Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 03:24 am
Cập nhật : 10/09/2012 , 16:09(GMT +7)
Tiến sĩ lúa mùa
TS Võ Công Thành đứng trước giống lúa Sỏi ngắn ngày trong phòng thí nghiệm.
Trên chuyến xe đò từ Cần Thơ về huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) hồi cuối tháng 2 năm nay, dọc đường, điện thoại của một người rặt vóc dáng nông dân không ngừng reo. Người gọi là những hộ dân đang trồng thí điểm một số giống lúa mùa, họ lo lắng khi độ mặn hiện giờ đã vượt 10%0. Dưới cái nắng giữa cuối mùa khô và độ mặn cứ tăng dần mỗi ngày, tôm cũng dễ chết nên lúa giống đang ủ liệu có nảy mầm, lúa đang trổ đòng liệu có ngậm sữa… Người nghe là phó giáo sư – tiến sĩ Võ Công Thành.

Lúa chịu mặn

Buổi làm việc với tiến sĩ Thành ở Hồng Dân hôm ấy, có mặt cả bí thư lẫn chủ tịch huyện. Số là, mấy năm trước, khi biết ông đang lai tạo một số giống lúa mùa chịu được mặn, huyện tìm đến ông và ký hợp đồng để phá hoang vùng ngập mặn hơn 24.000ha. Suốt mấy năm đeo đuổi, cải tạo, nhân giống, cách mà ông thường gọi là “phục tráng”, các giống lúa Một Bụi Đỏ, Một Bụi Hồng… đã bám rễ ở những vùng độ mặn 6 – 8%0 và trở thành gạo thương phẩm, vừa sạch vừa ngon, được đăng ký bảo hộ. Một bước dài, năm nay khoảng 16.000ha vùng mặn xen ngọt đã được giải quyết, nông dân làm được một vụ lúa, một vụ tôm – cá hoặc xen canh tôm – lúa.

Cái cũ chưa xong, đầu năm ngoái, hai bên lại ký tiếp hợp đồng mới, yêu cầu của bên trả tiền: giải quyết nốt 5.000ha vùng quá mặn (trên dưới 10%0). Bên nhận tiền trưng ra một loại lúa mùa khác, tên “Sỏi”. Buổi làm việc căng như dây đàn dù toàn người thân quen. Hợp đồng cũ coi như xong, nhưng huyện đề nghị ông giảm bớt tỷ lệ bạc bụng trong gạo, hỗ trợ một phần đầu ra. Hợp đồng mới còn ngổn ngang, sau một năm, từ 4kg lúa Sỏi giống siêu nguyên chủng của phòng thí nghiệm, Hồng Dân thu được 20 tấn lúa giống. Lúa Sỏi xuống ruộng không phải dùng thuốc trừ sâu bệnh, chịu mặn, chịu nóng, năng suất 4 – 5 tấn/ha, cơm mềm, khoáng chất cao, chỉ cần rút ngắn thời gian sinh trưởng xuống 100 ngày là ổn. Mùa này, cả huyện xuống giống hơn 300ha, tới vụ thu hoạch ước chừng từ 1.200 – 1.500 tấn. Thôi thì trăm thứ để bàn, trồng theo phương án nào, 20 tấn giống xử lý ra sao, có bán ra ngoài tỉnh không. Đầu ra, huyện có dám bao tiêu hết…. Thế mới biết, lấy được một đồng chân chính từ ngân sách thật không dễ!

Trong chuyến về Hồng Dân hôm ấy, nhìn ông lúc làm việc với lãnh đạo huyện Hồng Dân, hay khi bì bõm lội ruộng thăm lúa, mái tóc bạc cháy nắng, da đen sạm, nụ cười chất phác trên khoé môi khô, đôi bàn tay chai sạn, người lạ sẽ nghĩ ngay ông là một nông dân chính hiệu chứ không phải một phó giáo sư – tiến sĩ, giảng viên của đại học Cần Thơ.

Tiến sĩ “biến đổi khí hậu”

Người ta gọi ông bằng nhiều cái tên: “tiến sĩ thơm phức” (ông lai tạo một giống lúa mùa có tên Thơm Phức) hay “tiến sĩ thần nông mặn” (tên khác của lúa Sỏi), nhưng tôi vẫn thích gọi ông bằng cái tên “tiến sĩ biến đổi khí hậu”. Có lẽ chính vì cái sự biến đổi khí hậu của thiên nhiên, nên những vốn quý của đồng bằng – các giống lúa mùa truyền thống – được ông sưu tập, bảo tồn từ nhiều năm trước nay phát huy tác dụng. Mặc dù, “vốn quý” này đã bị bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khai tử hơn chục năm trước vì năng suất kém, thời gian sinh trưởng dài và đặc biệt là tác nhân phát tán rầy. Ông thổ lộ: “Nếu không có biến đổi khí hậu, mấy giống lúa mùa chịu mặn, chịu hạn của tôi bị bỏ quên tới mục”.

Các giống lúa Một Bụi Đỏ, Một Bụi Hồng… đã bám rễ ở những vùng độ mặn 6 – 8 %0 và trở thành gạo thương phẩm, vừa sạch vừa ngon, được đăng ký bảo hộ. Một bước dài, năm nay khoảng 16.000ha vùng mặn xen ngọt đã làm được một vụ lúa, một vụ tôm – cá hoặc xen canh tôm – lúa.

Cái mốc đáng nhớ của ông là vào mùa khô năm 2007 – 2008, khi các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long bị hạn, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Tất cả đổ xô đi tìm giống lúa chịu mặn. Họ tìm ông và ngay sau đó “Thơm Phức” (ông gọi tắt là TP) được đưa xuống Trà Vinh thử nghiệm. Vào vụ gặt, TP vẫn trĩu hạt dù nước ruộng đã mặn từ lâu, trong khi các giống quen bông trổ thẳng đứng, lép kẹp. Cơm mềm, bay mùi thơm phức. Vụ đầu mỗi hecta được 4 – 5 tấn, mấy vụ sau lên 6 – 7 tấn. Công ty lương thực Trà Vinh làm thêm một bước: bao tiêu đầu ra. TP được cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu.

“Tiếng lành đồn xa”, nhiều địa phương, cả doanh nghiệp lẫn nhà quản lý tìm đến ông đặt hàng các giống lúa mùa thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng của mình. Họ đến từ vùng mặn ở Cà Mau, Kiên Giang… và cả từ vùng hạn ở Tri Tôn, Thoại Sơn (An Giang). Ông bận túi bụi khi phải phục tráng hàng loạt giống lúa mùa: Thần Nông, Tài Nguyên, Nàng Níu, Nàng Thơm… Đến nay, hơn chục giống lúa mùa, qua bàn tay ông và cộng sự, đã chịu được hạn, mặn, ngắn ngày, năng suất khá, thơm mềm.

Giấc mơ xanh trên 700.000ha ngập mặn

Cơ duyên đưa ông đến với những giống lúa mùa chịu hạn, chịu mặn bắt đầu từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi Nhật Bản chuyển giao cho trường đại học Cần Thơ một công nghệ có tên “Điện di protein SDS-PAGE”. Công nghệ này được phía Nhật ứng dụng trên cây đậu nành. Thấy có vẻ không hợp ở xứ mình, nên ông mạnh dạn đề nghị chuyển sang cây lúa. Nôm na, kỹ thuật điện di protein SDS-PAGE có thể phát hiện gạo mềm, hoặc cứng cơm, tăng được nhiều hàm lượng quý như sắt, protein… trong gạo, nên có thể tuyển lấy nguồn giống tốt nhất. Đây là đề tài luận án tiến sĩ của ông vào năm 2003, tại đại học Công nông Tokyo.

Cũng lúc này, tiến sĩ Võ Công Thành bắt đầu hành trình đi tìm, thu thập những giống lúa mùa của dân gian vùng đồng bằng từ xa xưa. Nhiều năm rong ruổi trên chiếc xe máy, từ Long An, Bến Tre đến Cà Mau, Kiên Giang… không vùng ngập mặn nào ông không đặt chân, ăn nằm với nông dân để tìm hiểu đặc điểm sinh trưởng của từng giống. Lúc này, lúa mùa đã gần như bị loại khỏi cuộc chơi vì dài ngày, năng suất chỉ cỡ 1 tấn/ha. Đến 2004, ông kiếm được khoảng 150 giống lúa mùa. Trong số này, không ít giống có khả năng kháng mặn, kháng bệnh, ông chọn ra và nhân giống ở phòng thí nghiệm của trường. Đầu tiên là Một Bụi Đỏ và lúa Sỏi. Bước nữa, ông dùng kỹ thuật điện di protein lấy cái phần thơm ngon của lúa thơm lai tạo với giống chịu mặn.

Và TP ra đời với sức chịu mặn hơn 3%0.

“Nếu không có cái vụ biến đổi khí hậu thì mấy cái giống lúa mùa chịu mặn, chịu hạn của tôi bị xếp xó tới mục”

TS Võ Công Thành

Lúc này, ông công bố một đề tài nghiên cứu “Đánh giá khả năng chịu mặn và đa dạng di truyền protein dự trữ của các giống lúa trồng ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Mục đích nhằm khai thác vốn gen quý, phục vụ chọn tạo giống, đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Tiếc rằng, đề tài của ông lúc đó chưa được quan tâm, nó ngủ quên giống như bộ sưu tập lúa mùa (khoảng 100 loại giống bị hư hỏng vì không có điều kiện bảo quản) và chỉ thức giấc khi nước mặn xâm lấn sâu vào đồng bằng trong mùa khô 2007 – 2008.

***

Bước vào phòng thí nghiệm di truyền – chọn giống và ứng dụng công nghệ sinh học của đại học Cần Thơ, nơi đang ươm gần chục giống lúa để sẵn sàng cấp ngay giống nguyên chủng cho khách hàng, cũng nhỏ bé như cái chỗ ngồi của ông trưởng phòng – phó giáo sư, tiến sĩ Võ Công Thành. Chưa đầy chục con người, tất cả đều là học trò của ông vẫn miệt mài với từng hạt lúa. Từ lâu, cái phòng thí nghiệm nhỏ bé này phải xoay xở để tự trang trải chi phí, trả lương cho tám con người, mà đầu tàu là thầy Thành. Nhưng dường như, những cái khốn khó thường nhật đã tạm quên trong ánh mắt của vị tiến sĩ khi ông nói tới cái ngày 700.000ha đất ngập mặn của vùng đồng bằng đều trồng lúa.

Nguồn tin: sgtt

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner