Bên cạnh những tác động tiêu cực, khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng có những cơ hội và đón nhận những dấu hiệu tích cực nhờ những thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid–19 cũng như những thuận lợi nhờ xu hướng biến dịch về địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới.
Sáng 27/11, tại Hà Nội, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Toạ đàm đối thoại chính sách “Định hướng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo sau đại dịch Covid-19”.
Tham dự tọa đàm có đại diện các cơ quan trung ương, các trường trường đại học, các viện nghiên cứu; đại diện các tổ chức quốc tế ở Việt Nam như UNDP, Đại sứ quán Úc, Ireland, Thuỵ Điển, Canada, Hội đồng Anh…; đại diện doanh nghiệp khởi nghiệp; Các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các tổ chức xây dựng hệ sinh thái; các Viện/Trung tâm Nghiên cứu và Trường đại học; các diễn giả, chuyên gia về khởi nghiệp; các phóng viên báo chí, truyền hình…
Việt Nam có nhiều tiềm năng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chia sẻ: Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ việc hình thành một số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử, dạy học trực tuyến vào hơn 10 năm trước, đến nay, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng sôi động.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Nếu như trong năm 2012 Việt Nam có khoảng 400 công ty khởi nghiệp thì đến năm 2019 cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các lĩnh vực như: công nghệ, thương mại điện tử, công nghệ giáo dục, công nghệ nông nghiệp, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và du lịch.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã hình thành và bao gồm đầy đủ các thành phần quan trọng: các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, trường đại học, mạng lưới các huấn luyện viên, tư vấn, các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu và khởi nghiệp tại các trường đại học, viện nghiên cứu…
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong năm qua đã được xếp hạng vào Top 100 hệ sinh thái sáng tạo mới nổi trên thế giới, trong đó Việt Nam đứng vào vị trí khoảng 71-80.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt cũng chia sẻ: Năm 2020 là năm không định đoán trước được với đại dịch Covid-19. Là một trường đại học đầu ngành về nghiên cứu kinh tế và quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã thực hiện nhiều nghiên cứu có ý nghĩa về tác động của Covid-19 lên nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp Việt Nam.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Đại dịch gây đứt gãy các chuỗi sản xuất, thương mại, làm hạn chế sự di chuyển các nguồn lực trên quy mô quốc gia và quốc tế cũng như dẫn tới sự khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ và dễ bị tổn thương, gây ra những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Song, bên cạnh những tác động tiêu cực, khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cũng có những cơ hội và đón nhận những dấu hiệu tích cực nhờ những thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid–19 cũng như những thuận lợi nhờ xu hướng biến dịch về địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới.
Doanh nghiệp startup cần nhìn chính sách làm nguồn lực
Tại tọa đàm các đại biểu đã tập trung trao đổi và thảo luận về các nội dung: Đánh giá thực trạng về tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Thảo luận về các cơ hội, thách thức đối với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong và sau đại dịch Covid-19; Xác định các xu hướng và bối cảnh mới, thảo luận các cách thức ứng xử phù hợp của các cấu phần hệ sinh thái, đặc biệt là cấu phần chính sách và thực thi chính sách giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể thích ứng, chuyển đổi và bứt phá sau đại dịch Covid-19.
Theo ông Trần Trí Dũng, Chuyên gia của Chương trình khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss EP), cộng đồng khởi nghiệp vẫn luôn phải đứng trước nhiều rủi ro về sự sai lệch giữa thực tế với kế hoạch cũng như bất trắc khó lường. Hơn nữa, đại dịch cũng khiến tâm lý nhà đầu tư có nhiều thay đổi, giao thương quốc tế khó khăn khiến nhà đầu tư và dự án khởi nghiệp khó gặp nhau, dẫn đến các quyết định đầu tư sẽ mất nhiều thời gian hơn…
Ông Trần Trí Dũng nhận định, Covid-19 là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng lọc và gắn kết đội ngũ nhân sự. Nhưng bên cạnh đó, những nhà sáng lập cũng phải lên phương án thích ứng, phát triển, sáng tạo sản phẩm, đổi mới mô hình kinh doanh phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã nói về sự hoàn thiện dần dần trong chính sách hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cũng như hệ thống luật pháp không ngừng được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với diễn biến thực tế của hoạt động đổi mới sáng tạo, nhất là các chính sách khuyến khích hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Trí Dũng cho hay, sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng tiêu dùng, nhu cầu tiêu dùng cùng sự khó phân định việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, đặc biệt với bất trắc khó lường của đại dịch Covid-19 đã khiến cộng đồng khởi nghiệp càng gặp khó hơn. Ngoài việc cần ưu đãi về chính sách và thuận lợi về luật pháp, người khởi nghiệp nói riêng và cộng đồng khởi nghiệp nói chung cần được hỗ trợ về vốn để có thể đầu tư hiệu quả và từng bước phát triển, đóng góp tích cực vào sự đi lên của xã hội. Để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp vượt qua “cơn bão” Covid-19, các chính sách hỗ trợ cần nhiều hơn và chủ động hơn.
Toàn cảnh Tọa đàm
Ông Trần Vũ Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Saigon Innovation Hub phân tích và chỉ ra các xu hướng khởi nghiệp sáng tạo trong bổi cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. "Việc ứng dụng và chuyển đổi nhanh sang nền tảng số của nhiều doanh nghiệp nói chung và các start-up nói riêng cho thấy tính ưu việt của công nghệ số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh thời kỳ mới", ông Nguyên nói.
Từ năm 2015 đến nay, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam được tổ chức thường niên, do Đề án 844, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức với quy mô ngày càng lớn.
Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là từ khoá của Việt Nam từ năm 2016 đến nay, được thể hiện trong Chiến lược phát triển quốc gia, trong các đề án Chính phủ, của các Bộ, Sở, ban ngành địa phương, trong hoạt động phát triển quốc tế, trong ươm tạo, kết nối đầu tư, thu hút đầu tư, trong các trường đại học và trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy.
Bảo Chi