Năm nay là năm thứ 5 Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 được tổ chức. Đây là dịp để công chúng đến với KH&CN, giao lưu với những người làm KH&CN và tìm hiểu về những thành tựu mới của KH&CN Việt Nam. Đồng thời tôn vinh, biểu dương đội ngũ làm công tác KH&CN, động viên các cá nhân, tổ chức áp dụng KH&CN phát triển sản xuất, tuyên truyền, phổ biến các thành tựu KH&CN mới.
Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
PV: Tại Điều 7 Luật KH&CN năm 2013 đã quy định lấy ngày 18/5 hằng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm nay là năm thứ 5 Ngày KH&CN được tổ chức, với tư cách là người quản lý trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ, cũng như cảm nhận của mình về ngày này?
- Ông Hồ Quang Lợi: Đất nước ta đang trong cuộc cạnh tranh gay gắt trên bình diện toàn cầu, để Việt Nam chống tụt hậu. Hiện nay nền kinh tế tăng trưởng không thể nào chỉ dựa vào khai thác về tài nguyên và lao động giá rẻ, đầu tư. Nếu các yếu tố tăng trưởng chỉ dựa vào tài nguyên sẵn có thì nền kinh tế đất nước ngày càng tụt hậu.
Vấn đề chúng ta phải có hàm lượng trí thức, phát triển KH&CN, coi đây là yếu tố quan trọng có tính đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, chúng ta đang thay đổi mô hình về tăng trưởng. Chúng ta đang điều chỉnh cơ cấu tăng trưởng của đất nước, trong quá trình đó KH&CN đóng vai trò rất quan trọng vào cuộc chạy đua trong thế giới ngày hôm nay bởi đó là cuộc chạy đua về trí tuệ, chạy đua về KH&CN. Đất nước nào vươn lên về KH&CN đất nước đó sẽ tạo được những thành tựu phát triển và sẽ nhanh chóng đi đến phồn vinh. Vấn đề này đối với nước ta rất nóng bỏng và gay gắt. Đây là thời kỳ mà Việt Nam cần tập trung để phát triển về KH&CN làm sao cho các thành tựu của KH&CN phải được ứng dụng vào trong sản xuất, ứng dụng trong đời sống và phục vụ đời sống nhân dân ngày một tốt hơn thì đó là nhiệm vụ của KH&CN. Để làm tốt được vai trò đó, báo chí, truyền thông có trách nhiệm lan tỏa những điều này trong đời sống xã hội để chúng ta có một nhận thức đầy đủ về sự phát triển của KH&CN góp phần nhanh chóng đưa các thành tựu của KH&CN vào phục vụ đời sống và phát triển đất nước.
KH&CN phải được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội
PV: Thưa ông, nếu cả năm chỉ có tổ chức một ngày KH&CN Việt Nam thì rất khó để tinh thần KH&CN đến được với mọi người, mọi nhà. Theo ông, cùng với việc tổ chức Ngày KH&CN Việt Nam, công tác truyền thông cần có giải pháp gì để cả cộng đồng thực sự hiểu rõ vai trò của KH&CN trong phát triển bền vững?
- Quả thực là KH&CN vẫn còn là vấn đề tương đối mơ hồ đối với một bộ phận người dân của chúng ta và chính vì thế 5 năm trước đây Nhà nước đã quyết định lấy ngày 18/5 là Ngày KH&CN Việt Nam. Tôi cho đây là quyết định hết sức kịp thời và cần thiết. Một năm nếu chỉ đến ngày đó mới nhớ tới ngày KH&CN vậy thì đương nhiên là không đủ, tinh thần KH&CN phải được lan tỏa từng ngày, từng giờ trong đời sống xã hội. Để lan tỏa được thì cần phải thông qua truyền thông, thông qua báo chí. Qua đó để thấy rằng báo chí có vai trò quan trọng trong việc làm cho các vấn đề KH&CN trở thành vấn đề nhận thức thường xuyên đối với mọi tầng lớp trong xã hội, để từ đó tạo thành động lực mới trong việc phát triển của đất nước thông qua việc phát triển KH&CN. Đây là vấn đề mà Hội Nhà báo và giới truyền thông nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN và chắc chắn trong thời gian tới các cơ quan báo chí trên cả nước cũng như Hội nhà báo Việt Nam quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực này của hoạt động báo chí và báo chí sẽ góp phần tích cực hơn nữa vào việc phát triển KH&CN của đất nước.
PV: Là nhà quản lý trong lĩnh vực báo chí, xin ông cho biết việc tổ chức Ngày Khoa học và Công nghệ ở Việt Nam sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của KH&CN ở nước ta? Nhân Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, ông có điều gì muốn nhắn gửi đến các nhà khoa học đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, thưa ông?
- Tôi nghĩ là việc chúng ta tổ chức Ngày KH&CN hằng năm là việc rất cần thiết và là dịp để chúng ta nhìn nhận lại cái gì chúng ta đã làm được và cái gì chúng ta chưa làm được trong lĩnh vực KH&CN trong suốt cả năm. Điều mà tất cả chúng ta đều mong đợi đó là người Việt Nam rất thông minh, có lẽ Việt Nam không thua kém nhiều dân tộc, đất nước trên thế giới. Nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa vươn lên tầm đất nước phát triển về KH&CN. Đây là điều mà chúng ta phải đau đáu, thậm chí chúng ta phải mất ăn, mất ngủ về chuyện này, để làm sao đưa KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển của đất nước. Để làm được điều này, nó phụ thuộc trước hết vào chính sách, cơ chế cần thiết đầy đủ, hợp lý và khoa học nhất cần thiết cho KH&CN. Bên cạnh đó, chúng ta phải có đội ngũ làm KH&CN mà có thể tận dụng một cách tốt nhất những nguồn lực của đất nước dành cho KH&CN bằng trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, và bằng khát vọng của người Việt Nam để từ đó, chúng ta có được những phát minh, thành tựu về KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển và sản xuất, phục vụ trực tiếp cho người dân và tôi thấy rằng những thành tựu KH&CN rất thiết thực được đưa vào sản xuất và người dân hào hứng hồ hởi đón đợi đấy là sức sống của KH&CN.
Bài, ảnh: Đăng Minh