Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 06:27 pm
Cập nhật : 12/03/2013 , 08:03(GMT +7)
Thương mại hóa công trình nghiên cứu
Thuốc Ruvintat, một trong 5 sản phẩm dự kiến nhận được hỗ trợ kinh phí thương mại hóa trong năm nay
Mỗi năm, TPHCM có hàng trăm đề tài nghiên cứu hội tụ đầy đủ yếu tố như tính mới, tính công nghệ cao, do Việt Nam làm chủ công nghệ… nhưng khả năng thương mại hóa các đề tài nghiên cứu vẫn là một dấu hỏi lớn.

Trước thực trạng này, Sở KH-CN TPHCM đã đề xuất với UBND TPHCM giải pháp hỗ trợ kinh phí sau nghiệm thu các đề tài nghiên cứu có chất lượng.

Chọn “giống” thực hiện bước đầu

Theo đề xuất, thành phố sẽ dành khoảng kinh phí 2 tỷ đồng tập trung hỗ trợ trước cho 5 sản phẩm bao gồm: thuốc Ruvintat điều trị rối loạn chuyển hóa lipid ở người; vaccine dại dùng cho thú y; máy ép nhiên liệu làm chất đốt từ sinh khối; máy thi công bê tông trên mặt phẳng nghiêng; máy phun hạt mài lưu tốc xử lý rỉ sét tàu biển. Đây là những đề tài có chung một điểm là đạt đến độ chín về kỹ thuật và mức độ hoàn thiện công nghệ. Tuy nhiên, vì còn vướng một số thủ tục cuối cùng mà các đề tài vừa kể trên không thể đến tay các doanh nghiệp có nhu cầu.

Cụ thể hơn, theo ông Phạm Tấn Kiên, chuyên viên Phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN TP), thuốc Ruvintat do Th.S Dương Thị Mộng Ngọc, Trưởng bộ môn hóa chế phẩm, Trung tâm sâm và dược liệu TP đã hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn thứ 3 và cũng được Bộ Y tế công nhận là loại thuốc điều trị. Đến nay, đã có 2 doanh nghiệp sản xuất thuốc đưa phương án xin chuyển giao. Nhưng khó ở chỗ công nghệ và quy trình sản xuất Ruvintat hiện vẫn chưa được định giá cụ thể. Kinh phí cho công đoạn này vào khoảng 250 triệu đồng.

Một đề tài khác là Vaccine dại công nghệ tế bào do Th.S Nguyễn Kim Dung cùng các cộng sự tại Viện Pasteur TPHCM thực hiện đã thử nghiệm thành công trên chó. Nếu đưa vào sản xuất thành công vaccine này, sẽ thay thế được gần 3 triệu liều vaccine phòng dại cho chó, mèo vốn đang nhập khẩu. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp yêu cầu chủ nhiệm đề tài phải đánh giá được mức độ hiệu quả sau thực nghiệm, trong khi, nguồn kinh phí thực hiện dự kiến mất đến 200 triệu đồng… đã gây khó khăn cho nhà nghiên cứu.

Vừa hỗ trợ vừa chia sẻ với các nhà khoa học

Để các nghiên cứu trở thành những sản phẩm thực thụ, đến tay người tiêu dùng cần một quá trình khá dài và kinh phí lớn. Thường sau nghiệm thu là sản xuất thử nghiệm, rồi thử nghiệm lâm sàng/thực nghiệm để đánh giá mức độ hiệu quả... trước khi chuyển giao. Với hỗ trợ đề tài sau nghiệm thu tối đa 100 triệu đồng như hiện nay chỉ đủ để chủ nhiệm đề tài in sách, tổ chức hội thảo, truyền thông… “Với đề xuất mới này, chúng tôi hy vọng vừa hỗ trợ, đồng thời chia sẻ bớt công việc với các nhà khoa học. Một khi các đề tài nghiên cứu được chuyển giao, xã hội sẽ là nơi hưởng lợi đầu tiên. Kế đó, các nhà khoa học thấy tiềm năng kinh tế cũng toàn tâm toàn ý đầu tư hơn cho các nghiên cứu của mình”, Ông Đinh Minh Hiệp, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM chia sẻ thêm như vậy.

Được biết từ năm trước, Sở KHCN TPHCM đã lập danh mục 40 sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa; Làm việc với các đối tác về phát triển thuốc Ruvintat… sau khi Công ty CP Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Đồng Tháp (DOMESCO) gửi phương án chuyển giao… thì với đề xuất nói trên, đây là nhiệm vụ hỗ trợ các ngành, lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ. Cho nên với cách làm “xé nhỏ” từng chương trình cụ thể như trên được xem là cách làm hiệu quả hơn để tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ thương mại hóa sản phẩm. Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, thành phố đã tổ chức các chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ các lĩnh vực, các ngành kinh tế - xã hội như: công nghiệp, nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng, giao thông, môi trường, quản lý đô thị, trong đó thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ cần thiết của năm nay.

Cũng cần nói thêm, trong số trên 30 đề tài còn lại dự kiến nằm trong chương trình hỗ trợ này (giai đoạn 2013 - 2015) cũng đã vướng phải các khó khăn về thủ tục lập quyền Sở hữu trí tuệ, khả năng tiếp cận các đối tác sản xuất, định giá sản phẩm, visa lưu hành sản phẩm… mà không thương mại hóa được. Chính vì thế ông Đinh Minh Hiệp, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho rằng lâu nay xã hội có quan điểm công tác nghiên cứu và quản lý khoa học của thành phố chưa được thực hiện tốt, nghiên cứu xong là cất vào ngăn kéo... chưa phải là cái nhìn toàn diện, điều này không hoàn toàn đúng.

 

Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner