Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
KH&CN địa phương Thứ ba, 26/11/2024 , 02:31 pm
Cập nhật : 05/01/2013 , 13:01(GMT +7)
Thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại địa phương
Bắt đầu từ tháng 1.2014, tất cả các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN trên toàn quốc sẽ chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là chìa khóa tạo sự chuyển biến về chất, tăng cường sự chủ động, linh hoạt để các trung tâm này có thể tăng cường hiệu quả hoạt động cũng như đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển KHCN các địa phương.

Theo báo cáo của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH - CN, tính riêng từ năm 2011 đến nay, đã có 113 đề tài và 227 dự án đã và đang được triển khai tại 61 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN cả nước, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, thủy sản, an toàn bức xạ, tiết kiệm năng lượng, xử lý môi trường, vật liệu mới… Tổng số kinh phí dành cho các đề tài, dự án được phê duyệt là 453,2 tỷ đồng, trong đó tổng số kinh phí đã được cấp đạt 208,7 tỷ đồng.

Về dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ cho các tổ chức, cá nhân, trong năm qua, đã có 33/61 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN thực hiện 2.432 hợp đồng dịch vụ tư vấn và chuyển giao công nghệ trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ sinh học, môi trường. Tổng giá trị của các hợp đồng này xấp xỉ 49 tỷ đồng. Tổng kết từ 30/61 trung tâm cho thấy, các trung tâm này đã làm chủ được 79 công nghệ, tập trung trong các lĩnh vực vật liệu, xử lý môi trường, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, nông nghiệp, năng lượng, an toàn bức xạ…

Nguồn: dalat.gov.vn
Thống kê từ báo cáo của 61/61 trung tâm thì chỉ có 26 trung tâm có nhu cầu công nghệ trong thời gian tới. Số nhu cầu công nghệ của các trung tâm là 73 công nghệ diễn ra ở một số lĩnh vực: bảo quản sau thu hoạch, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp, sản xuất vật liệu và xử lý môi trường.

Mặc dù đạt được kết quả như trên, nhưng theo Thứ trưởng Bộ KH - CN Chu Ngọc Anh, vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn của các địa phương. Các trung tâm gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức triển khai các hoạt động; kinh phí hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước mà chưa thu hút, khai thác hiệu quả nguồn lực ngoài ngân sách.

Thứ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, Bộ KH - CN sẽ tiếp tục phối hợp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên các địa bàn làm thế nào để tạo ra những giải pháp thúc đẩy thực sự cả về tiềm lực, nguồn nhân lực cũng như là năng lực cụ thể của các trung tâm này trong hướng phát triển tiếp theo.

Tại Hội nghị Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ V được tổ chức tại Lạng Sơn mới đây, khi trao đổi tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đề xuất các nhiệm vụ thường xuyên trong hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tiến bộ KHCN cho các trung tâm, các đại biểu đều cho rằng, so với yêu cầu phát triển và chức năng, nhiệm vụ của trung tâm hiện nay, tiềm  lực về cơ sở vật chất, về nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính chưa rõ ràng, chưa có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng khuyến khích cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, có kinh nghiệm yên tâm công tác.

Theo ông Phạm Chí Thành - Đại học Nông nghiệp Hà Nội, các thành tựu về nghiên cứu khoa học của chúng ta đủ sức để tạo ra chuyển biến về mặt kinh tế lên gấp 1,5 lần so với hiện nay nhưng chúng ta không làm được do vấn đề tổ chức sản xuất. “Phải tổ chức lại sản xuất thì các tiến bộ kỹ thuật nêu ra mới vào được sản xuất, nếu không nghiên cứu xong sẽ gấp hồ sơ để đấy” - ông Thành nhấn mạnh.

Giám đốc Sở KH - CN Hải Phòng Nguyễn Văn An cho rằng, cần đổi mới cơ chế để đưa các trung tâm hoạt động có hiệu quả hơn. Điều ông An băn khoăn là vị trí vai trò và địa vị pháp lý của các trung tâm ứng dụng trong hệ thống khoa học (các cơ quan tổ chức, quản lý các sở, bộ, các tổ chức khoa học các doanh nghiệp, ứng dụng…) nằm ở đâu? Đây chính là điều khiến cho các địa phương gặp khó khăn, lúng túng khi triển khai hoạt động. Nếu nói chức năng của trung tâm này là ứng dụng, vậy ứng dụng của trung tâm có điểm khác gì so với ứng dụng ở chỗ khác. Bởi có rất nhiều hệ thống khuyến nông, khuyến công,… cũng làm ứng dụng. Bài toán đầu tiên là phải quy hoạch sắp xếp lại tổ chức KHCN, hiện nay đang chồng chéo lấn sân lẫn nhau.

Ông An nêu giải pháp, phải chăng các trung tâm sẽ đảm nhận vai trò là tổ chức chuyển hóa kết quả nghiên cứu trong cuộc sống và độc quyền. Khi đó Trung tâm  không phải đi nghiên cứu, đi đấu thầu, tuyển chọn… Và như vậy thước đo hoạt động hằng năm là chuyển hóa càng nhiều càng tốt.

Có chung trăn trở với ông An, Phó giám đốc Sở KH - CN Quảng Ninh Trần Văn Quang cho rằng, vì các địa phương tự ra quyết định thành lập các trung tâm nên các trung tâm có chức năng khác nhau. Ông Quang nhấn mạnh, Bộ KH - CN cần có khung cơ bản để các địa phương căn cứ vào địa vị pháp lý để làm. Trên cơ sở chuyển đổi có hướng dẫn cho các trung tâm để các trung tâm làm căn cứ, cần cái khung cơ bản để định hình các trung tâm.

Vẫn biết việc khoác lên mình tấm áo mới tự chủ là một bước ngoặt khó khăn đối với các Trung tâm. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả hoạt động, làm tốt vai trò là cầu nối từ nghiên cứu cơ bản chuyển sang nghiên cứu ứng dụng triển khai, không còn con đường nào khác, các Trung tâm phải tự lực tự cường, tìm ra con đường đi cho chính mình.

Diệu Huyền

Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner