, mách có chứng”. Chúng tôi cần soi lại kết luận của Bộ Chính trị cuối năm 2009, để xem từ đó đến nay Tập đoàn than và Khoáng sản đã làm được những gì. Sau đó sẽ xem xét hai nội dung về hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng môi trường của 2 dự án bauxite Tân Rai và Đăk Nông. Hiện chúng tôi đã đề nghị Bộ Công Thương và TKV cung cấp các hồ sơ cần thiết (8 hồ sơ) để có cơ sở đánh giá. aSau khi nghiên cứu, phân tích và đi khảo sát thực địa, nếu thực sự thấy dự án này không hiệu quả kinh tế, nguy hại cho môi trường, chúng tôi sẽ không ngại gì đưa ra kiến nghị dừng dự án. Còn nếu xét thấy còn có thể thực hiện được với những điều kiện kỹ thuật cần thiết thì cũng nên làm. Vì vậy, đến thời điểm này hoàn toàn không thể nói câu chuyện này đã khép lại hay “ván đã đóng thuyền”. Phải nói rằng sau có đề nghị của Liên hiệp hội Việt Nam lãnh đạo Bộ Công Thương đã có văn bản hứa cung cấp cho chúng tôi những hồ sơ cần thiết, nhưng cho đến lúc này chung tôi mới chỉ nhận được 03 hồ sơ.
Trọng trách của trí thức
- Nhìn vào các dự án, các vấn đề phát triển mà VUSTA đã tham gia phản biện thấy được trọng trách của các nhà khoa học, trí thức ngày càng nặng nề?.
- Đúng thế. Bản thân chúng tôi nhận thấy mình có trách nhiệm với sự phát triển chung của đất nước. Về phía lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm đến các ý kiến phản biện của VUSTA. Điều này được thể hiện trong Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước”, nhấn mạnh vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các tổ chức nói chung, của VUSTA nói riêng. Đặc biệt, Chỉ thị 42-CT/T.Ư “ Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cũng khẳng định hoạt động này ngày càng có vai trò quan trọng, đã phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối đổi mới của Đảng và các dự án phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tôi thấy rằng, đây là những đánh giá rất cao. Trên tinh thần những ý kiến đánh giá và chỉ đạo này, thời gian tới, VUSTA sẽ quan tâm hoạt động theo nhiều hướng. Đặc biệt là tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chính sách với các trí thức…
Những đánh giá này không chỉ thể hiện lòng tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức KH&CN trong liên hiệp hội, mặt khác thể hiện tính dân chủ trong quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Các quyết định đưa ra không chỉ một chiều từ một cơ quan nào đó mà đã cân nhắc kỹ sau khi có ý kiến tư vấn phản biện của các cơ quan, tổ chức, trong đó có Liên hiệp hội Việt Nam.
- Xem ra điều này mới thể hiện một chiều. Vậy làm thế nào để VUSTA tham gia và việc hoạch định chính sách để dân thấy hài lòng, thấy có tiếng nói của mình trong đó, thưa ông?
- VUSTA hiện có trên 500 đơn vị 81 trong toàn hệ thống dưới dạng Viện, Liên hiệp khoa học và Trung tâm trực thuộc Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam hoặc các hội thành viên. Các đơn vị này hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, ứng phó với biến đổi khí hậu... ở mọi miền đất nước, đặc biệt là ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa. Qua các tổ chức này, ngoài việc đưa tiến bộ kỹ thuật, các kiến thức mới đến với từng người dân, còn phản ánh được tâm tư tình cảm, quan điểm của người dân với các chính sách hiện hành của đất nước. Từ đó phản hồi về Liên hiệp hội Trung ương, lồng vào trong các kiến nghị của mình về chính sách.
- Hiện không chỉ các cơ quan của Đảng, Nhà nước trông mong sự đóng góp mạnh mẽ của đội ngũ trí thức mà cả cộng đồng cũng tin tin tưởng gửi gắm các nhà khoa học. Lý do là bởi họ ít có cơ hội, điều kiện bày tỏ tiếng nói của mình. VUSTA sẽ làm gì để đáp lại sự mong mỏi đó?
- Chúng tôi luôn xác định tư vấn, phản biện là nhiệm vụ chủ chốt trong hoạt động của mình. Vì vậy sắp tới chúng tôi sẽ thành lập Ban tư vấn phản biện và giám định xã hội. Ngoài ra sẽ có nhiều hoạt động với các nhà hoạch định chính sách, trước hết là các đại biểu Quốc hội để xác định những vấn đề nào cần tập trung phản biện. Chúng tôi cũng sẽ kết hợp với các đơn vị trực thuộc để xâu chuỗi lại các hoạt động, tổng hợp lại ý kiến của cộng đồng vào trong chính những kiến nghị, những góp ý vào chính sách đang hiện hành hay đang chuẩn bị ban hành.
- Trong hoạt động này, tri thức Việt kiều đang sống và làm việc ở nước ngoài được huy động tới mức nào, thưa ông?
- Chúng tôi thường xuyên có những hoạt động hợp tác với anh chị em là trí thức Việt kiều đang sống và làm việc ở nước ngoài. Trong năm qua chúng nhiều anh chị em là tri thức Việt kiều đã có những đóng góp hữu ích. Dù chưa có văn bản thỏa thuận nhưng đã phối hợp với nhau khá tốt. Cụ thể, trong việc đưa ra bằng chứng để khẳng định biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Lâu nay, trong hoạt động lưu trữ quốc gia ít quan tâm đến hồ sơ tài liệu quý mà các triệu đại xưa để lại. Thế nhưng có thể trong các thư viện nước ngoài hay trong cộng đồng lại có. Vì vậy chúng tôi đã có nhiều cuộc làm việc với anh chị em tri thức là Việt kiều ở nước ngoài để thảo luận xem cần phải có sự phối hợp như thế nào để xây dựng một bộ hồ sơ về biển Đông. Tôi cho rằng đây là một hoạt động hỗ trợ cho các cơ quan Nhà nước. Cũng trên cơ sở thông tin này, chúng tôi cùng với Nhà Xuất bản tri thức, thực hiện cuốn sách “gối đầu giường” để cung cấp bằng chứng khẳng định biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Cuốn sách này chuẩn bị ra mắt.
- Xin trân trọng cảm ơn ông và nhân dịp năm mới xin chúc ông cùng gia đình sức khỏe!
Bích Ngọc (thực hiện)