Đề cập về hiện trạng phát triển khoa học công nghệ nước nhà, Giáo sư-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu thẳng thắn nhìn nhận có nhiều vấn đề bức xúc trong phát triển kinh tế, xã hội chưa có được lời giải đáp có trách nhiệm từ giới khoa học.
Trong câu chuyện dành cho phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Viện sĩ đơn cử ví dụ cứ vài ba năm lại có một lần chúng ta không thể dự báo được chính xác các cơn bão có diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản và sinh mạng nhân dân. Nguyên nhân có sự yếu kém của cả nền khoa học chứ không phải riêng người làm công tác dự báo thời tiết.
Từ “đơn đặt hàng” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Giáo sư-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã nhắc lại chuyện cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp “đặt hàng” cho ông và các nhà khoa học giải quyết cho được tình trạng ngập lụt ở khu vực Tứ giác Long Xuyên, năm 1996.
Sau khi đề tài kết thúc và được nghiệm thu, các kết quả nghiên cứu được sử dụng ngay để làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng một hệ thống đồ sộ các công trình kiểm soát lũ ở Tứ giác Long Xuyên.
Theo ông, đó chính là ví dụ điển hình về việc “đặt hàng” đề tài nghiên cứu để cho giới khoa học đăng ký thực hiện, đang là một trong những điểm yếu của khiến “hoạt động khoa học và công nghệ nhìn chung còn trầm lắng, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội” như Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI, đã chỉ ra.
Vì vậy, để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển thì không còn cách nào khác, là phải khắc phục được những hạn chế cả về năng lực, trình độ của đội ngũ làm khoa học cũng như đổi mới phương pháp quản lý đối với các tổ chức nghiên cứu, mạnh dạn giao quyền tự chủ lớn hơn nữa để các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học chủ động trong công tác nghiên cứu, đem lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội.
Theo Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, cho đến nay, phần lớn ngân sách khoa học công nghệ được dành cho nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu công nghệ, song có nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng sau khi hoàn thành thì chẳng biết ứng dụng vào đâu, nhiều đề tài nghiên cứu công nghệ sau khi kết thúc thì không tìm được người cần dùng hoặc chỉ tìm ra được công nghệ “dỏm”.
“Điều rất đáng trách là trong nhiều trường hợp chính người Chủ nhiệm đề tài đã biết trước kết cục đó song vẫn đăng ký đề tài để vừa được có kinh phí hoạt động, vừa được tính điểm để có thêm học vị, học hàm mới, trong khi các thành viên hội đồng thẩm định đề tài thì biết thế mà vẫn bỏ phiếu thông qua, thậm chí còn vì mục đích là hôm nay tôi bỏ phiếu cho anh thì ngày mai anh lại bỏ phiếu cho tôi”, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu tỏ rõ sự bức xúc khi ông nhắc đến câu chuyện này.
“Đơn hàng có” mà không đáp ứng được
“Vài năm gần đây lũ lụt miền Trung đột nhiên gia tăng gây tổn thất rất lớn mà không rõ nguyên nhân, chúng ta cũng không dự báo được. Câu hỏi cần làm gì để chấm dứt tình trạng bất an của dân cư vùng thủy điện Sông Tranh 2 vì động đất kích thích, chưa biết đến bao giờ mới nhận được câu trả lời có trách nhiệm của các nhà khoa học Việt Nam. Rồi hiện tượng tôm chết hàng loạt vì dịch bệnh thường xuyên xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm gây thiệt hại nhiều ngàn tỷ đồng, mà không thể ngăn chặn vì chưa biết cách phát hiện nhanh sự xuất hiện dịch bệnh để kịp thời ngăn chặn”, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nêu ra những dẫn chứng cụ thể đó trong sự trăn trở.
Ông nói, thực tế đó cho thấy có nhiều đơn “đặt hàng” mà thực tiễn đang đặt ra cho giới khoa học nước nhà nhưng những đề tài nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu công nghệ bám sát thực tiễn của đất nước và có hiệu quả chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Đơn giản nhất là khoán sản phẩm
Theo Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, để một cơ quan khoa học, một tập thể khoa học hoặc một nhà khoa học nghiên cứu sáng tạo đạt hiệu quả cao, rất cần phải đảm bảo cho họ được tự chủ đến mức tối đa. Cách thực hiện tự chủ đơn giản nhất là khoán sản phẩm cuối cùng giống như trong sản xuất hàng hóa, hoặc là Nhà nước “mua” kết quả nghiên cứu khoa học và ứng trước tiền (dưới dạng cấp kinh phí đề tài nghiên cứu), còn làm thế nào để có sản phẩm cuối cùng đó thì cơ quan, tập thể hoặc nhà khoa học hoàn toàn tự quyết định.
Nhưng cái khó là làm thế nào mà định giá được kết quả của một đề tài khoa học để “mua”. Ở tất cả các nước tiên tiến các cơ quan nghiên cứu khoa học công lập đều có quyền tự chủ rất cao, thậm chí một nhà khoa học chủ trì một đề tài nghiên cứu có quyền tự chủ trong việc sử dụng kinh phí đề tài của mình. Chúng ta cần tham khảo cách làm của họ và vận dụng một cách thích hợp vào điều kiện nước ta. Viện sĩ nói “Tôi biết rõ họ được tự chủ như thế nào. Tôi cũng đã suy nghĩ nhiều về việc làm thế nào để thực hiện quyền tự chủ cao của các tổ chức khoa học, các tập thể khoa học và các nhà khoa học ở nước ta và thấy rằng đó là việc hiện nay rất khó làm nhưng nếu quyết tâm thì có thể làm được”.
Cần chấm dứt ngay những bất hợp lý
Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu không phủ nhận thực tế là cũng có những người mệnh danh là nhà khoa học nhưng thiếu trung thực, bày vẽ ra các đề tài, dự án khoa học chỉ cốt để được nhận nhiều kinh phí hoặc để được lên chức.
Trước đây số người này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với những nhà khoa học tài năng, trung thực, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng đất nước, còn hiện nay thì có nhiều người khi thuyết minh đề tài nghiên cứu thường bày đặt ra những nội dung không cần thiết chỉ cốt được nhận nhiều kinh phí, hoặc không mời đồng nghiệp có năng lực tham gia nghiên cứu để đạt được kết quả khoa học tốt hơn vì sợ phải chia sẻ kinh phí. Điều đó làm cho nhiều đề tài không hiệu quả.
Nói rằng ngọn lửa ý chí, đam mê của nhiều nhà khoa học hàng đầu bị giảm sút cũng đúng, song một phần cũng vì so với trước đây thì hiện nay trong cơ chế quản lý tài chính các đề tài nghiên cứu có những điều quá bất hợp lý, buộc người ta muốn còn được làm khoa học thì đành phải nói dối mặc dầu lương tâm day dứt. Tình trạng này cần phải được chấm dứt ngay.
Đòi hỏi đối với người đứng đầu
Để thực hiện được mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ như là “quốc sách hàng đầu” và “đi trước một bước” cho có hiệu quả, theo Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, phải soạn thảo cả một chương trình hành động với rất nhiều biện pháp, trong đó có hai biện pháp rất quan trọng.
Một là, những người đứng đầu chính quyền các cấp, nhất là cấp Trung ương và cấp tỉnh, và những người đứng đầu các ngành kinh tế-xã hội luôn luôn chăm lo phát triển và ứng dụng khoa học trong cả nước, trong địa phương mình hoặc trong ngành mình, giống như chăm lo cho sức khỏe của chính mình.
Viện sĩ nhắc đến hiện tượng một số cán bộ lãnh đạo chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các ngành đã có thói quen làm lãnh đạo và quản lý không cần khoa học, xuất hiện xu thế coi thường trí tuệ…xem đó như là những trở ngại cần phải thay đổi.
Hai là, ông cho rằng phải tìm cho được những hiền tài của đất nước, của địa phương mình, của ngành mình và tạo điều kiện cho họ phát huy tài năng cống hiến cho đất nước, như Bác Hồ đã từng làm ngay sau khi đất nước ta vừa giành được độc lập.