Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ ba, 26/11/2024 , 04:29 am
Cập nhật : 07/04/2014 , 15:04(GMT +7)
Thương mại hoá công nghệ: Muốn thành công phải mạo hiểm
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển doanh nghiệp KH&CN theo mô hình thung lũng Silicon (A.T)
Thành công của các “đại gia lớn” trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hiện nay như Google, Microsoft, Apple,… là một minh chứng thành công cho sự đầu tư mạo hiểm. Thành công trên cho thấy nếu các công nghệ mới (thậm chí chỉ là ý tưởng mới) nếu được đầu tư mạo hiểm sẽ trở thành những sản phẩm và những doanh nghiệp khởi nghiệp với mức tăng trưởng lớn.

Bài học kinh nghiệm từ thế giới

Thung lũng Silicon là trung tâm công nghệ cao của Hoa Kỳ, đồng thời là một thị trường nơi các công nghệ mới gặp gỡ với nhà đầu tư mạo hiểm và kết hợp lại trở thành những doanh nghiệp khởi nghiệp với mức tăng trưởng nhanh chóng. Nơi đây cũng phản ánh toàn bộ tình hình về đầu tư mạo hiểm cho công nghệ tại Hoa Kỳ, là biểu tượng cho một văn hóa của những đổi mới và đầu tư mạo hiểm.

Thung lũng Silicon của Hoa Kỳ được biết đến là nơi khởi nguồn của rất nhiều “đại gia” trong lĩnh vực KH&CN như Google, Microsoft, Apple… Tuy vậy, trên thực tế, các doanh nghiệp này chỉ hình thành sau khi nhận được nguồn hỗ trợ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và của các doanh nghiệp khác. Còn các Thung lũng Silicon khác ở trên thế giới như Thung lũng Bangalore ở Ấn Độ, Thung lũng Daejeon của Hàn Quốc hay Tân Trúc của Đài Loan… cũng chỉ thành hình khi Chính phủ và đặc biệt là khối tư nhân cùng vào cuộc.

Ông Bora Kizil,  nhà đầu tư mạo hiểm đến từ Thung lũng Silicon Hoa Kỳ cho biết: trên thế giới, cũng đang phát triển mô hình đầu tư Thiên thần với 60.000 doanh nghiệp và 300.000 nhà đầu tư. Hướng đầu tư này không chỉ ở Mỹ, ở châu Âu số tiền đầu tư bởi nhà đầu tư kiểu này là 5 tỷ USD, ở Anh là 1,6 tỷ USD trong một năm. Với cách thức đầu tư này đã giúp các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp và thu lại nhiều tỷ đô la.

Đến Việt Nam

Cách đây 10 năm, năm 2004, công ty công ty Internet và công nghệ hàng đầu của Việt Nam (VNG) là tập hợp của 5 anh chàng mê game, vốn liếng ít ỏi, không chút kinh nghiệm “dò dẫm” bước vào thương trường với tham vọng mở một công ty tiên phong trong lĩnh vực game online còn rất sơ khai tại Việt Nam. 9 tháng sau khi thành lập, VNG gây chấn động khi ký được hợp đồng đầu tiên với Kingsoft để mang Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK) về Việt Nam. Trong vòng 1 tháng, VLTK đã tạo nên cơn sốt chưa từng có tại Việt Nam với con số ấn tượng 20,000 PCU (lượng người chơi truy cập tại cùng một thời điểm). Nhưng giả sử tại thời điểm đó, VNG không nhận được vốn đầu tư mạo hiểm từ quỹ IDG, liệu 5 chàng sinh viên này sẽ lấy đâu ra nguồn lực tài chính và con người để xây dựng giấc mơ của mình.

Hiện nay, VNG có hơn 2000 nhân viên, là nhà sản xuất, cung cấp game và các dịch vụ giải trí trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam với doanh thu mỗi năm hơn 2000 tỷ đồng.

Qua câu chuyện của VNG cho thấy, các ý tưởng tốt của các nhà khoa học sau khi được đánh giá, xem xét, phù hợp đáp ứng nhu cầu của thị trường, xã hội và khả năng thương mại hoá, nếu được đầu tư xứng đáng sẽ trở thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên trên thực tế mỗi năm, ở Việt Nam có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức trong doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu trong nước và từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng kí tại Việt Nam. Ngoài ra, phải kể đến nguồn kết quả nghiên cứu, giải pháp hữu ích đến từ các nhóm đơn lẻ, cá nhân. Tuy nhiên, hiện nay việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn hạn chế.

Vì vậy, Bộ KH&CN đã nghiên cứu, triển khai Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon tại Việt Nam”  hứa hẹn sẽ tạo ra một hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp KH&CN, với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị cao. Tại hội thảo “Vai trò của đầu tư mạo hiểm đối với chương trình thương mại hóa công nghệ Việt Nam” tổ chức mới đây, các chuyên gia nhấn mạnh, nếu muốn thung lũng Silicon Việt Nam thành công không thể thiếu đầu tư mạo hiểm.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, sự thành công từ BKav, VNG, Emotiv hay Flappy Bird chính là những minh chứng cho thành quả hoạt động đầu tư mạo hiểm của Việt Nam. Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mà trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghiệp khai thác, cũng còn rất nhiều “khoảng trống” và cơ hội để các doanh nghiệp KH&CN có thể khai thác, phát triển.

Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, đang cần rất nhiều doanh nghiệp KH&CN tham gia vào hoạt động chế biến các sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng để xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Trong lĩnh vực công nghiệp cũng rất cần ứng dụng công nghệ để chế biến, sản xuất một số nguyên liệu mà Việt Nam đang khai thác như boxit, đồng... Để thành công chúng ta rất cần kỹ năng để khai thác và đầu tư một cách mạo hiểm, nhưng hoàn toàn có thể phát triển loại hình doanh nghiệp KH&CN theo mô hình Thung lũng Silicon ở Việt Nam, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

TS. Phạm Hồng Quất- Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết: trên thực tế, hiện các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân còn ngại ngần đầu tư vào những trường hợp mới chỉ có ý tưởng mà chưa có thành sản phẩm. Vì thế, Nhà nước cần đầu tư mạo hiểm cùng các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để các doanh nghiệp khởi nghiệp yên tâm và được hưởng thụ ngay phần vốn hỗ trợ đầu tiên (khi chỉ có ý tưởng).

Tin tưởng rằng nếu Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam” thành công sẽ góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Để làm được điều đó cần sự nỗ lực của cả hai bên trong đó Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ cho các nhà khoa học bằng môi trường nghiên cứu thoải mái để phát huy hết khả năng. Nếu làm được như vậy đóng góp của các nhà khoa học cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ rất lớn.

Ánh Tuyết


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner