Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hậu cần (TCHC), mới đây, Tổng Công ty (TCT) 28 đã tổ chức nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công mẫu vải và thiết kế trang phục công tác đặc chủng cho lực lượng phi công, thuỷ thủ tàu ngầm, cảnh sát biển (CSB). Kết quả này một lần nữa khẳng định trình độ, năng lực của TCT trong việc tự sản xuất, bảo đảm các loại quân trang cho quân đội trong quá trình tiến lên chính quy, hiện đại.
Sau thành công trong việc nghiên cứu, cải tiến, sản xuất và bảo đảm quân phục chiến sĩ K03, K07 và quân trang sĩ quan K08 phục vụ toàn quân mang mặc chính quy, năm 2011, Bộ Quốc phòng, TCHC giao nhiệm vụ cho TCT 28 tiếp tục nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm mẫu vải và thiết kế trang phục công tác đặc chủng cho lực lượng phi công, thuỷ thủ tàu ngầm, CSB và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, TCT đã thành lập ban chỉ đạo, nhóm chuyên gia gồm các đồng chí kỹ sư đầu ngành về sợi, dệt, nhuộm của TCT kết hợp với các chuyên gia dệt may của Tập đoàn ITOCHU (Nhật Bản), chuyên gia hoá chất thuốc nhuộm của hãng HUSMANT (Mỹ) tiến hành tổ chức nghiên cứu đặc điểm khí hậu, thời tiết, môi trường tại các vùng, miền; điều kiện hoạt động, công tác của bộ đội và các mẫu trang phục của quân đội một số nước làm cơ sở cho việc sản xuất các loại vải đặc chủng đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm mẫu vải
Xuất phát từ đặc điểm, cường độ hoạt động, tính chất, nhiệm vụ của lực lượng phi công, thuỷ thủ tàu ngầm, CSB, đòi hỏi vải đặc chủng để sản xuất các bộ trang phục công tác phải đạt được những tính năng đặc biệt như chống cháy, kháng khuẩn, chống tia tử ngoại (tia UV) xuyên thấu, chống tĩnh điện, chống nhăn, chống nhàu và độ thấm hút mồ hôi cao... Để đạt được những tính năng trên, trước hết phải chọn được chất liệu vải phù hợp. Sau khi nghiên cứu các thông số về độ bền, độ đồng đều, các chỉ số cơ lý của sợi, nhóm nghiên cứu đã quyết định sử dụng sợi 3 thành phần CPV 45/2 gồm cotton 50%, polyeste 32,5% và visco 17,5%, dệt thành vải vân chéo 2/1 có cài sợi cacbon chống tĩnh điện, trọng lượng 200- 250g/m2 và sử dụng sợi TC 34/1, CM 40/2 dệt thành vải kiểu Dobby vân chéo 2/1 có cài sợi cacbon chống tĩnh điện, trọng lượng 153- 261g/m2. Để đảm bảo các yêu cầu về thông số kỹ thuật, các loại sợi được thí nghiệm trên hệ thống máy hiện đại do Thuỵ Sĩ sản xuất và được kiểm định chất lượng tại các phòng thí nghiệm có uy tín trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Viện Dệt (Việt Nam).
Sau khi chọn được chất liệu vải với độ cơ lý phù hợp, nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm biện pháp xử lý khả năng chống cháy, chống tia UV, tăng độ bền của vải và độ bền màu. Thượng tá Phan Hữu Chí- Phó Tổng Giám đốc TCT 28 cho biết: Đối với mẫu vải dùng cho phi công, TCT nghiên cứu đưa sợi cácbon cài vào phía bên trong mặt vải để các sợi các bon tiếp xúc với da, chống tĩnh điện trong môi trường điện tử nhiều. Để chống tia UV, chống cháy, TCT đã liên hệ với hãng HUSMANT cung cấp và chuyển giao công nghệ sản xuất vải có khả năng phản xạ tia UV không làm hại đến cơ thể; không bị cháy khi tiếp xúc với lửa hoặc nhiệt độ cao. Kết quả kiểm tra các mẫu vải đều đạt yêu cầu đề ra. Ngài ONIWA, chuyên gia của Tập đoàn ITOCHU là tập đoàn hỗ trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất vải có khả năng chống tĩnh điện cho TCT đã khẳng định: Tính đến thời điểm này, các mẫu vải do TCT 28 nghiên cứu đưa vào sản xuất quần áo đặc chủng trong quân đội đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật về cơ lý, chống tĩnh điện tốt tương đương với mẫu vải cùng loại của các nước.
Để xác định màu nhuộm và độ bền màu của vải, nhóm nghiên cứu đã đến các đơn vị Không quân, Hải quân, CSB nghiên cứu quá trình tác nghiệp của bộ đội, thực hành lấy mẫu nước biển, nước sinh hoạt để phân tích tính chất, thành phần hoá học; đồng thời phân tích các mẫu vải của các nước để tìm ra các chỉ số cơ bản. Kỹ sư hoá nhuộm Bùi Thị Thanh Hồng- TCT 28 cho biết: Dựa trên kết quả phân tích tính chất đặc trưng từ những mẫu vải của Đức, Nhật Bản và một số nước tiên tiến, nhóm nghiên cứu đề ra các đơn hàng công nghệ đảm bảo những yêu cầu về chỉ số, thông số có chất lượng tốt nhất, đạt chuẩn so với các loại vải cùng loại của nước ngoài. Xác định được thành phần hoá chất và màu nhuộm, nhóm nghiên cứu tiến hành quy trình pha màu và nhuộm màu tự động, hoàn chỉnh chất liệu màu với các mẫu màu được lựa chọn đó là XL3.101 (xanh rêu), XL2.36 (xanh ngọc) và GI2.200 (màu ghi). Ông Hồ Quang Minh, đại diện hãng hoá chất thuốc nhuộm HUSMANT của Mỹ tại Việt Nam cho biết: Thời gian vừa qua, hãng đã cung cấp các loại hoá chất, thuốc nhuộm đạt chuẩn, đồng thời, chuyển giao công nghệ để TCT 28 tự sản xuất được các loại vải đạt tiêu chuẩn chống cháy, kháng khuẩn, chống tia UV. Kết quả kiểm tra các mẫu vải do TCT 28 sản xuất tại các viện, phòng thí nghiệm quốc tế đều đạt các tiêu chuẩn ISO và hiện nay, TCT hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất những loại vải đặc biệt này để cung cấp cho quân đội.
Nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm mẫu trang phục công tác đặc chủng
Trên cơ sở chất liệu vải đã được lựa chọn, nhóm nghiên cứu tiến hành thiết kế trang phục của các lực lượng phi công, tàu ngầm, hải quân, CSB làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Yêu cầu đặt ra đối với mỗi loại trang phục là bảo đảm thuận tiện, dễ dàng trong thao tác, đặc biệt là đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc với các trang thiết bị đặc chủng. Từ các yêu cầu trên, nhóm nghiên cứu đã thiết kế và sản xuất 4 mẫu trang phục công tác đặc chủng để bộ đội mang mặc thử nghiệm. Cụ thể: Bộ công tác bay mùa hè của phi công có màu xanh da trời được thiết kế theo đặc thù của ngành; áo budông dài tay có đai liền, cổ bẻ, ngực kéo khoá, lưng áo có lỗ thoát khí đảm bảo thông thoáng; quần dài lưng rời có khoá tăng giảm; quần và áo được thiết kế nhiều túi, sử dụng dây khoá kéo, móc chữ D phù hợp với tính năng sử dụng, không dùng các loại khuy và cúc áo thông thường tránh bị rơi, đứt vào khoang máy bay để đảm bảo an toàn khi bay. Đại uý Trần Trung Thưởng- Phó Phi đội trưởng Phi đội 2 (Trung đoàn 920- Trường sĩ quan Không quân) cho biết: So với các loại đồng phục trước đây, bộ quần áo bay mới có kiểu dáng hợp lý, chất liệu vải mát, thao tác, điều kiển trên máy bay thoải mái, không bị vướng. Đối với bộ công tác bay mùa đông được thiết kế áo liền quần; áo cổ đứng, tay dài kéo khoá ngược 2 chiều; quần may liền với áo, ngang eo măng-séc tăng giảm bằng băng nhám dính; thân sau áo, đáy quần mở khuyết để đảm bảo sự thông thoáng. Trên bộ quần áo cũng được thiết kế nhiều túi và dùng dây khoá kéo. Thượng uý Nguyễn Đức Chung, giảng viên bay thuộc Phi đội 2 (Trung đoàn 920- Trường sĩ quan Không quân) nhận xét: So với bộ quần áo cũ, bộ quần áo bay mới được sản xuất bằng chất liệu vải tốt, kiểu dáng gọn gàng, thoát mồ hôi tốt, không có cảm giác bức bối, khó chịu. Tuy nhiên cần may túi áo ngực đựng súng sâu hơn và nên thiết kế dạng áo cổ bẻ như áo bay mùa hè. Bộ quần áo bay mới có nhiều ưu điểm hơn bộ cũ, vì vậy cần sản xuất và bảo đảm sớm cho phi công, góp phần nâng cao hiệu quả bay trong huấn luyện cũng như làm các nhiệm vụ khác được cấp trên giao.
Bộ quần áo công tác trên tàu ngầm được thiết kế dạng cổ đứng, áo liền quần; áo dài tay may liền quần, thân trước ngực áo có 2 túi ốp nổi có nắp dập cúc đồng; có túi tay, túi quần dùng dây khoá kéo. Thân sau có cầu vai xếp 2 ly sang 2 bên, lưng và đáy quần có lỗ thoát khí, đảm bảo thông thoáng, thoát mồ hôi, chất liệu vải có khả năng kháng khuẩn, thoát khí tốt. Riêng bộ quân phục chiến sĩ CSB kiểu dáng cơ bản giữ nguyên như bộ quân phục chiến sĩ K07 nhưng chất liệu vải có cải tiến thêm có khả năng chống được tia UV, kháng khuẩn... phù hợp với đặc thù hoạt động trên biển. Thiếu uý Lê Khánh Hải, sĩ quan tàu CSB 4043 (Vùng CSB 4) cho biết: Bộ quân phục mặc mát, hút mồ hôi tốt, không cảm thấy nóng, thao tác thoải mái, giặt không bị phai màu. Tuy nhiên chất liệu vải cần nghiên cứu cho mềm hơn. Hiện nay, các bộ trang phục nói trên đã và đang được TCT chỉnh sửa và hoàn thiện khi sản xuất đại trà.
Với việc thành công trong nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm mẫu vải và trang phục công tác đặc chủng, TCT 28 không chỉ đáp ứng nhu cầu trang bị cho quân đội mà còn mở ra tiềm năng cung ứng cho các lực lượng ngoài quân đội như phi công dân dụng, lực lượng phòng cháy chữa cháy, y tế, hàng hải, cứu hộ cứu nạn... Những thành công liên tiếp trong nghiên cứu, sản xuất, bảo đảm quân phục chiến sĩ K03, K07 và quân trang sĩ quan K08 và mới đây là trang phục đặc chủng cho các lực lượng đặc thù đã khẳng định chiến lược phát triển, hướng đi đúng của TCT trong việc chủ động đi trước, đón đầu, đầu tư đổi mới trang bị, ưu tiên nguồn lực con người, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học hiện đại vào nghiên cứu sản xuất, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước trao tặng.