Đây là tên hội thảo do UBND thành phố Cần Thơ, Bộ KH&CN đồng tổ chức ngày 16/10/2014 nhằm tháo gỡ những vấn đề tồn tại và thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng lãnh đạo, đại diện các Sở KH&CN khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học thuộc các Viện, trường trong và ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp...
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nông nghiệp trù phú của đất nước, sản xuất lúa gạo, hoa màu, trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ, cung cấp lương thực thực phẩm và một phần cho các vùng lân cận đồng thời phục vụ cho xuất khẩu của quốc gia. Hai trong ba mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD xuất xứ từ đây, đặc biệt là mặt hàng gạo đã vượt 5 triệu tấn. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn ở trình độ thủ công, phần lớn việc canh tác dựa vào sức người, ít dùng máy móc nên năng suất chưa đạt được mức sản xuất của nền công nghiệp được cơ giới hóa trong khu vực Asean.
Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao để tiếp thu, làm chủ công nghệ mới phục vụ CNH- HĐH của vùng chưa nhiều. Các cơ sở KH&CN đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay. Công nghệ cao nghiên cứu để phục vụ công tác lãnh đạo và quản lý điều hành các lĩnh vực trong vùng chưa đáp ứng kịp thời, nhiều yêu cầu phân tích, kiểm nghiệm phải mang đi nơi khác để kiểm tra, phân tích...
Toàn vùng hiện có 6 trường đại học và cao đẳng, 33 viện nghiên cứu và tổ chức hoạt động KH&CN. Phân tích các nguyên nhân dẫn đến thực trạng hoạt động KH&CN hiện có trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong vùng, các chuyên gia cho rằng cần phải giải quyết các vấn đề như cơ chế quản lý chưa đồng bộ, cơ chế tài chính chưa hấp dẫn sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; trình độ năng lực của nhân lực trong hoạt động KH&CN còn thiếu, chưa đáp ứng được các lĩnh vực chuyên sâu; năng lực tài chính của các tổ chức KH&CN còn yếu kém, chủ yếu vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước; Hệ thống máy móc và cơ sở hạ tầng xuống cấp hoặc lạc hậu, sự liên kết giữa các tổ chức KH&CN này đều hoạt động đơn lẻ, chủ yếu theo yêu cầu của ngành chủ quản.
Các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo: nếu những nguyên nhân trên không được khắc phục, mô hình hoạt động và mục tiêu đầu tư cho các tổ chức KH&CN không được nghiên cứu, điều chỉnh lại thì hoạt động KH&CN sẽ không được đảm bảo tính hiệu quả cũng như không đáp ứng lộ trình phát triển KH&CN mà các tỉnh, thành đã đặt ra.
Hoạt động KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long cần có sự quy hoạch tổng thể (ảnh chụp tại Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành, thuộc Công ty bảo vệ thực vật An Giang )
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đồng quan điểm: không đầu tư cho KH&CN thì mãi không thoát nghèo. Chính vì vậy, một số giải pháp phát triển tiềm lực KH&CN vùng đồng bằng sông Cửu Long được đưa ra bao gồm: Thực hiện quy hoạch và phát triển KH&CN; Phát triển nguồn nhân lực; Tập trung nâng cao tiềm lực cho các tổ chức KH&CN; Tăng cường thông tin KH&CN; Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Tăng cường đầu tư tài chính và cuối cùng là phát triển thị trường KH&CN.
Tin, ảnh: Minh Châu