Trong 50 năm qua, hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đắc lực phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Góp phần đưa hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nói chung đi vào nền nếp.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 đã đổi mới toàn diện và thống nhất điều chỉnh hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT/WTO), bảo vệ được lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp trong nước trước sức ép của cạnh tranh toàn cầu và tự do hoá thương mại, đồng thời, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là căn cứ pháp lý vững chắc để phát triển và đổi mới Hệ thống TCVN và Hệ thống QCVN.
Hệ thống TCVN được định hướng phát triển theo hướng tăng cường mức độ hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến. Hiện tại, mức độ hài hoà này đạt mức 48%, trong đó mức hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế đạt 43%.
Về lĩnh vực đo lường, từ Sắc lệnh số 8/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành năm 1950, đến nay chúng ta đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường khá đầy đủ bao gồm có 6 văn bản do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng ban hành, 12 văn bản do Bộ KH&CN ban hành, 02 Thông tư với các Bộ khác trong quản lý nhà nước về đo lường...
Hoạt động đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa được quy định từ năm 1988 bằng Chỉ thị số 222/CT ngày 08/8/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau 2 năm thực hiện hoạt động này tiếp tục được khẳng định trong Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1990. Hoạt động đăng ký chất lượng đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn việc suy giảm và từng bước ổn định, nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam trong những năm cuối của thế kỷ 20.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức của người sản xuất kinh doanh đối với chất lượng hàng hóa của mình, đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng theo dõi kiểm tra hàng hóa trong quá trình sản xuất cũng như lưu thông trên thị trường, năm 2007 Quốc hội đã thông qua Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Qua hơn 3 năm thực hiện các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản dưới Luật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng được nâng lên. Sản phẩm, hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ từ khâu trước và sau khi đưa ra thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời giúp cho hoạt động này dần đi vào nề nếp, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước.
Hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại nước ta đã được cải thiện thông qua việc quản lý chặt chẽ các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành.
Bộ trưởng Nguyễn Quân trao giải thưởng chất lượng quốc gia cho các doanh nghiệp đạt giải năm 2011 (ảnh Quang Tuấn)
Thực hiện hội nhập quốc tế và khu vực, từ mối quan hệ chủ yếu với các nước xã hội chủ nghĩa, đến nay Tổng cục TCĐLCL đã duy trì hợp tác thường xuyên với hơn 30 nước trên thế giới và khu vực. Trong quá trình tham gia vào các tổ chức nói trên, Tổng cục TCĐLCL đã trình bày quan điểm thể hiện những lợi ích của Việt Nam, tranh thủ và khai thác tối đa sự giúp đỡ và ủng hộ của các Tổ chức này nhằm thúc đẩy hoạt động TCĐLCL ở nước ta.
Cùng với đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra về TCĐLCL là một nhiệm vụ quan trọng của Tổng cục TCĐLCL và hệ thống TCĐLCL. Hoạt động này được tiến hành thường xuyên với mục tiêu phát hiện, xử lý những vi phạm về TCĐLCL, mặt khác giúp các doanh nghiệp thấy được những tồn tại trong quản lý sản xuất để khắc phục.
Chú trọng phát triển nhân lực
Những năm qua công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở vật chất luôn được Tổng cục quan tâm đẩy mạnh. Việc xây dựng, phát triển đội ngũ được quan tâm thường xuyên. Đội ngũ cán bộ chuyên viên, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực TCĐLCL trong cả nước được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật và quản lý đã đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Để đáp ứng yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian tới hệ thống TCĐLCL cần phải có những nỗ lực vượt bậc trong việc tăng cường năng lực và đổi mới phương thức hoạt động. Ngành TCĐLCL sẽ phải tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu như tổ chức xây dựng đủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các nhóm sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn để làm căn cứ pháp lý kỹ thuật cho hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, cập nhật với tiến bộ của KH&CN, hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế làm cơ sở cho hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng.
Đẩy mạnh hoạt động đánh giá sự phù hợp nhằm thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn và thực thi quy chuẩn kỹ thuật, thực hiện các hiệp định thừa nhận lẫn nhau các kết quả đánh giá sự phù hợp (MRA). Xây dựng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức chứng nhận, giám định, đo lường, thử nghiệm) bảo đảm đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật các sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường; phục vụ nhu cầu đánh giá phù hợp tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, hàng hoá chủ lực.
Triển khai các Thoả thuận/Hiệp định thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ ASEAN và APEC và với các đối tác có khối lượng hàng hoá trao đổi thương mại lớn hoặc có tiềm năng phục vụ cho quá trình thuận lợi hoá thương mại, hội nhập kinh tế của đất nước.
Tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, tập trung vào đối tượng sản phẩm hàng hoá thuộc Danh mục sản phẩm hàng hoá có khả năng gây mất an toàn. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng các hàng hóa; hệ thống thông tin cảnh báo trong nước về chất lượng hàng hóa kết nối với hệ thống cảnh báo quốc tế. Kiện toàn hệ thống tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hình thành đội ngũ kiểm soát viên chất lượng tại các Bộ, ngành, địa phương; tăng cường năng lực kỹ thuật hỗ trợ kịp thời hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường.
Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đo lường, xây dựng, soát xét và ban hành mới các quy định về đo lường theo các tài liệu của Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML); tập trung xây dựng đủ, hoàn thiện các quy trình phê duyệt mẫu, thử nghiệm, kiểm định các phương tiện đo (PTĐ); tăng cường năng lực thử nghiệm mẫu phương tiện đo phục vụ công tác phê duyệt mẫu PTĐ.
Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo của Tổng cục TCĐLCL, các Chi cục TCĐLCL tỉnh, thành phố để đáp ứng yêu cầu kiểm định phương tiện đo. Tổ chức triển khai có hiệu quả “Chương trình quốc gia thúc đẩy năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi cả nước.
Xây dựng và triển khai thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng của của các ngành kinh tế trọng điểm trên cơ sở áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của ngành, địa phương, doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động quản lý và kỹ thuật TCĐLCL; tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, đảm bảo cơ sở khoa học kỹ thuật cho hội nhập; nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế về TCĐLCL.
Đến nay, ngành TCĐLCL đã hoàn thành về cơ bản xây dựng nền tảng pháp lý cho 03 lĩnh vực hoạt động chính của ngành, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành kịp thời những chủ trương, chính sách về TCĐLCL kịp thời phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao, đạt tiêu chuẩn trong khu vực và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội mang lại sự phồn vinh no ấm cho nhân dân và sự giàu mạnh của đất nước.
Quang Tuấn