Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình là một trong những công ty đi đầu trong việc nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp. Trong 10 năm gần đây công ty đã có nhiều đóng góp cho ngành nông nghiệp Việt Nam chọn tạo được nhiều giống cây trồng mới cho năng suất cao, chất lượng, phù hợp với nhiều vùng sinh thái mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Nhiều “dấu ấn” từ các giống lúa
Là công ty chuyên về nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, giống cây trồng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Từ năm 1988, sau khi thực hiện đề án “khoán sản phẩm”, và ứng dụng hiệu quả KH&CN, công ty đã khẳng định được vị thế, uy tín được Bộ NN&PTNT đánh giá là đơn vị có hệ thống cơ sở vật chất cho nghiên cứu, sản xuất, chế biến, kiểm tra, chất lượng tốt nhất hệ thống giống cây trồng Việt Nam.
Trong 10 năm qua, công ty đã chủ trì và tham gia thực hiện hơn 20 đề tài, dự án khoa học công nghệ. Tiêu biểu như đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng mới” đã góp phần nghiên cứu lai tạo hàng trăm cặp lai mới, thu thập và bảo tồn hàng trăm vật liệu quý, khảo nghiệm hàng ngàn giống cây trồng mới.
Đặc biệt, trong 5 năm gần đây công ty đã được công nhận 7 giống cây trồng quốc gia như: giống lúa TBR-1, TBR36, BC15, Dưu 527, CNR 36, Thái xuyên 111, giống lạc TB25 có năng suất cao và chất lượng, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài. Các giống cây trồng mới này của công ty sau khi được công nhận đã nhanh chóng phát triển trên địa bàn cả nước. Trong đó, các giống lúa Đưu 527, CNR 36, BC15, TBR-1 chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản xuất của các tỉnh miền Trung và miền Bắc góp phần thay đổi mùa vụ, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Theo số liệu thống kê của của xã An Mỹ - huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình): Vụ xuân năm 2012 với diện tích cấy giống lúa BC15 là 503 ha cho năng suất đạt 82 tạ/ha. Qua tính toán giá trị gia tăng một vụ sản xuất đã mang lại cho An Mỹ hơn 11 tỷ đồng, làm lợi hơn các giống khác 22 triệu đồng/1 hộ nông dân.
Ông Phạm Văn Chinh – Tiền Hải (Thái Bình) cho biết: vụ xuân năm 2012 gia đình ông cấy giống lúa TBR45 với chế độ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và tưới tiêu cũng giống như các giống khác. Đến vụ thu hoạch, ông không tin rằng năng suất bình quân của giống lúa TBR15 đạt tới 83 tạ/ha, chất lượng gạo ngon. Điều này một lần nữa khẳng định tiềm năng năng suất của giống lúa TBR15 là rất cao nếu được đầu tư, chăm sóc đúng mức.
Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cho biết: trong những năm qua, công ty đã nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất thành công nhiều loại giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao. Hiện công ty đã có nhà máy chế biến hạt giống chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Châu âu, công suất đạt từ 6 nghìn tấn đến 10 nghìn tấn/năm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong những năm tới, công ty sẽ đưa vào sản xuất đại trà từ 3 - 5 giống cây trồng mới có tính ưu việt hơn các giống cây trong cơ cấu của Việt Nam hiện nay.
Đầu tư phát triển theo chiều sâu
Trong những năm gần đây, công ty đã chú trọng đến việc ứng dụng KH&CN mới vào hoạt động của mình, trong đó nổi bật là lĩnh vực lai tạo giống mới, chế biến, bảo quản và cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình sản xuất được Bộ NN&PTNT đánh giá là một tỉnh đầu tiên công nghiệp hóa trong ngành giống cây trồng ở Việt Nam.
Bên cạnh việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN công ty còn làm tốt công tác bảo vệ thương hiệu và sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy hình thành thị trường thương hiệu và mua bản quyền giống cây trồng tại Việt Nam. Ông Trần Mạnh Báo cho biết: đến nay, công ty đã đăng ký bảo hộ bản quyền di truyền 9 giống cây trồng mới và hơn 20 nhãn hiệu sản phẩm.
Nói về chiến lược của công ty trong 5 năm tới, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty khẳng định: “công ty tiếp tục phát triển giống cây trồng đảm bảo 3 yếu tố (năng suất; chất lượng; chịu được thời tiết, sâu bệnh); xây dựng bằng được thương hiệu gạo Thái Bình và xây dựng Thái Bình thành Trung tâm cung cấp, phân phối giống cho cả nước”, duy trì tấc độ tăng trưởng 50%/năm.
Để có được thành công trên, công ty đã đề ra chiến lược phát triển đúng đắn tập trung đầu tư ứng dụng KH&CN, coi KH&CN là bàn đạp để phát triển, tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu chọn tạo và cơ sở vật chất để thực hiện công nghiệp hóa ngành giống. Công ty đã tập hợp được trí tuệ của các nhà khoa học, phối hợp với các tổ chức KH&CN trong việc nghiên cứu chọn tạo và ứng dụng chuyển giao các thành tựu khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Ngoài ra, Công ty còn phối hợp với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước mở rộng ngành nghề, từng bước xuất khẩu giống cây trồng, nông sản ra nước ngoài góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành nông nghiệp nước nhà.
Ánh Tuyết – Phương Hoàn