Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Bình luận khoa học Chủ nhật, 24/11/2024 , 07:29 pm
Cập nhật : 08/01/2011 , 09:01(GMT +7)
Tìm hướng đi cho nền công nghiệp dược
Công đoạn đóng gói sản phẩm tại một công ty dược Việt Nam (sgtt.vn)
Gần hai thập kỷ qua ngành dược và công nghiệp dược Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng khích lệ. Về cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, từ khoảng 30 triệu USD năm 1989, chủ yếu nhờ vào nguồn viện trợ nguyên liệu dược và thành phẩm, đến năm 2009, lượng thuốc tiêu thụ tại Việt Nam lên đến 1,4 tỷ USD, gấp hơn 40 lần, trong đó hơn 50% do công nghiệp dược trong nước sản xuất.

Chủng loại thuốc phong phú với hơn 22 nghìn loại được cấp phép lưu hành trên thị trường từ hơn 1.500 hoạt chất làm thuốc. Về cơ bản, đáp ứng đủ nhu cầu điều trị không những chỉ các bệnh của mô hình bệnh tật một nước đang phát triển mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mô hình bệnh tật của nước ta đang trong thời kỳ CNH, HÐH.

Cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam cần tìm cho công nghiệp dược nội địa một hướng đi thích hợp, vừa tiếp thu những thành tựu của công nghiệp dược và nền khoa học - kỹ thuật dược thế giới, vừa phải có những định hướng và giải pháp riêng phù hợp với thế mạnh và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Công nghiệp dược là ngành công nghiệp kỹ thuật cao, vì vậy nguồn lực khoa học - công nghệ của đất nước và các ngành công nghiệp phụ trợ đóng một vai trò có tính chất quyết định trong việc phát triển công nghiệp dược, nhất là công nghiệp sản xuất nguyên liệu hóa dược. Theo một số nhà phân tích chính sách kinh tế và chuyên gia Dược học, một quốc gia chưa có mức thu nhập quốc dân đầu người hằng năm hơn mười nghìn USD thì khó có khả năng gia nhập vào nhóm nước phát minh và sản xuất nguyên liệu hóa dược. Ðể phát triển công nghiệp nguyên liệu hóa dược, ngoài yếu tố cực kỳ quan trọng là chủ trương và đường lối của Ðảng và Chính phủ, còn cần có một số yếu tố và điều kiện về nguồn lực quốc gia như trình độ và quy mô nền công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ (hóa dầu, cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ thông tin...) cũng như nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, các cơ sở nghiên cứu khoa học, các 'vườn ươm khoa học - công nghệ'. Môi trường luật pháp về bảo hộ sở hữu trí tuệ, các dịch vụ hỗ trợ. Ngoài yếu tố thị trường hấp dẫn, chính sách mua sắm cho khu vực y tế công và bảo hiểm y tế cũng là những yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho một môi trường kinh doanh dược phẩm lành mạnh. Có thể thấy rằng, với tiềm lực về khoa học - kỹ thuật và trình độ phát triển hiện tại của các ngành công nghiệp hỗ trợ hiện tại trong thập kỷ 2011-2020 Việt Nam chưa có thể trở thành một nước có thể tự túc sản xuất các nguyên liệu hóa dược, điều mà hiện nay mới chỉ có 13 quốc gia công nghiệp phát triển đang có khả năng thực hiện.

Do đó, cần phải phân kỳ và xác định những mục tiêu và giải pháp cụ thể cho mười năm tới để thực hiện thành công định hướng quan trọng của Ðảng phát triển nhanh công nghiệp dược như là một ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Chúng tôi nghĩ rằng trong thập kỷ tới, khi Việt Nam đang từng bước phấn đấu ra khỏi nhóm nước đang phát triển để gia nhập vào nhóm nước công nghiệp, thì nhiệm vụ trọng tâm của công nghiệp dược nội địa là xây dựng một nền công nghiệp bào chế dược phẩm hiện đại, tiên tiến để có thể tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng và mở rộng danh mục thuốc bào chế trong nước phục vụ yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Lợi thế cạnh tranh của công nghiệp dược trong nước là công nghiệp bào chế, với hơn 100 nhà máy đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) của Tổ chức Y tế thế giới và một số ít đạt tiêu chuẩn GMP Cộng đồng châu Âu hoặc Nhật Bản. Trong giai đoạn 2011-2020 việc đẩy mạnh sản xuất thuốc generic, đặc biệt là các generic mới từ các dược chất hết thời hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ là cực kỳ quan trọng để có thể cung cấp thuốc tốt với giá cả hợp lý cho nhân dân.

Trên cơ sở hiện đại hóa công nghiệp bào chế theo các chuẩn mực tiên tiến, công nghiệp bào chế trong nước có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật - công nghệ cao trong lĩnh vực bào chế dược phẩm thông qua mua bằng phát minh, sáng chế, sản xuất nhượng quyền, sản xuất theo hợp đồng... với các công ty dược hàng đầu trên thế giới. Thông qua sản xuất nhượng quyền, sản xuất theo hợp đồng, công nghiệp dược nội địa tham gia từng bước vào 'chuỗi giá trị toàn cầu' của dược phẩm. Hướng phát triển này cũng phù hợp với chiến lược 'gia công bên ngoài' (outsourcing strategy) của các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia nói riêng và công ty dược phẩm phương Tây nói chung. Theo nhiều nhà phân tích kinh tế, làn sóng 'outsourcing' trong lĩnh vực dược phẩm đang dịch chuyển từ phương Tây sang các nước châu Á. Các công ty đa quốc gia không chỉ 'gia công bên ngoài' từng công đoạn hoặc toàn bộ quá trình sản xuất dược phẩm và nguyên liệu làm thuốc mà còn 'gia công bên ngoài' cả các hoạt động  nghiên cứu - phát triển, kể cả các giai đoạn của quá trình thử lâm sàng thuốc mới. Ngoài công nghiệp bào chế các thuốc hóa dược, một lợi thế cạnh tranh rõ ràng của công nghiệp dược Việt Nam là nghiên cứu sản xuất thảo dược từ nguồn dược liệu phong phú của đất nước. Tuy nhiên, cần phải có những thay đổi cơ bản quan niệm về nền công nghiệp bào chế thảo dược trong bối cảnh hiện nay. Ðó phải là những thảo dược được phát triển từ cây thuốc dựa trên những nghiên cứu khoa học nghiêm túc về hiệu quả, tác dụng chữa bệnh và tính an toàn cho người bệnh, trên cơ sở một nền y dược học thực chứng hơn là chỉ đơn thuần dựa trên kinh nghiệm và niềm tin.

 

Nguồn tin: Nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner