Sau 3 năm thực hiện, dự án: “Xây dựng mô hình trồng dừa Sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi tại Trà Vinh” đã xây dựng được 10 mô hình trồng dừa Sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi tại huyện Cầu Kè trên diện tích 6 ha với gần 1.000 cây giống được cung cấp miễn phí cho các hộ dân tham gia mô hình.
Đây là dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (Chương trình nông thôn miền núi) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Phát triển đặc sản địa phương
Dừa Sáp là một giống cây đặc sản đã có từ lâu đời ở huyện Cầu Kè và một số địa phương của tỉnh Trà Vinh, tuy về hình thức không có gì khác biệt so với những trái dừa khác nhưng do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết tại huyện Cầu Kè mà dừa trồng ở đây rất độc đáo.
Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 6/2020, tổng diện tích dừa ở huyện Cầu Kè là khoảng 3.878 ha với sản lượng 52 triệu trái. Trong đó có gần 75.000 cây dừa Sáp, sản lượng hơn 200.000 trái, mang lại thu nhập từ 2,3-3,7 triệu đồng/cây/năm. Hiện tại, tỉnh Trà Vinh có tới 5 giống dừa Sáp, gồm: Sáp tròn, Sáp dài, Sáp có cạnh, Sáp vỏ xanh, Sáp vỏ vàng. Mặc dù diện tích trồng các giống dừa này đang gia tăng, nhưng nhiều hộ nông dân vẫn trồng theo phương pháp truyền thống là lựa chọn những trái dừa có sáp nằm lẫn trong buồng dừa để nhân giống nên năng suất thấp và tỷ lệ sáp không cao. Điều này có nghĩa là giống dừa Sáp đặc trưng của tỉnh đang đứng trước nguy cơ bị lai tạp, thoái hóa giống, thậm chí bị mất đi nếu không được quy hoạch, chăm sóc và bảo tồn để khai thác lâu dài.
Để mở rộng diện tích, bên cạnh việc sử dụng các giống dừa truyền thống, nhiều hộ dân đã chuyển sang lựa chọn dừa Sáp nuôi cấy phôi. Tuy nhiên, do chưa được ứng dụng KH&CN nên cây giống dừa Sáp nuôi cấy phôi có giá quá cao (từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/cây), nhiều hộ dân trồng dừa không đủ khả năng để đầu tư.
Do đó, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN Trà Vinh) đã đề xuất và được Bộ KH&CN giao chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng dừa Sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi tại Trà Vinh” từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2019.
Tăng cả chất và lượng dừa sáp
Thạc sĩ Trần Thanh Trang, Phòng Nghiên cứu ứng dụng KH&CN, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN Trà Vinh - Chủ nhiệm dự án cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đã hoàn thiện các nội dung: Tiếp nhận thành công quy trình công nghệ nuôi cấy phôi dừa Sáp từ Trường Đại học Trà Vinh, gồm các kỹ thuật: chọn và thu trái dừa giống phục vụ cấy phôi, tách phôi và khử trùng phôi dừa Sáp, pha chế môi trường và cấy phôi dừa Sáp, cấy chuyển và nuôi phôi dừa Sáp, tạo rễ cây phôi dừa Sáp, phối trộn giá thể và thuần dưỡng cây con, chăm sóc cây giống tại vườn ươm.
Dự án cũng đã tiếp nhận thành công quy trình công nghệ trồng và chăm sóc cây dừa Sáp nuôi cấy phôi ở ngoài đồng từ Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu (Bộ Công Thương); Xây dựng được 10 mô hình trồng dừa Sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi tại huyện Cầu Kè trên diện tích 6 ha với gần 1.000 cây giống được cung cấp miễn phí cho các hộ dân tham gia mô hình.
Nuôi cây mô dừa Sáp
Đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án đã đào tạo được 6 kỹ thuật viên thành thạo công nghệ nuôi cấy phôi dừa Sáp và huấn luyện cây con trong giai đoạn vườn ươm, cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dừa Sáp cấy phôi ở ngoài đồng; Tổ chức 2 hội thảo và tập huấn cho trên 200 lượt người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc dừa Sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi.
Các cây dừa Sáp được trồng bằng phương pháp nuôi cấy phôi hiện đang phát triển tốt, tỷ lệ sống ngoài đồng là 100%. Đặc biệt, nhờ ứng dụng thành tựu KH&CN, nhiều giống dừa Sáp được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy phôi khi trồng có thể ra trái có sáp trên 70%, đặc biệt có vườn tỷ lệ lên đến 90-100% và thời gian trồng đến khi cho trái chỉ còn 2/3 so với dừa Sáp thường.
Với giá dừa Sáp tại vườn hiện đang dao động từ 80 đến 150 ngàn đồng/quả, có khi tăng đến 160-200 ngàn đồng/quả vào các mùa lễ hội (cao gấp 10-20 lần so với quả dừa thường); số dừa không sáp còn lại cũng được người dân bán với giá 20-25 ngàn đồng/quả (cao gấp 2-2,5 lần so với quả dừa thường)… cho thấy lợi nhuận thu được từ trái dừa Sáp là rất cao (khoảng triên 120 triệu đồng/ha), gấp 5 lần một ha dừa thường (khoảng hơn 20 triệu đồng/ha).
Với những kết quả đã đạt được, dự án đã góp phần quan trọng hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer. Hơn nữa, với việc nghiên cứu, ứng dụng làm chủ công nghệ trong công tác chọn tạo giống dừa Sáp quý hiếm sẽ là cơ sở quan trọng cho việc mở rộng diện tích vùng chuyên canh dừa Sáp của tỉnh Trà Vinh. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm dừa Sáp, mở ra triển vọng mới cho người dân trong việc phát huy lợi thế đặc sản, kết hợp với khai thác tiềm năng du lịch miệt vườn ở vùng ven sông Hậu.
Bài, ảnh: Hoàng Anh