Chiều 06/3, tại Hà Nội, Đại sứ Ireland – bà Cáit Moran và Phó Đại sứ kiêm Đại biện Lâm thời Australia – bà Rebecca Bryant đã chủ trì tổ chức sự kiện chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và phát động cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp công nghệ giúp cải thiện cuộc sống phụ nữ nông thôn Việt Nam” (gọi tắt là “Công nghệ vì sự bình đẳng”). Thứ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã tham dự sự kiện.
Hưởng ứng chủ đề toàn cầu “Suy nghĩ bình đẳng, xây dựng thông minh và sáng tạo để thay đổi”, được đồng tài trợ bởi Chính phủ Australia và Ireland và thực hiện bởi tổ chức Sáng Kiến hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE), cuộc thi quốc gia này được tổ chức nhằm thúc đẩy việc áp dụng công nghệ, thông qua đó nâng cao năng lực và cải thiện cuộc sống phụ nữ nông thôn Việt Nam.
Các mục tiêu của cuộc thi bao gồm: Khuyến khích các ý tưởng sáng tạo công nghệ giúp cải thiện cuộc sống và năng suất lao động của phụ nữ nông thôn; Hỗ trợ triển khai và nhân rộng các sáng kiến tốt; Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; Tạo động lực cho phụ nữ tích cực tham gia phát triển các giải pháp công nghệ nhằm tạo ra sự thay đổi.
Bà Rebecca Bryant - Phó Đại sứ kiêm Đại biện lâm thời Australia phát biểu phát động cuộc thi
Tổng số tiền giải thưởng của cuộc thi lên đến 18.000 đô la Australia trong đó giải Nhất là 10.000 đô la, giải Nhì 5.000 đô la và giải Ba 3.000 đô la. Ngoài ra, các sáng kiến đoạt giải sẽ được hỗ trợ thông qua hoạt động ươm tạo và tăng tốc bởi tổ chức WISE.
Để tham gia cuộc thi, ứng viên phải là phụ nữ trên 18 tuổi có quốc tịch Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam (cá nhân hoặc nhóm có người đại diện là một thành viên nữ có thể tham gia cuộc thi) và có giải pháp công nghệ giúp cải thiện cuộc sống hoặc năng suất làm việc của phụ nữ nông thôn. Giải pháp công nghệ có thể ở giai đoạn ý tưởng, hoặc sản phẩm mẫu hoặc sản phẩm hoàn thiện. Thời hạn nộp đề xuất dự thi kéo dài từ 06/3/2019 đến 06/4/2019 và các giải pháp công nghệ đoạt giải sẽ được công bố vào Ngày Đổi mới Sáng tạo Thế giới (ngày 21/4/2019).
Sự kiện cũng giới thiệu 02 công nghệ giúp cải thiện cuộc sống phụ nữ nông thôn Việt Nam do Chính phủ Australia và Ireland hỗ trợ. Một là ứng dụng trên điện thoại có tên gọi “Hành trình An toàn” – một ứng dụng giúp cung cấp thông tin về chỗ ở và việc làm cho phụ nữ di cư. Ứng dụng được tổ chức Plan International Việt Nam phát triển với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia. Hai là cơ sở chế biến chè do Trung tâm Phát triển và Hội nhập hỗ trợ với nguồn tài trợ của Đại sứ quán Ireland. Dự án giúp nông dân trồng chè người dân tộc thiểu số ở Mường Đỗ, tỉnh Sơn La, nâng cao chất lượng chế biến sau thu hoạch và chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn Vietfarm và tạo nên các sản phẩm trà có thương hiệu và giá trị cao hơn.
Đại sứ Ireland, bà Cáit Moran phát biểu tại cuộc thi
Phát biểu tại sự kiện, Đại biện lâm thời Rebecca Bryan cho biết: “Hôm nay, chúng ta ghi nhớ và vinh danh sự quả cảm của những người phụ nữ đã đấu tranh cho quyền của những người khác. Australia tin tưởng rằng việc phụ nữ nông thôn được hưởng lợi từ những nỗ lực nâng cao quyền năng của chúng ta là hết sức quan trọng. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều sáng kiến dự thi giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ nông thôn.’
Đại sứ Moran phát biểu: “Bình đẳng giới là trọng tâm của chính sách phát triển quốc tế mà Ireland vừa công bố trong cuốn “Một thế giới tốt đẹp hơn” (A Better World). Là một phần trong những hỗ trợ của Cơ quan Viện trợ Ireland dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn Việt Nam. Ireland vui mừng hỗ trợ cuộc thi này nhằm mang đến những cơ hội khai phá tiềm năng sáng tạo của phụ nữ Việt Nam”.
Sản phẩm chè của dự án giúp nông dân dân tộc thiểu số ở Mường Đỗ,Sơn La nâng cao chất lượng chế biến chè của Chính phủ Ireland
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: “Sự kiện hôm nay mang nhiều ý nghĩa hơn với việc phát động cuộc thi ‘Công nghệ vì sự bình đẳng’. Tôi hiểu rằng cuộc thi nhằm mục đích phát hiện và hỗ trợ những giải pháp đổi mới sáng tạo giúp phụ nữ và trẻ em gái nông thôn có thể tham gia một cách đầy đủ và phát huy hết tiềm năng trong lực lượng lao động và nền kinh tế.”
Tin, ảnh: Vụ Hợp tác Quốc tế