Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 03:32 am
Cập nhật : 02/10/2020 , 17:10(GMT +7)
Tiếp tục khẳng định vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Toàn cảnh Hội thảo
Để hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường, góp phần tạo bước đột phá trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn tới, cần có cơ chế phối hợp liên kết vùng, tập trung nhiều hơn cho hoạt động khoa học ứng dụng, tăng cường liên kết giữa bốn nhà nhằm trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển giao KH&CN và tiêu thụ sản phẩm.

Đây là một trong các định hướng và giải pháp quan trọng được đưa ra và trao đổi tại Hội thảo “Vai trò của KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Hội thảo do Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội tổ chức ngày 30/9/2020 tại Hà Nội nhằm đánh giá kết quả đạt được về KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) giai đoạn 2011- 2020; làm rõ các hạn chế và đưa ra các giải pháp trong thời gian tới. 

Đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Hà Ngọc Chiến - Uỷ viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đồng chí Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ KH&CN. Cùng dự có đại diện các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương vùng DTTS & MN, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các viện nghiên cứu.

Khẳng định vai trò của KH&CN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hà Ngọc Chiến cho biết, thực hiện Chương trình hoạt động giám sát năm 2020, trong hai tháng 8 và 9, HĐDT tổ chức giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về KHCN phục vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2011-2020” trên phạm vi toàn quốc. Qua giám sát thực tế, HĐDT nhận thấy Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách chung cũng như chính sách, pháp luật về KH&CN ưu tiên phát triển vùng DTTS & MN.

Từ năm 2011-2020 các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai 719 dự án KH&CN tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, có 441 dự án triển khai tại 34 tỉnh, thành phố vùng DTTS & MN. Kết quả đạt được từ các chương trình KH&CN khá toàn diện, đã tác động tốt đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, làm chuyển biến mọi mặt vùng DTTS & MN. Một số sản phẩm đã trở thành hàng hoá được phân phối trên các thị trường, đã có nhiều mô hình ứng dụng KH&CN tiên tiến điển hình trong sản xuất nông, lâm nghiệp.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến – Uỷ viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

phát biểu tại Hội thảo

Cũng theo đồng chí Hà Ngọc Chiến, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN còn nảy sinh nhiều hạn chế và bất cập đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần phải có sự điều chỉnh, sửa đổi Luật và xây dựng các chương trình, chính sách phù hợp mang tính đột phá, đặc thù theo từng vùng miền. Hội thảo là dịp để HĐDT có thêm nhiều thông tin đa chiều cả về lý luận và thực tiễn trong công tác KH&CN, có thêm những số liệu minh chứng cụ thể làm cơ sở cho việc đánh giá một cách khách quan nhất về những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, trong giai đoạn 2011-2020, từ đó có những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ về việc ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.

Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách chung cũng như chính sách, pháp luật về KH&CN ưu tiên phát triển vùng DTTS & MN, trong đó đã xác định rõ những vấn đề cần ưu tiên để đảm bảo phát triển bền vững vùng DTTS & MN. Để thực hiện chủ trương này, nhiều chương trình, chính sách phát triển KT-XH nói chung, chương trình KH&CN nói riêng đã được quan tâm triển khai nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền.

Bộ KH&CN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức KH&CN trong cả nước triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực và có hiệu quả các cơ chế chính sách phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, góp phần nâng cao tiềm lực, đổi mới cơ chế quản lý, thúc đẩy hoạt động KH&CN, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào phát triển KT-XH nói chung và vùng DTTS&MN nói riêng.

Các kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, công nghiệp, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp không chỉ đóng góp vào phát triển KT-XH của đất nước mà đã trực tiếp đóng góp có hiệu quả và làm thay đổi diện mạo đời sống, KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN. KH&CN đã hỗ trợ tích cực xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả, đặc biệt việc hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo chuỗi sản phẩm, hình thành các mối liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng nông sản, xây dựng các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của địa phương, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản của địa phương, giúp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Cụ thể, các kết quả nghiên cứu, chuyển giao KH&CN trong Chương trình nông thôn miền núi phục vụ phát triển kinh KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2011-2020 đã đem lại hiệu quả kinh tế đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực nhờ các giải pháp KH&CN trong quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường cảnh quan; đầu tư khai thác các công trình nước sạch, thủy lợi; chuyển đổi cơ cấu sản xuất; thay đổi cơ cấu mùa vụ và quy trình thâm canh, giảm chi phí… Các kết quả này đã góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cải thiện môi trường, bảo vệ đất, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu.

Qua 10 năm thực hiện, các nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình này đã trực tiếp làm thay đổi diện mạo đời sống, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN với trên 4.300 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN được hình thành và phát huy hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái của các địa phương; hỗ trợ tạo việc làm cho trên 3.000 lao động thường xuyên và 9.000 lao động thời vụ; chuyển giao trên 2.300 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền. Có thể kể đến một số mô hình hiệu quả như: Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình ương nuôi cá chình hoa giống và thương phẩm đạt năng suất và hiệu quả cao tại Thanh Hóa; Ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao chất lượng chè nguyên liệu cho chế biến chè Olong và chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Lai Châu; Ứng dụng công nghệ mới trong sấy gỗ rừng trồng tại tỉnh Phú Thọ; Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất chè xanh chất lượng cao tại tỉnh Cao Bằng; Ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống bố mẹ và chăn nuôi lợn ngoại tập trung tại tỉnh Bắc Kạn; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình ương cá giống và nuôi cá trắm đen thương phẩm trong ao trên địa bàn tỉnh Điện Biên;…

Các giải pháp đột phá cho vùng DTTS

Hội thảo đã nghe các báo cáo tham luận của đại diện các Bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng quan về tình hình triển khai, kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật, chuyển giao KH&CN vùng DTTS & MN; kết quả thực hiện nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2020 cùng những đề xuất, kiến nghị cho giai đoạn 2021-2030.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những tồn tại, “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tạo đột phá cho vùng DTTS & MN. Cụ thể: Nguồn lực dành cho KH&CN vùng DTTS & MN chưa thỏa đáng. Việc duy trì, phát huy các mô hình ở các địa phương còn khó khăn do thiếu nguồn nhân lực, chưa tạo được chuỗi giá trị. Chưa có nghiên cứu, đề tài khoa học về trình độ phát triển của từng thành phần dân tộc...

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, một số đại biểu cho rằng: Cần nhìn nhận rõ vai trò quan trọng của KH&CN trong hệ thống chính trị. Từ đó, hoàn thiện hệ thống KH&CN. Có cơ chế phối hợp giữa Bộ, ngành Trung ương và địa phương, tạo cơ chế cho các nhà khoa học được báo cáo kết quả các sản phẩm KH&CN đã được nghiên cứu. Cần có cơ chế phối hợp liên kết vùng; tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các tỉnh. Có các chương trình nghiên cứu hỗ trợ ứng dụng KH&CN mang tính chất liên vùng, liên ngành, đẩy mạnh các dự án mang tính khu vực để thực hiện liên kết vùng cho một số sản phẩm chủ lực, ưu tiên khoa học ứng dụng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn cán bộ là người DTTS tham gia các hoạt động KH&CN. Tạo được sinh kế, xóa được đói, giảm được nghèo cho đồng bào DTTS…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng: Vùng đồng bào DTTS & MN có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, có nhiều tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch sinh thái,... và cũng là vùng đặc biệt khó khăn, thường xảy ra thiên tai.

Vì vậy, đây chính là khu vực mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, xác định rõ những vấn đề ưu tiên để đảm bảo phát triển bền vững đối với khu vực này, đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò của KH&CN thúc đẩy phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS & MN.

Điều này đã được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội ban hành ngày 18/11/2019 và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Bộ KH&CN cùng các Bộ, ngành sẽ có căn cứ xây dựng, điều chỉnh các chính sách cho giai đoạn mới, xây dựng, triển khai tốt nhiệm vụ của Nghị quyết số 88/2019/QH14 “Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS & MN để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc” và Nghị quyết số 12/NQ-CP về các giải pháp ứng dụng KH&CN trong thực hiện các dự án của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021 - 2030.

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được của hoạt động KH&CN trong thời gian qua, từ xây dựng thể chế, chính sách, kết quả thực hiện, xây dựng các mô hình, các hoạt động KH&CN đã đóng góp cho sự phát triển của vùng DTTS & MN. Nhiều mô hình đã được áp dụng vào thực tiễn, minh chứng điển hình cho những thành tựu KH&CN vùng DTTS & MN. Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian tới, cần có những nghiên cứu, điều chỉnh các chỉ tiêu, số lượng, chất lượng các đề tài KH&CN cho sát với thực tiễn. Ưu tiên phân bổ kinh phí, tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao vai trò của các cấp, ngành trong hoạt động KH&CN.

Bài, ảnh: Nhóm PV

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner